Không có 'quan hệ' chen vào khi bình giá nghệ thuật

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện) 30/08/2017 18:14

Với mong muốn có được dữ liệu chính xác nhất về cuộc đời và sự nghiệp của nhà nghiên cứu/ phê bình mỹ thuật/ họa sĩ Nguyễn Quân, tôi đã có nhiều cuộc trò chuyện, phỏng vấn ông trong vòng hơn 6 năm (từ đầu năm năm 2011 đến nay). Nhưng đây là lần đầu tiên, câu chuyện về tuổi thơ và chặng đường đầu sự nghiệp của ông được đăng tải trên Tinh Hoa Việt.


Hoạ sĩ Nguyễn Quân. (Ảnh: N.M.Hà).

Hoạ sĩ Nguyễn Quân: Gia đình tôi hai bên nội ngoại đều nhiều đời là đồ nho. Đỗ thấp, làm "quan vặt" chi huyện, giáo thụ, làm thơ "con cóc" Hán Nôm. Bố tôi-Thiếu tướng Nguyễn Đan Thành khi 16 tuổi đã bỏ nhà đi quét nhà, làm trà đồng cho cụ Tản Đà ở Hà Nội rồi theo cậu ruột là Phạm Tuấn Tài làm cách mạng.

Cụ tham gia tất cả các chiến dịch lớn như chiến dịch Khe Sanh, Điện Biên Phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh và giải phóng Campuchia. Về hưu cụ có làm thơ được Bảo Định Giang chọn giới thiệu một tập và cụ Võ Nguyên Giáp khen là "hay". Cụ là bạn và đàn em nhiều lãnh tụ cao cấp nhưng chức vụ thấp tôi hay gọi đùa là "khai quốc công thần hạng ba". Điều tôi thán phục nhất là cụ đã tự tìm đường đi riêng của mình khi mới 16 tuổi. Càng già đi tôi càng thấy mình cả bề ngoài lẫn cốt cách cứ tự nhiên giống bố. Ông ngoại tôi là một nhà nho "gàn bát sách" đã đặt tên tôi là Nguyễn Bỉnh Quân và giảng thơ Đường cho tôi nghe vì chẳng còn bạn văn nào ngồi cạnh chén trà chén rượu của cụ nữa. Chữ Bỉnh là cầm - Bỉnh Bút là cầm bút. Quân là quả cân 30 cân dùng để cân những thứ cồng kềnh rẻ tiền (?).

Mẹ tôi là con gái làng Bưởi, một nữ cán bộ thông minh và hăng hái. Một điều tự hào nho nhỏ là làng quê tôi, Quảng Nguyên - Ứng Hòa- Hà Đông có cái đình rất to. Cụ nội tôi đã xoay hướng cái đình này và đến nay vẫn bị oán trách là làm triệt đường quan lộ cả làng. Chỉ lên tới thứ trưởng là "kịch trần". Dân làng đến đầu những năm 1960 còn đóng khố, mặc váy, áo tơ, nằm ổ rơm… và đến cuối những năm 1980 vẫn nghèo và cổ hủ bậc nhất. Tôi thường đưa các bạn quốc tế về đây để họ biết một cái làng và dân làng thế kỷ 17 thì là như thế nào. Sau tôi biết rằng làng tôi, dọc đường 22, nằm trong một vùng chi chít các ngôi sao -danh nhân văn hóa nghệ thuật cổ và kim của đất nước.

Tuy nhiên gia đình nhỏ của tôi mới ảnh hưởng nhiều, là chủ đề cho sáng tác. Những người phụ nữ và những đứa con theo một nghĩa cổ điển nào đó chính là nghệ thuật, đồng nghĩa với nghệ thuật.

PV: Ông đã lớn lên và trưởng thành ra sao trong hoàn cảnh gia đình như vậy?

- Không có gì đặc biệt nhưng xê dịch rất nhiều vì sinh ra trong kháng chiến chống Pháp ở Yên Lập Phú Thọ, một nơi thiên nhiên đẹp thần tiên. Phổ thông tôi học 7-8 trường khác nhau ở Phú Thọ, Hà Nội và Hải Phòng.

