Truyện tranh Việt đang nỗ lực tìm nhiều hướng để thay đổi trong đó một số tác giả trẻ đã tìm đến phương thức xã hội hóa truyện tranh, tìm nguồn tài trợ hay còn gọi là gây quỹ cộng đồng, cho việc sáng tác truyện tranh. Đây có thể là hướng đi mới cho truyện tranh Việt.
Vào hai ngày 30-8 và 6-9, Ngày hội truyện tranh Việt Nam 2015 lần đầu tiên được tổ chức dành riêng cho người Việt yêu thích truyện tranh Việt ở cả TP HCM và Hà Nội, thu hút hàng ngàn khách tới tham quan. Dịp này, tập 2 của “Long thần tướng” là tác phẩm truyện tranh đầu tiên gây quỹ cộng đồng cũng ra mắt. Đến nay, ngoài bộ truyện nói trên, có khoảng 10 tác phẩm truyện tranh được gây quỹ cộng đồng, như: “Tuyệt đỉnh sinh vật Artbook”, “Truyện cực ngắn”,” Mật ngọt chết mèo”…
Hình thức gây quỹ này hiện là mô hình phổ biến trên thế giới và tạo ra cơ hội giúp cho những tác giả trẻ mang truyện của mình ra mắt công chúng. Hình thức hợp tác này tỏ ra khá phù hợp và thu hút nhiều tác giả trẻ, như tác giả Đặng Ngọc Minh Trang (sinh năm 1986) - tác giả của tập truyện tranh “Mật ngọt chết mèo”, tác giả Bùi Đình Thăng (Thăng Fly, sinh năm 1988, với dự án “Độc thân hạnh phúc”…
Nhìn thấy thị trường tiềm năng cùng những nguy cơ và thách thức hiện thời với truyện tranh Việt, với sự nhanh nhạy và năng động của tuổi trẻ, từ năm 2014, một số tác giả trẻ đã rao tìm nguồn tài trợ trên mạng Internet cho truyện tranh với dự án “Bay cao ước mơ”. Nhóm tác giả này, đại diện là Võ Hoàng Minh Anh, còn đưa ra thư kêu gọi tài trợ với nhiều mức phí và hình thức khác nhau, tương ứng là những hình thức tri ân cho người tài trợ. Nhóm còn dự kiến ra mắt website riêng với tên miền là www.bay.uocmo.com.vn.
Trên thực tế, theo nhận định của nhiều người trong cuộc và giới chuyên gia, hình thức gây quỹ cộng đồng cho sáng tác truyện tranh có thể mang lại nhiều ích lợi. Theo các tác giả trẻ sáng tác truyện tranh, việc xuất bản sách từ quỹ của bạn đọc giúp tác giả trẻ học hỏi thêm kinh nghiệm về quản lý thời gian, kế hoạch, “chăm sóc khách hàng”... Hình thức này giúp cho những dự án truyện tranh có sự yên tâm để lo chuyên môn, bỏ nhiều tâm huyết đầu tư tỉ mỉ, công phu cho tác phẩm của mình.
Nếu quan sát một số dự án truyện tranh do những tác giả trẻ sáng tác gần đây và được họ kêu gọi đầu tư, thì để thành công và thu hút đầu tư, các tác giả đều phải hướng tới bản sắc lịch sử- văn hóa của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào của dân tộc. Đơn cử như bộ truyện “Long thần tướng”.
Ngoài ra, là dòng truyện tranh hài, độc đáo, như “Truyện cực ngắn” của tác giả Đào Quang Huy, kêu gọi ủng hộ 150 triệu để xuất bản, thu được gần 207 triệu đồng, đạt 138% kế hoạch; dự án truyện “ Mật ngọt chết mèo” của tác giả Đặng Ngọc Minh Trang, kêu gọi 100 triệu thu được gần 120 triệu...
Trước tình trạng các nhà xuất bản thờ ơ với truyện tranh Việt, sự thành công của cách phát hành mới mẻ này là nguồn động lực giúp các tác giả trẻ có thêm niềm tin và cảm hứng để bám trụ với nghề. Điều còn băn khoăn của những chuyên gia, nhà sản xuất truyện tranh, vẫn là chất lượng của tác phẩm, vì đây là yếu tố tiên quyết cho sự thành công hay không của truyện tranh Việt.
Theo họ, dù có ưu thế là sự nhanh nhạy, năng động của tuổi trẻ, nhưng đó cũng chính là hạn chế bởi họ cần bồi đắp thiếu kinh nhiệm, vốn sống, vốn văn hóa, kỹ năng chuyên môn… để có thể tạo ra những tác phẩm truyện tranh có giá trị, mang bản sắc văn hóa và triết lý Việt Nam.
Theo các chuyên gia và giới làm truyện tranh, hình thức gây quỹ cộng đồng này chỉ là một giải pháp tạm thời cho truyện tranh Việt, bởi không ai có thể làm “từ thiện” mãi được. Để truyện tranh Việt phát triển, tạo ra dấu ấn và trào lưu thì cần có một kế hoạch phát triển lâu dài, có tính chiến lược, có chính sách từ các cơ quan quản lý.
Còn theo bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị, truyện tranh Việt muốn phát triển thì trước hết phải biết học tập sự năng động và sáng tạo của truyện tranh nước ngoài, tránh những tư duy cũ kỹ, lỗi thời.
“Điều quan trọng nhất là mỗi tác phẩm đều phải lồng ghép những bài học cuộc sống, hướng độc giả đến những giá trị nhân văn sâu sắc thì mới mong tồn tại lâu bền”- bà Mỹ Hạnh nói.