Quyết định điều chỉnh môn Lịch sử từ tự chọn thành bắt buộc với tất cả học sinh cấp THPT đã nhận được sự đồng thuận cao. Theo lộ trình, năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 trên cả nước sẽ bắt đầu học Lịch sử theo phương án đã ban hành. PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xung quanh những nội dung này.
PV:Trước thềm năm học mới, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư điều chỉnh nội dung trong chương trình tổng thể và chương trình GDPT với môn Lịch sử. Trong đó, Lịch sử sẽ là môn bắt buộc thay vì lựa chọn như kế hoạch trước đó. Đã có quá nhiều ý kiến trái chiều về sự điều chỉnh này. Theo ông, những điều chỉnh của Bộ có phù hợp với tình hình thực tế không?
GS.TS TRẦN HỒNG QUÂN: Học Lịch sử giúp cho lớp trẻ hiểu biết và có cách nhìn nhận hợp lý về quá khứ của đất nước, của dân tộc và của thế giới để có thái độ đúng đắn với hiện tại và tương lai, để xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan tốt đẹp cho người học. Do vậy nên coi đó là một môn học cơ bản không thể thiếu trong chương trình. Tôi hoan nghênh quyết định mới đây của Bộ GDĐT: đặt Lịch sử là môn học bắt buộc.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh môn Lịch sử là tín hiệu vui, cho thấy học sinh, phụ huynh và xã hội rất quan tâm tới lịch sử đất nước. Tuy nhiên, những điều chỉnh này sát với thời gian năm học mới bắt đầu khiến nhiều nhà trường, giáo viên lúng túng. Nhiều giáo viên bày tỏ bất kỳ thay đổi nào cũng cần có lộ trình rõ ràng và có sự chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho đội ngũ, để không ảnh hưởng tới chất lượng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
- Việc sửa đổi biên chế năm học sát trước năm học mới quả là có làm khó cho các trường, các thầy cô. Nhưng tôi tin là với tinh thần tích cực hưởng ứng một chủ trương tốt thì các trường sẽ có cách khắc phục khó khăn. Vả lại, cấu trúc chung của chương trình giáo dục không thay đổi, chương trình môn Lịch sử không thay đổi, sách giáo khoa Lịch sử không thay đổi cũng là điều kiện thuận lợi cho các trường khắc phục khó khăn.
Theo chương trình hiện hành, ông đánh giá như thế nào về việc dạy và học môn Lịch sử hiện nay?
- Chương trình môn Lịch sử hiện hành còn ôm đồm nhiều kiến thức, chuỗi dài các sự kiện, bắt buộc học sinh phải nhớ nhiều khiến các em không mấy hứng thú. Điều này đòi hỏi chương trình phải có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này không phải là thêm hay bớt số tiết dạy mà vấn đề là phương hướng.
Vậy theo ông, việc kiểm tra đánh giá môn Lịch sử tới đây phải thay đổi thế nào bên cạnh việc điều chỉnh chương trình?
- Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận lại: Vì sao môn Lịch sử chưa hấp dẫn với nhiều người học? Có vấn đề phương pháp nhưng trước tiên là nội dung. Lịch sử là dòng sự kiện đã xảy ra, đã tồn tại khách quan, thường là quanh co khúc khuỷu, có vui có buồn, có thắng lợi có thất bại. Nhất là học lịch sử dân tộc, người học lúc thấy rất tự hào về cha ông mình, lúc thì xót thương Việt Nam thân yêu thường xuyên bị ngoại bang chèn ép, xâm lược.
Tôi lấy một ví dụ, theo dòng lịch sử thấy rằng dân tộc ta phải tốn máu xương để giành độc lập. Tuy nhiên cũng phải nhìn rõ nhiều thành tựu phát triển kinh - tế xã hội huy hoàng.
Trong thời đại ngày nay, ta có thể quyết tâm xóa hẳn cái khuôn đó. Nước ta phải giàu mạnh, đó là cách chủ động bảo vệ đất nước tốt nhất. Bằng mọi giá phải mau chóng đưa nước ta bắt kịp thế giới, vươn lên thành nước hiện đại giàu mạnh, để có tiềm lực quốc gia, không dễ bị chèn ép xâm lược. Lớp trẻ phải có động lực tinh thần mạnh mẽ để đảm nhận sứ mạng đó, phải học giỏi và sáng tạo, xây dựng sức mạnh trí tuệ làm cốt lõi cho sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Đó là thái độ đúng đắn trước lịch sử.