Đáng nhớ nhất là lớp một học với một cụ đồ râu tóc bạc phơ với cái chõng tre, roi mây và vỏ quả mít. Trò dốt bị phạt quỳ lên gai mít. Thứ hai là cô giáo Hạnh dậy lớp 2 trường Hùng Vương, trên đồi cọ rất đẹp. Cô là người phát hiện hộ tôi và bố mẹ rằng tôi bị điếc đặc một tai bẩm sinh. Trước đó tôi không biết mình chỉ nghe mọi thứ với một tai. Thứ ba là lão họa sĩ Nam Sơn dậy vẽ mỗi tuần hai lần ở trường An-be Sa-rô. Thầy bảo "con có tài" và có chỉ bảo tôi thêm rất nhiều. Tôi coi cụ là thầy thực thụ vì các kỹ thuật vỡ lòng. Nhưng thầy Nam Sơn vĩ đại với tôi bởi không hiểu sao tôi cứ nghĩ mình quyết chí thành họa sĩ là nhờ cụ. Người thầy lớn tận tâm nhen ngọn lửa trong những trái tim nhỏ. Lang thang bắt dế, đánh bi, đánh đáo ăn tiền ở phố Hàm Long, Trần Hưng Đạo và xem phim ống nhòm quay tay ở Bờ Hồ rồi thuê truyện tranh Tam Quốc để tập chép hình vẽ Quan Công, Triệu Tử Long...

Trong nhà thờ Hàm Long lần đầu tiên tôi được xem những bức họa châu Âu, sơn dầu vẽ các tích chuyện trong Kinh thánh. Vào cấp 3 là những tháng hè đi về nông thôn Hải Phòng "ba cùng" với nông dân, học làm việc nhà nông. Trừ đi cầy tôi không biết. Bù lại tôi đập lúa rất giỏi trong những đêm trăng mát rượi. Và những ngày đông về quê nằm ổ rơm, ăn khoai nướng với bà. Mọi thứ nghe như cổ tích ấy đều có thật và quan trọng bất ngờ đối với sáng tác của tôi mấy chục năm sau.

Bố mẹ có gây ảnh hưởng đến việc chọn lựa ngành nghề để học và công việc, tình cảm, đời sống của ông không?

- Thế hệ chúng tôi là "con của nhân dân", học gì, thành cái gì là theo "tiếng gọi của Đảng" và "sự phân công của tổ chức". Bố mẹ tất nhiên chả có ý kiến gì được. Bố tôi đi chiến trường suốt nên cả đời, dù luôn có liên hệ, tôi chỉ gần bố sáu tháng cụ nằm viện trước khi qua đời. Tất nhiên bố mẹ rất bực khi tôi cứ chuyển nghề, chuyển cơ quan xoành xoạch và dứt khoát bỏ con đường làm "cán bộ nguồn" - thành lãnh đạo do tổ chức dọn sẵn. Có lần tôi thưa: “Ông thông cảm, con không nghe ông được vì nếu ông nghe cụ Ấm (ông nội tôi) thì ông có thành không!” Bố tôi gật đầu không nói gì. Rồi buổi sáng hôm quy tiên đột nhiên cụ bảo : “Tôi với cậu chẳng có gì phải ân hận nữa.” Cứ như cụ đã rửa tội cho con. Mẹ tôi luôn xa chồng một mình nuôi ba bốn con nhỏ, tôi là trai duy nhất nên bà khá kỹ càng, nghiêm khắc. Nhớ nhất những lần bà cầm roi đi cạnh bắt tôi tập gánh nước, như cai tù khổ sai. Và lần bà vớ được những bài tập vẽ tượng "gái cởi truồng" dấu dưới gối năm học lớp 9. Bà đốt tất cả và làm ra vẻ không biết gì về trò hư đốn đó của con. Tôi không có tình cảm quyến luyến gì đặc biệt với cha mẹ nhưng từ bé tý tôi đã biết rằng ngoài tình cảm của họ tôi chẳng có tài sản gì khác. Nét tính cách có tính di truyền trong nhà tôi có lẽ là sự nhát, luôn sẵn sàng chịu để người ta bắt nạt. Chưa đánh đã thua.

