Mặt trận

Ký ức hào hùng của một cựu chiến binh

Lê Phiên - Tùng Duy 03/05/2024 12:00

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đích năm nay 91 tuổi, vẫn khí phách như thuở xung trận cứ điểm A1, minh mẫn kể về tháng năm lịch sử hào hùng đánh Pháp.

bai-chinh.jpg
Cụ Nguyễn Văn Đích với kỷ vật kháng chiến là ca nước có dòng chữ “Kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ” đã gìn giữ 70 năm qua. Ảnh: Lê Phiên.

Chàng trai Nguyễn Văn Đích sinh ra và lớn lên từ thôn bãi Soi có bến Âu Lâu quạch đỏ phù sa ở xã Giới Phiên, TP Yên Bái. Năm 1951, khi chưa đầy 18 tuổi, binh nhì Nguyễn Văn Đích từng cùng đồng đội tham gia nhiều trận phá đồn ở Cầu Hai - Trạm Thản, Phú Thọ.

Không thể nhớ hết những trận đánh ác liệt dọc tuyến Sơn La - Hòa Bình - Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai, nhưng trận khắc cốt ngày 13/12/1951 ở cứ điểm Giang Mỗ (tỉnh Hòa Bình) đã tạc một biểu tượng anh hùng trong mỗi người lính đơn vị năm ấy. Hình ảnh dũng cảm khi Cù Chính Lan đuổi theo xe tăng địch và ném lựu đạn vào buồng lái rồi bị thương nặng. Liên tiếp hai tuần sau đó người anh hùng vẫn sát cánh cùng đồng đội chiến đấu cho đến cùng và hy sinh trong một trận đánh khốc liệt. Lửa thù bùng cháy trong từng trái tim người lính. Cả đơn vị mang theo hình ảnh ấy như một khí phách đánh thù cảm tử.

Năm 1953, chiến sĩ Nguyễn Văn Đích cùng với đồng đội được bổ sung về Sư đoàn 308, E102, D54, C271, đóng quân tại Đại Từ, Thái Nguyên. Khi Chiến dịch Trần Đình (mật danh Chiến dịch Điện Biên Phủ) bắt đầu, cả đơn vị tạm biệt Việt Bắc hành quân lên Tây Bắc. Qua đèo Khế, Bình Ca, sang Tuyên Quang, Yên Bái, những người lính đôi chân mang dép lốp, trên vai trĩu nặng bởi súng, đạn, lương thực và tư trang hành quân không ngừng nghỉ, bừng cháy khí thế xung trận.

“Tới bến Âu Lâu trời vừa tối. Cả đơn vị vượt sông bằng thuyền nan của dân công địa bàn rồi tập kết dưới rặng tre bên sông. Tôi được chỉ huy cho phép về thăm nhà. Chỉ cách nhà 1km, lần đầu tiên tôi được về thăm gia đình sau mấy năm đi chiến đấu nên vui lắm. Cứ thế chạy bộ qua những bãi ngô rồi lội qua ngòi Lâu nước ngập đầu người. Chào thầy mẹ, uống bát nước mà nghẹn lời không kịp kể chuyện gì tôi quay lại đơn vị luôn. Không thấy mệt” - cụ Đích nhớ lại.

Đơn vị tiếp tục hành quân vào Ba Khe, qua đèo Lũng Lô lên Tuần Giáo, Mộc Châu, Nà Sản… Đêm đi, ngày nghỉ dưới tán rừng, bộ đội chủ lực đồng hành với bộ đội địa phương và những đoàn xe thồ của dân công hỏa tuyến. Lên đến Điện Biên, cả Sư đoàn 308 được lệnh tiến quân sang Lào để giúp bạn đánh địch. Từ Mường Khoa, Mường Sài, Phông Xa Lì đến Nậm Hu, cuối cùng là Sầm Nưa… Quân ta đi tới đâu là địch bị tiêu diệt tới đó. Ngày 18/2/1954, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 được lệnh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trực tiếp đánh đồi A1. Cứ điểm quan trọng khó đánh chiếm nhất. Bộ đội lao lên, hỏa lực địch dập tới, người nối người ngã xuống, nhưng ta quyết san phẳng cứ điểm tử địa này.

“Chiếm được đồi A1, khống chế cánh đồng Mường Thanh, yếu tố quyết định để bắt sống tướng Đờ-Cát. Nhưng chỉ sau 3 ngày Sư đoàn 308 đã mất đến 800 anh em” - cụ Đích ngấn lệ.

Sau chút tĩnh lặng, cụ Đích lại hồ hởi “khí phách đỏ” kể về ngày chiến thắng khi tướng Pháp và đám binh lính ra hàng. “Lòng chảo Mường Thanh vang rền lời ca, tiếng hát của bộ đội, dân công và đồng bào các dân tộc. Vui lắm” - cụ nói. Ngày ấy chiến sĩ Nguyễn Văn Đích được trao tặng giấy khen, Huy hiệu và một chiếc ca uống nước mang dòng chữ “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”. Đó là những kỷ vật vô giá của người chiến sĩ Điện Biên.

Khói lửa chiến trường Điện Biên còn chưa tắt, chiến sĩ Nguyễn Văn Đích cùng đồng đội nhận lệnh hành quân gấp về Bắc Giang. Theo tuyến đường cũ, từ Nà Sản, Mộc Châu, Lũng Lô, Ba Khe rồi lại qua bến Âu Lâu. “Hành quân gấp quá, lần thứ hai qua bến Âu Lâu mà tôi không được về thăm nhà. Biên mấy chữ nhờ bác lái đò gửi cho gia đình. Biết vợ sẽ buồn và giận tôi lắm nhưng yêu cầu nhiệm vụ, không thể khác được” - cụ Đích kể.

Sang xứ Tuyên rồi lên đất Thái Nguyên trước khi về đánh địch Cầu Lồ - Bắc Giang. Pháp đã thua trận ở Điện Biên nhưng thế và lực của chúng còn mạnh. Tới ngày 20/7/1954, khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, chúng mới thực sự buông súng, xuống tàu về Pháp.

Dẹp xong địch ở Bắc Giang, Trung đoàn 102 tiến qua ô Cầu Giấy vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954 trong niềm vui chiến thắng. Tại sân bay Bạch Mai, chiến sĩ Nguyễn Văn Đích và đồng đội vinh dự được gặp Bác Hồ. Buổi mít tinh đón chào Hồ Chủ tịch và Chính phủ về Hà Nội ngày 1/1/1955, chiến sĩ Nguyễn Văn Đích là một trong số 100 chiến sĩ đứng trong đội hình danh dự.

“Tôi ước ao được một lần nữa quay trở lại chiến trường xưa, để thắp cho đồng đội nén hương” - cụ Đích nói trong nghẹn ngào, dòng lệ trắng đục lăn trên khuôn mặt đã hằn nếp thời gian. Nhưng lần này thật tiếc cho cụ khi lỡ hẹn với xứ hoa ban. Chỉ cách đây ít ngày, vợ cụ (bà Phạm Thị Tần, 93 tuổi) cũng từng là nữ dân công Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã về cõi thiên thu, ông Trần Giang - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Giới Phiên mới thông tin cho chúng tôi. Mấy ngày nay cụ Đích hơi ốm mệt, xã đã tổ chức thăm hỏi chu đáo và động viên cụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức hào hùng của một cựu chiến binh