Nằm trên những con đường rộng lớn, nhiều làn xe chạy nhưng thật lạ, nhiều cây cầu ở khu vực TP Hồ Chí Minh hiện nay lại vô cùng chật hẹp “lệch pha” so với đường, là nguyên nhân của tình trạng ùn tắc, kẹt xe và nhiều hệ lụy khác.
Nghịch lý đường rộng-cầu hẹp.
Ùn tắc nghiêm trọng
Với hàng trăm các kênh rạch đan xen, khu vực phía Nam thành phố thuộc địa bàn các quận 4, quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh… là nơi có địa hình bị chia cắt rất vụn vặt. Tuy nhiên, đây cũng là nơi có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Không khó để nhận ra hàng trăm các dự án chung cư, cao ốc văn phòng mọc lên ở khu vực này khoảng chục năm qua.
Song song với đó, nhiều tuyến đường và những người nhập cư cũng đổ về đây. Tuy nhiên, hầu hết các cây cầu ở khu vực này đều đang trong tình trạng quá tải, xuống cấp và là “điểm đen” của tình trạng ùn tắc, kẹt xe.
Cầu Nhị Thiên Đường, một trong những cây cầu quan trọng nối khu vực trung tâm thành phố và khu vực quận 8 nhưng thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là tại khu vực chân cầu phía Nam.
Chưa kể gần đây, cây cầu này đang bị quá tải trầm trọng, xuất hiện tình trạng xuống cấp và có nhiều thời điểm, lãnh đạo địa phương phải phong tỏa một nửa cây cầu để tiến hành sửa chữa. Đến nay, dự án xây mới hay thay thế cây cầu gần trăm tuổi này vẫn chưa được chính thức thông qua.
Ngoài cầu Nhị Thiên Đường, một loạt các cây cầu khác nối vùng trung tâm thành phố với khu vực phía Nam như cầu Chánh Hưng, cầu Kênh Tẻ, cầu Chữ Y… cũng thường xuyên xảy ra tình trạng tương tự.
Chị Thoa, một người dân ở đường Phạm Hùng than thở, tình trạng kẹt xe xảy ra ở khu vực cầu Chánh Hưng hầu như ngày nào cũng diễn ra, nhất là khung giờ cao điểm. “Cầu hẹp, lại dốc nên khi kẹt xe, phải dừng lại hoặc di chuyển chậm rất nguy hiểm. Tôi từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn chết người ở khu vực chân cầu Chánh Hưng này rồi” - chị kể.
Tuy nhiên, tình trạng đường rộng cầu hẹp tương phản nhất phải kể đến tuyến đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè). Đây là một trong những tuyến đường chính, huyết mạch rộng chừng 20 mét, có 2 làn xe nhưng dọc đường này, nhiều cây cầu cũ đang tồn tại, cản trở giao thông và buôn bán của người dân.
Cá biệt, các cây cầu Long Kiển, cầu Phước Kiển chỉ rộng khoảng 4-5 mét và chỉ cho xe hơi di chuyển 1 chiều, rất bất cập. Hơn nữa, hầu hết đó đều là cầu tạm, làm bằng sắt đã lâu nên xuống cấp, nhiều xe tải trọng trên 3,5 tấn không được lưu thông, gây bất tiện trong việc giao thương, buôn bán.
Quá nhiều hệ lụy
Đó chưa phải là những khó khăn duy nhất nhiều cư dân ở khu vực phía Nam thành phố gặp phải. Nhiều người dân ở xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) cho biết, đây là xã hiếm hoi dù cách trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng sầm uất chỉ 3km nhưng lại không có ai đi…xe hơi.
Không phải vì xã này quá nghèo mà đơn giản cây cầu huyết mạch nối xã với trung tâm thành phố từ vài năm qua đã cấm xe hơi. “Bây giờ, ai đi xe hơi ở Phước Lộc lên thành phố phải vòng xuống xã Nhơn Đức rồi men theo đó ngược lên xã Phước Kiển trước khi trở về trung tâm. Tính cả đi lẫn về, ngoài quãng đường di chuyển thông thường, phải cộng thêm ngót ngét…30 cây số nữa”, ông Thanh, một người bán nước ở ngay chân cầu Phước Lộc cho biết.
Càng bất ngờ hơn nữa khi con đường Đào Sư Tích chạy dọc xã Phước Lộc lại rất khang trang, rộng rãi, có 4 làn xe chạy một chiều. Theo quan sát của chúng tôi, tuyến đường Đào Sư Tích dài chừng 6-7km này quả thật không có xe hơi, chỉ hiếm hoi có 2,3 xe tải nhỏ đang chở vật liệu xây dựng, và nước ngọt với bia.
Đại diện Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề kết nối giao thông ở khu vực phía Nam, trên địa bàn các huyện Nhà Bè, quận 7, Bình Chánh… khá phức tạp và nan giải vì địa hình chia cắt, nhiều kênh rạch đan xen.
“Có tuyến đường vài cây số nhưng phải xây dựng tới 3-4 cây cầu khiến chi phí bị đẩy lên cao gấp hàng chục lần so với chi phí bình thường của các tuyến đường khác. Vì thế, tuy có nhiều dự án nhưng đến nay, những tuyến đường có cầu kết nối ở khu vực này vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa triển khai theo đúng tiến độ được.