Là nhu cầu của nhiều phía nhưng nhiều năm qua, việc đấu giá quảng cáo trên xe buýt ở TP HCM vẫn chưa được triển khai.
Trong đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM, đơn vị được Sở GTVT TP HCM giao cho việc thực hiện chủ trì đấu giá quảng cáo, dù đã thực hiện việc đấu giá 3 lần từ năm 2017 đến nay nhưng đều thất bại. Nguyên nhân là do doanh nghiệp không tham gia. Dự kiến, tháng 3/2019 tới, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP HCM tiếp tục mở đấu giá lần thứ 4 để thu hút doanh nghiệp tham gia.
Theo dự kiến, việc cho phép quảng cáo trên thân của tất cả hơn 2.000 xe buýt có trợ giá ở TP HCM mỗi năm thu về khoảng 240 tỷ đồng, chiếm 20% tổng số tiền trợ giá hàng năm. Nghĩa là, nếu việc đấu giá thành công, số tiền ngân sách chi trả cho việc trợ giá xe buýt (khoảng 1.000 tỷ đồng) sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, việc trợ giá xe buýt vẫn chưa được thực hiện đúng theo dự kiến, dù nhu cầu quảng cáo của các doanh nghiệp trên phần thân xe buýt là có thực.
Theo một số ý kiến, nguyên nhân là các gói quảng cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng quá lớn khiến doanh nghiệp không an tâm. Vì thế, trong lần đấu giá thứ 4 tới, các gói thầu và thời gian quảng cáo có sự thay đổi đáng kể. Thay vì có 4 gói thầu (mỗi gói khoảng 500 xe) thì nay được nâng lên thành 9 gói. Và đặc biệt, thời gian mỗi gói thầu cũng có thay đổi là 1, 2 hoặc 3 năm, thay vì luôn gói gọn trong 3 năm như cũ. Việc thay đổi này được cho là tạo điều kiện năng động hơn với các doanh nghiệp bởi thực tế, việc tham giá đấu thầu là các doanh nghiệp thực hiện quảng cáo. Sau khi trúng thầu, các doanh nghiệp này phải tiếp tục tìm kiếm các đơn vị hàng hóa khác để khai thác lợi nhuận.
Theo chia sẻ một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị ở TP HCM, việc thu hút nguồn thu từ quảng cáo trên thân xe buýt vừa dễ lại vừa khó, nhất là tìm kiếm các nhãn hàng xuất hiện trên thân xe buýt. Với nhiều lợi thế là mới bắt đầu quảng cáo sau nhiều năm và diện tích quảng cáo lớn, các nhãn hàng có cơ hội để quảng bá hàng hóa của mình trên thân xe buýt nhưng cách làm của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng không nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp. Cụ thể, ngoài việc phải đặt tiền mặt khi tham gia đấu giá, việc thiếu động bộ trong hệ thống xe buýt với nhiều xe buýt có phần thân không đều gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện quảng cáo. Ngoài ra, việc ùn tắc, ít hành khách tham gia đi xe buýt cũng là điểm trừ khiến doanh nghiệp đắn đo khi tham gia.