Đó là thông tin được nêu ra tại Hội thảo Giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội, ngày 22/9. Theo ông Nguyễn Đình Anh- nguyên trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GDĐT Nghệ An thì 70% giáo viên phổ thông không có năng khiếu sư phạm trong khi đòi hỏi người dạy phải có nghệ thuật trong giảng dạy. Còn theo GS.TS Nguyễn Kim Hồng (ĐH Sư phạm TP HCM), để nâng cao chất lượng đội ngũ GV, cần thay đổ
Đội ngũ nhà giáo quyết định thành công của đổi mới giáo dục.
Ngày 22/9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội thảo Giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông. 3 nội dung trọng tâm tạo nên chất lượng giáo dục phổ thông được nhấn mạnh và tập trung thảo luận tại hội thảo bao gồm chương trình giáo dục, đội ngũ giáo viên và công tác quản lý. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự.
Giáo dục phổ thông còn hạn chế
Báo cáo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đều đã được thực hiện: Phổ cập giáo dục Tiểu học và THCS, xóa mù chữ, đảm bảo công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục giữa các nhóm trẻ ở các vùng miền, dân tộc, nam nữ, trẻ khuyết tật. Ở cấp Tiểu học, học sinh đã hình thành được nền tảng ban đầu để tiếp tục phát triển toàn diện đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ.
Kết quả học tập của học sinh THCS ở nhiều môn được xếp thứ hạng cao trong tương quan so sánh với quốc tế. Phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học ĐH,CĐ,TC, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.
Về hạn chế, hiện nay mức độ đạt được kiến thức, kỹ năng, tỉ lệ đạt chuẩn về phổ cập giáo dục giữa các vùng nông thôn và thành thị, giữa trẻ em người Kinh và người dân tộc thiểu số còn có sự chênh lệch. Năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng của học sinh còn hạn chế. Bên cạnh đó, một bộ phận học sinh có biểu hiện hạn chế về đạo đức, lối sống, hạn chế trong năng lực hợp tác, sáng tạo...
Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp chưa thực sự đạt hiệu quả cao, định hướng nghề nghiệp của học sinh THCS chưa rõ nét nên phân luồng sau THCS gặp khó khăn, các chính sách phân luồng sau THCS còn thiếu….
Năng lực đội ngũ giáo viên không đồng đều
Đối với vấn đề đội ngũ giáo viên (GV), tính đến năm học 2016-2017, cả nước có 853.875 GV phổ thông, trong đó, GV tiểu học là 395.987, tỷ lệ GV đạt chuẩn là 99,72%, tỷ lệ GV/lớp là 1,43 GV/lớp; THCS là 307777 GV, tỷ lệ GV đạt chuẩn là 98,98%, tỷ lệ GV/lớp là 2,05 GV/lớp; THPT là 150111, tỷ lệ GV đạt chuẩn là 99,60%, tỷ lệ GV/lớp là 2,32 GV/lớp.
Tuy nhiên, năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; một số giáo viên thiếu kỹ năng, phương pháp sư phạm, cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Anh- nguyên trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GDĐT Nghệ An, cho rằng hiện nay 70% GV phổ thông không có năng khiếu sư phạm. Mặc dù được đào tạo bài bản, có trình độ trên chuẩn cao, nhưng theo ông Nguyễn Đình Anh, nghề dạy học là một nghề vừa mang tính khoa học lại là nghề đòi hỏi người dạy có nghệ thuật trong giảng dạy. GV có năng khiếu sư phạm không nhiều, lại chưa được quan tâm thích đáng trong việc rèn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm dạy học dẫn đến chất lượng giáo dục yếu kém.
Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Kim Hồng (ĐH sư phạm TPHCM) cho rằng để nâng cao chất lượng đội ngũ GV, cần thay đổi từ chương trình đào tạo sư phạm, cụ thể là tăng thời gian thực hành, đi thực tế và thực tập của sinh viên ở các trường phổ thông để tránh tình trạng học lý thuyết suông.
Cần có Luật Nhà giáo
Theo ông Nguyễn Đức Minh (Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT), để nâng cao chất lượng đội ngũ GV cần đến những giải pháp đồng bộ. Trước hết là việc quy hoạch mạng lưới các trường ĐH,CĐ, xây dựng mạng lưới các trường sư phạm một cách hợp lý trên cơ sở dự báo về nhu cầu giáo viên, xây dựng quy hoạch đào tạo, xác định quy mô của từng trường, khoa sư phạm từ trung ương đến địa phương theo các giai đoạn từ năm 2011 đến 2020. Phân công các trường sư phạm chịu trách nhiệm đào tạo chuyên sâu, căn cứ vào khả năng về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất của mỗi trường.
Bên cạnh đó, một giải pháp mang tính tổng thể là từng bước chuẩn hóa đội ngũ, nhằm bảo đảm triển khai thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông lần này. Cụ thể, hiện nay Bộ GDĐT đang tiến hành việc xây dựng các chuẩn mới, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện các chuẩn hiện có để có được bộ công cụ hữu hiệu nhất trong công tác quản lý, xây dựng và phát triển đội ngũ.
Xác định nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt đảm bảo sự thành công cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam và đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông, ông Minh đề xuất giải pháp về tài chính bảo đảm cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thực thi tốt các nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông.
Đối với vấn đề này, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng, hiện đội ngũ GV phổ thông đã được hưởng chế độ, chính sách về tiền lương cao hơn so với cán bộ, công chức, viên chức khác. Phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo cao nhất trong đội ngũ cán bộ công chức viên chức từ 30-70%, đồng thời đã được hưởng thêm phụ cấp thâm niên. Dù vậy, Bộ Nội vụ cũng thừa nhận, tiền lương theo chế độ quy định đối với đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế của cuộc sống.
Về vấn đề này, ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, GV là nghề đặc thù với đối tượng đào tạo là con người, đòi hỏi người thầy phải có tố chất, có chuyên môn và tấm lòng. Vì vậy, cần phải nâng cao chính sách đãi ngộ. Ông Bình đề xuất cần có Luật Nhà giáo để quy định rõ vị trí, chế độ của giáo viên nói chung, kể cả công lẫn tư, sau đó mới tính tới chuyện thay đổi về chính sách của đối tượng này.