Ông từng tốt nghiệp ngành điều khiển học tại Đại học Merseburg, Đức (1971); từng làm thư ký và phiên dịch tại Văn phòng Thủ tướng, vậy lý do nào để ông quyết định “đột ngột” là xin chuyển về dạy tiếng Đức tại ĐH Ngoại ngữ?

- Khi học đại học năm thứ 4 nhà trường đã gợi ý làm chuyển tiếp sinh, tức làm phó tiến sĩ luôn, nhưng sứ quán không cho. Khi tốt nghiệp điểm cao nhất người ta lại đề nghị cho tôi làm nghiên cứu sinh tiếp song tôi từ chối. Trong 5 năm ở Đức tôi đã học thuộc lòng lịch sử mỹ thuật thế giới, mua rất nhiều sách mỹ thuật. Tôi học các lớp "Hàn lâm buổi tối" do các thầy trường mỹ thuật dậy, vẽ và chép khá nhiều tranh. Tôi muốn về nước để "xem" chiến tranh và vẽ. Rất khó khăn mới xin đi được khỏi Phủ thủ tướng. Tất cả các anh làm việc trong tổ phiên dịch của tôi sau đều thành bộ trưởng, thứ trưởng cả. Khi gặp lại họ đều đùa bảo “Ông là sướng nhất -Thành công nhất!”. Nhưng tôi thấy thế thật.

Về dậy tiếng Đức chỉ vì tôi cần một chỗ không làm hành chính để có thì giờ làm mỹ thuật. Hơn nữa tôi rất thích văn học, dịch nhiều, cũng thích môn ngôn ngữ học so sánh. Nhờ các công trình dịch và nghiên cứu Đức văn, soạn sách dậy tiếng Đức mà tôi là người đầu tiên ở châu Á nhận giải thưởng "Anh em Grimm" của chính phủ CHDC Đức. Cùng anh Vương Trí Nhàn tôi làm cuốn 10 nhà thơ thế giới thế kỷ 20 và đã viết cuốn truyện danh nhân Ra-pha-ê-lô Xan-ti được các bạn trẻ yêu thích. Tôi cũng đã viết những bài nghiên cứu về một số nhà thơ cổ điển và hiện đại Việt Nam. Rất mê thơ Đường và có thể đọc Đường thi, bình giảng khi uống rượu để trừ tiền rượu. Thực ra chỉ khoảng dưới 100 bài và vài trăm từ Hán Việt! Hầu hết các họa sĩ đều mê thơ, nhất là thơ Đường. Điều khiển học, ngôn ngữ học giúp tôi rất nhiều trong viết nghiên cứu, lý luận còn thơ và phân tâm học làm việc đó với tranh của tôi. Gần đây xem loạt tranh mới của tôi Đào Châu Hải nói diễu: “Bỏ bớt cái Đường thi (trong tranh) đi là được rồi đấy!”

Năm 1976 là mốc đánh dấu lần đầu tiên ông in bài viết đầu tiên về triển lãm mỹ thuật trên báo Văn nghệ, bài viết đó ra đời trong hoàn cảnh nào? Điều gì gây cảm xúc cho ông để viết?

