Tại hội thảo khoa học do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam vừa tổ chức về chủ đề “Giáo dục Trẻ rối loạn phát triển” (RLPT), số liệu công bố mới cho thấy, hiện Việt Nam có gần 1,3 triệu trẻ em khuyết tật. Trong đó trẻ rối loạn phổ tự kỷ đang gia tăng và chiếm số lượng lớn. Tuy nhiên, hiện vẫn đang thiếu hàng ngàn giáo viên dạy đối tượng trẻ đặc biệt này.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa- Thứ trưởng Bộ GDĐT cho hay, đã có nhiều loại hình giáo dục trẻ khuyết tật, hệ thống trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập, các trường giáo dục cho trẻ khuyết tật từ mầm non đến các trường nghề... tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật hòa nhập và phát triển. Nhưng giáo dục trẻ khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là số giáo viên có chuyên ngành giáo dục đặc biệt ít, không đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), hiện nguồn tuyển giáo viên dạy trẻ khuyết tật rất hạn chế. Cả nước chỉ có 2 khoa của ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP HCM đào tạo cử nhân giáo dục đặc biệt, với chỉ tiêu đào tạo khiêm tốn. Cụ thể, ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2017 có 2.900 chỉ tiêu, nhưng số lượng cho khoa Giáo dục đặc biệt là 35, chiếm 1,2%.
Năm 2015, 2016 con số này lần lượt là 40 và 52. Còn ĐH Sư phạm TP HCM có 40-50 chỉ tiêu cho khoa Giáo dục đặc biệt trên tổng số 3.000-4.000 chỉ tiêu của cả trường. Cùng với đó hiện còn có 3 cơ sở đào tạo Cao đẳng gồm CĐ Mẫu giáo trung ương là Hà Nội, Nha Trang, TP HCM có chuyên ngành này. Tuy nhiên, chỉ tiêu tuyển sinh Giáo dục đặc biệt của các trường trên năm nào cũng thuộc diện thấp nhất.
Trung tâm hỗ trợ trẻ tàn tật Sao Mai (Hà Nội) cho biết, hiện chỉ 6,25% giáo viên ở đây có chuyên ngành giáo dục đặc biệt. Nhiều cơ sở giáo dục trẻ đặc biệt cũng phải sử dụng nhiều giáo viên ngành giáo dục tiểu học vì khan hiếm nguồn tuyển. Mới đây, tại hội thảo "Tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho sinh viên khuyết tật" do Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) tổ chức tại TP HCM, đại diện Sở GDĐT thành phố chia sẻ: Tính đến hết năm học 2016-2017, TP HCM có 5.297 học sinh hòa nhập. Trong đó có 4.284 học sinh chậm phát triển, 273 học sinh mắc tật vận động, 117 học sinh khiếm thị, 194 học sinh khiếm thính...Số học sinh học hòa nhập ngày càng tăng, nhưng điều đáng nói là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng chuyên ngành giáo dục đặc biệt khan hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học cho học sinh khuyết tật hòa nhập.
Bộ GDĐT đặt ra mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 75% người khuyết tật được học hòa nhập. Đến năm 2030, tỉ lệ chung cho tất cả các vùng là 80% người khuyết tật được học hòa nhập. Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực giáo dục đặc biệt này ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Nguyễn Xuân Hải- khoa Giáo dục đặc biệt Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, cả nước cần khoảng hơn 1 triệu giáo viên giáo dục đặc biệt để đáp ứng nhu cầu học hòa nhập của trẻ khuyết tật cho 3 cấp là mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Song tính đến thời điểm hiện tại, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ở Việt Nam mới chỉ đào tạo được khoảng hơn 3.000 giáo viên giáo dục đặc biệt ở trình độ cử nhân có thể làm việc tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt và cơ sở giáo dục hòa nhập.
Đó là một thực tế cần sớm có giải pháp tháo gỡ.