Dạy sử phải trình bày các sự kiện một cách khách quan, không bóp méo, không tô hồng, không làm cho nội dung trở thành một chiều, khó tin và khô khan chán ngắt. Bản thân lịch sử bao giờ cũng phong phú hấp dẫn, có thể rút ra nhiều bài học bổ ích cho hôm nay. Tiếp cận vấn đề như vậy sẽ tìm ra phương pháp dạy học phù hợp.
Tìm hiểu tâm tư giáo viên, nhiều người bày tỏ mong muốn có chế độ đãi ngộ tốt hơn với đội ngũ nhà giáo. Ông có cho rằng, muốn giáo viên thay đổi cách dạy không thể bằng kêu gọi hay hô hào khẩu hiệu không có giá trị mà ngành giáo dục, Nhà nước cần tính toán nâng lương, có chế độ đãi ngộ riêng cho đội ngũ giáo viên?
- Vấn đề lương của giáo viên là vướng mắc lớn tồn tại mấy chục năm nay, là một cản trở cho việc thực hiện "giáo dục là quốc sách hàng đầu". Dù mấy năm gần đây, Nhà nước có thêm nhiều chính sách cụ thể để tăng thêm một số loại phụ cấp, nhưng giáo viên vẫn không đủ sống bằng lương.
Không chỉ lương ngành giáo dục mà cả lương của ngành y tế và nhiều ngành hành chính sự nghiệp khác đều không thể bảo đảm cuộc sống bình thường cho người lao động. Người lao động buộc phải tìm thêm thu nhập khác để bù đắp cho cuộc sống. Thu nhập thêm có thể từ công việc dù là chính đáng cũng tạo sự phân lực phân tâm, thành "chân ngoài dài hơn chân trong", chưa kể là có khi từ việc không chính đáng, thậm chí không hợp pháp.
Càng về sau này mặt bằng thu nhập thực tế càng khác xa mặt bằng lương của Nhà nước, tác động rất lớn đến chất lượng lao động, tạo ra một thực trạng trớ trêu lương không ra lương, lao động không ra lao động.
Có hai ngành được xã hội tôn là thầy: Thầy giáo và thầy thuốc, mà đồng lương không đảm bảo cho họ có được tư thế đàng hoàng trong xã hội thì mọi người nên thấy có lỗi với họ mới phải. Vấn đề không bảo đảm nguyên tắc phân phối theo lao động đang là vấn đề của tầm quốc gia, tồn tại gần nửa thế kỷ nay rồi.
Trân trọng cảm ơn ông!
THỨ TRƯỞNG BỘ GDĐT NGUYỄN HỮU ĐỘ:
Giáo viên đủ năng lực để dạy 52 tiết/năm
Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử cấp THPT được biên soạn rất công phu, nghiêm túc, bảo đảm chất lượng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, cử tri và thực hiện Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về môn Lịch sử, Bộ GDĐT đã giao cho Ban phát triển chương trình môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện việc rà soát, điều chỉnh chương trình môn Lịch sử.
Khi phát triển, điều chỉnh chương trình môn Lịch sử bậc THPT, ban soạn thảo vận dụng một số nguyên tắc: Tuân thủ mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình của Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2018 và đặc điểm môn học Lịch sử; không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành, củng cố kiến thức phổ thông ở giai đoạn Giáo dục cơ bản, giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức cốt lõi qua các chủ đề nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Việc sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đảm bảo giữ ổn định về quan điểm, mục tiêu, cấu trúc, lộ trình triển khai thực hiện của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đối với Chương trình môn Lịch sử cấp THPT: Lịch sử là môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh, có thời lượng là 52 tiết/năm (được điều chỉnh từ thời lượng 70 tiết/năm). Chuyên đề học tập lựa chọn Lịch sử gồm 35 tiết/năm (Theo Thông tư 32/2018).
Việc điều chỉnh chương trình đảm bảo sử dụng được sách giáo khoa lớp 10 đã biên soạn. Giáo viên đã được tập huấn thực hiện chương trình 70 tiết/năm, nên đủ năng lực để dạy 52 tiết/năm (trong số 70 tiết/năm). Trong tháng 8, Bộ GDĐT tiếp tục tập huấn giáo viên cốt cán để triển khai tập huấn đại trà.