- Gs.Lê Huy Văn, học mỹ thuật công nghiệp ở Đức về, hay cùng tôi đi xem các bảo tàng. Tại Bảo Tàng Mỹ thuật Việt Nam, chúng tôi bàn luận về từng bức tranh. Tôi huyên thuyên là chính. Anh Lê Huy Văn bảo: Ông nên viết cho mọi người đọc và chua thêm: Viết như loa chợ Đồng Xuân ấy để bắt người ta phải nghe, đừng du dương đàn nhị như Thái Bá Vân, bắt người ta yên lặng, căng tai lên rồi mới tấu. Rồi đi xem Triển lãm Mỹ thuật 1976 cũng thế. Tôi về viết một bài dài về tranh sơn dầu tại triển lãm này. Gửi báo Văn Nghệ không ngờ bác Sĩ Ngọc coi mục này cho đăng "toàn văn", không biết Nguyễn Quân là ai nên chú thêm là: ý kiến người xem, ghi cả địa chỉ 12A Lý Nam Đế. Sau bác Sĩ Ngọc bảo đó là bài mỹ thuật dài nhất và nhuận bút cao nhất từ xưa tới nay của Văn Nghệ. Liền sau đó tạp chí Văn Nghệ Quân Đội đặt một bài về điêu khắc tại triển lãm này. Các đài phát thanh phát lại vì thời đó cả năm cả tháng mới có một bài mỹ thuật trên truyền thông. Tôi viết từ đó tới giờ như một thói quen tất nhiên và vì người ta vẫn bảo tôi viết.

Ông bắt đầu đi nói chuyện về nghệ thuật từ khi nào?

- Cũng từ những năm 1976 - 1977 ở trường Đại Học Mỹ thuật và một số trường đại học, thư viện, CLB. Thời đó các cuộc nói chuyện còn rất thưa thớt. Hội nghị khoa học cũng rất hiếm. Từ đầu những năm 1990 tôi mới thành một "speaker" thực thụ, chủ yếu ở nước ngoài.

Trên thực tế ông quan tâm đến nghệ thuật từ bao giờ? Tiếp xúc và tiến hành tìm hiểu/ nghiên cứu chúng ra sao?

- Học lớp hai, tôi tự đào đất, nhào đất sét nặn quả cà chua và quả ớt tô mực đỏ. Đó là tiếp xúc đầu tiên, bằng cả xúc giác. Cấp một tôi đã để ý đến mọi thứ tranh tượng mà mình được thấy, các minh họa trong sách và ngay cả khi xem phim tôi cũng để ý lập tức tới tranh, tượng trong bối cảnh phía sau. Chúng có một cái gì đó hấp dẫn đặc biệt. Tôi thường sưu tầm postcards in tranh tượng, ngắm nghía và phân thành ba loại. Loại 1 là những cái mình rất thích (mình phải thán phục), loại 2 tương đối thích (mình có thể làm được) và loại 3 mình không thích (không nên làm như vậy). Sau đó tôi tra từ điển mỹ thuật và thấy các tác giả loại 1 của tôi thường được viết dài nhất, loại 2 thường được viết ngắn hoặc không có tên, loại 3 thì phần lớn không có tên trong từ điển. Đó là một phép thử. Tôi tìm đọc mọi thứ về các tác gia loại 1 của mình, tâm tình với tác phẩm của họ trước khi học lịch sử nghệ thuật một cách hệ thống bài bản cùng nhiều sách lý luận tham khảo. Từ khi về nước tôi cũng tiếp xúc, tìm hiểu mỹ thuật Việt Nam như thế nhưng khó hơn nhiều vì tài liệu quá ít và sơ sài. Suốt 19 thế kỷ các tác gia Việt Nam hầu như không viết một dòng nào về mỹ thuật. Bia ký thư tịch thì chỉ có niên đại, tên người hưng công, quyên tiền, tên nhân vật được vẽ nặn, về công trình thì đại khái "cao muôn trượng", rất "mỹ lệ"... Thời mới chỉ có các công trình của người Pháp về nghệ thuật sơ khai và Chăm nhưng cũng thiên về khảo cổ và thông sử. Cuốn mới duy nhất là "Lược sử MTVN" của bác Nguyễn Phi Hoanh thì đúng là "lược" quá. Các cuốn tài liệu mỏng của Viện Mỹ Thuật Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc… cũng dừng ở mức khảo tả. Thế nên từ những năm 1970 việc tìm hiểu chuyển sang nghiên cứu là tức khắc và bắt buộc.

Năm 1978, ông được nhiều người trong giới văn hóa nghệ thuật biết tới, khi đó, ông nghĩ gì về công việc mình đang làm? Đã nghĩ đến sẽ gắn bó với nó không?

- Năm 1978 tôi được anh Nguyễn Trân và bác Trần Đình Thọ mời về mở khoa Lý Luận & Lịch Sử Mỹ thuật đầu tiên ở Đông Nam Á. Bây giờ tôi vẫn biết ơn hai vị về việc này. Tôi đã hoàn toàn trong giới, trong làng, trong không gian mỹ thuật. Tôi tham gia làm chương trình, soạn giáo trình và dậy nhiều môn trong khoa này. Tôi nghĩ cần toàn tâm cho "sự nghiệp mỹ thuật" của cá nhân mình và của đất nước. Và tôi còn vẽ hăng hái hơn nữa. Mọi người gọi là "đi hai chân". Một lần anh Trọng Kiệm và bác Trọng Hợp dẫn tôi đến chơi nhà ông Vũ Khiêu. Cụ Khiêu chỉ tôi bảo: Cậu là cái anh trèo cửa sổ vào ngôi nhà mỹ thuật phải không? Tôi thưa đùa: Cái nhà này đặt cửa chính sai hướng, phải xoay lại!. Nghe rất ngạo mạn, trẻ con nhưng là tôi nghĩ thật. Và chúng tôi đã làm được một phần nào đó với cuộc đổi mới và hội họa Doi Moi vào giữa những năm 1980.

Một điều may mắn nhất của tôi là tôi được giao du, đàm đạo, hoặc làm việc với hầu hết các bậc tiền bối và trẻ tuổi đáng kính của văn nghệ và khoa học xã hội ở Hà Nội. Hà Nội lúc đó rất nhỏ và đậm đặc trí tuệ văn hóa. Tên tuổi của họ có thể kể ra cả mấy trang. Ngoài tất cả các bậc thầy và tài năng mỹ thuật là gần nhất: Từ Nam Sơn, Nguyễn Phan Chánh,Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Lê Quốc Lộc, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Mai Văn Hiến, Trần Đông Lương…của trường Đông Dương, tới khóa kháng chiến và sau này như Trần Lưu Hậu, Lê Huy Hòa, Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Mai Long, Văn Đa, Quang Thọ, Dương Viên, Đặng Đức Sinh, Kim Bạch, Lê Công Thành, Nguyễn Hải… tới lớp chúng tôi như Đỗ Sơn, Lý Trực Sơn, Đỗ Thị Ninh, Đặng thị Khuê, Lương Xuân Đoàn, Đào Châu Hải Nguyễn Xuân Tiệp, Lê Huy Tiếp, Thành Chương,… các bạn trẻ hơn sau đổi mới như Hà Trí Hiếu, Đặng Xuân Hòa,Trần Lương, Phạm Quang Vinh thì còn nhiều hơn nữa… Bên văn là Lưu Trọng Lư ,Bùi Hiển, Huy Cận, Xuân Diệu, Tuấn Đô, Tô Hoài, Hoàng Trung Thông, Tế Hanh, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Khải, Duy Khán, Việt Phương, Thanh Tịnh… cho tới Lưu Quang Vũ, Bằng Việt, Hoàng Ngọc Hiến, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân, Hồng Phi, Lê Ngọc Trà, Đỗ Chu, Xuân Quỳnh, Bùi Bình Thi, Trịnh Tú, Đỗ Quang Hạnh, Hoàng Hưng cho tới Nguyễn Duy, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Huy Thiệp… Bên sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc là Văn Cao, Xuân Trình, Ngô Thảo, Đình Quang, Nguyễn Đình Nghi, Vũ Đình Phòng, Tào Mạt, Đặng Nhật Minh, Đào Trọng Khánh, Trần Văn Thủy, Dương Tường, Phùng Quán, Đặng Đình Hưng, Dương Thụ… rồi các vị như Từ Chi, Thái Bá Vân, Nguyễn Khắc Viện, Hữu Ngọc, Trần Quốc Vượng, Lê Đăng Doanh, Hoàng Đạo Kính, Nguyễn Luận…

Sau 1975 vào miền Nam có Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận, Vĩnh Phối, Nguyễn Trung, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Trịnh Cung, Đỗ Quang Em… và hàng loạt nhân vật sau này ra nước ngoài sinh sống. Có người chỉ được tiếp kiến vài lần vẫn nhớ, có người do công việc phải tiếp xúc nhiều, có người là bạn rượu, có người là bạn nghệ thuật, có người như anh em. Nếu giỏi viết văn thì sẽ kể lại được rất nhiều chuyện hay hơn cả các giai thoại vẫn được lan truyền. Tôi như một món "đồ chơi dĩnh ngộ" của họ. Tôi uống rượu tốt mà khi say không gây sự chỉ nói chuyện chuyên môn nghệ thuật nên người ta không ngại. Tuy chỉ là "món nhắm" của họ tôi rất được họ tôn trọng. Tôi biết ơn họ vô cùng dù nhiều người cũng không thích tôi lắm và về căn bản tôi không quá gắn bó về mặt tình cảm, không bìu ríu anh em, cũng không phe giáp nào (một tật xấu của văn nghệ Việt Nam). Với tôi những quan hệ này là những cuộc phiêu lưu tinh thần nhỏ rất "sinh động và bổ ích". Tôi không thích tình cảm chen vào bình giá nghệ thuật hay nghiên cứu. Tôi thích quan hệ "trọng nhau về tài" và "tri âm" hơn là những chia sẻ đời thường và những giai thoại. Tất nhiên khi viết "phê bình" về họ thì tôi rất chân tình. Tôi đọc, xem hầu hết mọi tác phẩm của rừng văn hóa Hà Nội ấy khá chăm chú và họ cho tôi cảm giác được "tắm" trong đời sống tinh thần, văn hóa quốc gia. Những quan tâm chuyên môn đa ngành giúp tôi luôn có một cảm quan văn hóa-xã hội làm phông nền cho nghiên cứu, sáng tác chuyên sâu. Năm 1976 tôi vào Sài Gòn khuân ra hai thùng đựng sách các loại in ở Miền Nam dùng đọc chung với bạn bè. Nhiều loại sách rất quý và nhiều thông tin rất tốt cho giới văn nghệ Miền Bắc lúc đó.

Do các cương vị công tác làm phiên dịch, làm chuyên viên, làm quản lý… đưa đẩy tôi có dịp được gặp gỡ, làm việc với một số vị lãnh đạo chính trị từ Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Đỗ Mười, Lê Thanh Nghị, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Tùng, Trần Độ, Võ Văn Kiệt,… tới các quan chức thấp hơn ở các bộ, các tỉnh… tất nhiên thường chỉ thoáng qua nhưng cũng đủ để nhận ra chốn "cung đình" ấy không phải là thế giới của mình. Suốt 30 năm ăn lương cán bộ tôi chỉ phải đi làm theo giờ hành chính có 4 năm. Và càng thấy may khi tìm được "hộ khẩu" trong "làng" văn nghệ, khoa học.

Ông nghĩ nguyên nhân thực sự để mang đến thành công (bước đầu) này của ông là gì?

- Các nhà nghiên cứu khác sẽ dễ phân tích điều này hơn. Tôi không tin trong khoa học và nghệ thuật đích thực có những thành công bước đầu. Rất nhiều thành công vĩ đại nhất được tạo ra khi các tác giả 20-30 tuổi, đại bộ phận là dưới 45 tuổi. Tôi viết Ghi chú về nghệ thuật khi 30 tuổi, đến nay vẫn là một việc tốt nhất tôi từng làm. Với tôi có lẽ thành công được là nhờ lòng khiêm tốn, hướng thượng cùng với sự tự tin, chăm chỉ và rất nhiều may mắn như đã nói.

Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không có 'quan hệ' chen vào khi bình giá nghệ thuật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO