Lùi giờ vào lớp, áp lực học vẫn khó giảm

MINH DUY – H.NHÂN 30/10/2022 06:44

Trước kiến nghị của nhiều phụ huynh tại TP HCM  về việc con cái không đảm bảo sức khỏe tinh thần, thể chất vì phải tới trường từ sớm, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM  vừa quyết định lùi giờ học tất cả học sinh các cấp. Dù đây là tin vui nhưng vẫn có không ít băn khoăn giải pháp này chỉ là tình thế, bởi lùi giờ vào lớp chỉ là phần “ngọn”. Còn muốn giảm bớt mệt mỏi do áp lực học hành cho các em một cách hiệu quả, phải giải quyết phần “gốc”. Nghĩa là cần giảm tải chương trình học, hạn chế học tăng cường, học thêm,… chứ không chỉ riêng vấn đề lùi giờ vào lớp.

Thiết kế ngày học cho học sinh phải bắt đầu từ lợi ích của chính học sinh. Ảnh: Quang Vinh.

Lùi giờ, vẫn nhiều băn khoăn

Những ngày qua, truyền thông cũng như các diễn đàn trên mạng xã hội có nhiều ý kiến tranh luận về việc học sinh tiểu học, THCS, THPT có khối lượng bài tập về nhà nhiều, nên các em thường phải thức khuya để hoàn thành. Do đó việc dậy sớm để đến trường vào khung giờ 6h30-6h45 thường không đủ thời gian, các em không kịp ăn sáng, mệt mỏi, buồn ngủ, không đảm bảo sức khỏe.

Từ thực trạng đó rất nhiều phụ huynh tại TP HCM mong muốn lùi thời gian vào học để các em không quá cập rập, vội vàng và bị áp lực vào mỗi sáng. Đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh, Sở GDĐT TP HCM quyết định lùi giờ học tất cả học sinh các cấp từ mầm non đến THPT.

Cụ thể, ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GDĐT TP HCM cho biết, giờ vào học buổi sáng của học sinh mầm non và tiểu học không sớm hơn 7h30; học sinh THCS không sớm hơn 7h15; học sinh THPT không sớm hơn 7h. Ngoài ra, các trường từ mầm non đến THPT phải xây dựng kế hoạch để mở cửa trường đón học sinh từ 6h30 mỗi ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho những phụ huynh cần đưa con đến trường sớm để đi làm. Dự kiến đầu tuần tới Sở sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc lùi giờ vào lớp cho các cấp học.

Trước đó, nhiều trường học trên địa bàn quận 12 TP HCM đã thực hiện lùi giờ vào lớp buổi sáng cho học sinh từ 15 - 30 phút từ ngày 24/10 như: Trường tiểu học Võ Thị Thừa được lùi giờ vào học xuống 30 phút. Trường tiểu học Nguyễn Thị Định lùi xuống 20 phút, Trường tiểu học Nguyễn Văn Thệ học sinh khối 4 - 5 vào lớp lúc 7 giờ 15 (muộn hơn trước 15 phút)…

Tuy vậy, chia sẻ về việc lùi giờ vào lớp, bác sĩ Phan Thị Thanh Hà, Trưởng khoa Nhi - Nhiễm, Bệnh viện Q.8, TP HCM bày tỏ: Để có thể vào học trễ 30 phút buổi sáng nhưng vẫn giữ nguyên giờ về của học sinh thì chương trình học cần giảm tải thực chất, không áp lực từ các bài kiểm tra, các kỳ thi.

Không riêng TP HCM , câu chuyện lùi giờ vào lớp tại Hà Nội cũng được phụ huynh đưa ra thảo luận sôi nổi trên một số diễn đàn. Như trường hợp cháu Long, con trai chị Vân đang học lớp 10 tại một trường THPT ở Hà Nội. Cháu vào lớp lúc 7 giờ. Nhà chị Vân cách trường 4km. Buổi sáng, cháu thường dậy từ 6 giờ kém 15 để chuẩn bị đi học. Chị Vân cũng đã dậy trước đó 15 phút để mua đồ ăn sáng cho con. Từ ngày lên cấp 3, cháu Long phải thức muộn hơn để làm bài tập trên lớp, bài ở lớp học thêm, xem trước bài của ngày hôm sau. Trước khi đi ngủ, chị Vân yêu cầu con chuẩn bị quần áo, giày dép, soạn sách để mai sẵn sàng đi học.

“Tôi làm tạp vụ trong một công ty tư nhân, kết thúc công việc khá muộn nên bữa cơm tối của gia đình cũng muộn. Ngày nào cháu cũng ngồi vào bàn học khoảng 8 giờ tối, nhưng nhiều hôm đến 11 giờ đêm vẫn chưa xong bài tập thầy cô giao. Hôm sau gọi cháu dậy sớm rất khó khăn. Do đó tôi mong muốn các con vào lớp từ khoảng 7 giờ 45 phút đến 8 giờ là vừa đảm bảo sức khỏe, vừa thuận tiện cho các bậc phụ huynh đi làm”, chị Vân nói.

Có con đang học lớp 7 tại một trường THCS tại quận Thanh Xuân, chị Nguyễn Thu Trang cho hay: Tôi thấy bắt đầu từ 8 giờ là tốt nhất, phụ huynh và con em mình sẽ không bị áp lực về giờ giấc đi học và đi làm. Ngoài ra, cũng sẽ giảm tắc đường buổi sáng. Vì với khung giờ rộng như vậy thì ai ở xa trường và nơi làm việc sẽ đi sớm hơn một chút, ai ở gần thì sẽ đi trễ hơn một chút. Như vậy sẽ tạo ra sực “lệch pha tự nhiên” về giờ giấc đi làm và đi học, giảm ùn tắc giao thông.

Có thể thấy, nhiều ý kiến đề nghị học sinh ngủ thêm khoảng 30 phút để đảm bảo sức khỏe cho một ngày dài học tập, cũng như phù hợp với thời gian của phụ huynh đến công sở, công ty ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM . Mặt khác, tránh ùn tắc giao thông. Các kiến nghị đưa ra đều có cơ sở, nhưng chưa nhiều ý kiến đề cập đến gốc rễ vấn đề, xem xét trong tổng thể chương trình học tập, sinh hoạt hàng ngày của các em học sinh chứ không chỉ riêng vấn đề giờ vào lớp.

Giờ học sớm ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh.

Chương trình “nhồi nhét”, học sinh quá tải

Chị Phương Lan, quận Đống Đa (Hà Nội) có con học lớp 1, “cái tuổi mà từ trước đến nay cha ông ta thường nói là tuổi ăn tuổi chơi mà con phải học cả tuần. Kiến thức cũng quá nhiều. Sau khi học ở lớp về, ăn cơm xong là bố mẹ phải cho luyện chữ, làm toán đến tận khuya. Con thường đi ngủ muộn, rồi sáng hôm sau lại dậy sớm để chuẩn bị đi học. Bọn trẻ sắp thành robot rồi”, chị Lan than thở.

Với suy nghĩ cho con vào hệ thống trường tư để tránh học thêm, bài tập nhiều nhưng anh Đặng Việt Tuấn, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) rất khó hiểu khi lịch học chính của con là buổi chiều, nhưng một tuần 4 buổi nhà trường có lịch học tăng cường vào các buổi sáng, mà con anh phải có mặt từ 6h40 để vào lớp. “Vì còn học chiều, nhà lại xa nên phải ở lại trường vào buổi trưa. Nhưng nhà trường không có bán trú, buổi trưa lại phải tìm quán gần trường ăn rồi con vào lớp chờ tới chiều học chính khóa. Như vậy, hầu như cả tuần con ra khỏi nhà lúc 6h15 sáng và về tới nhà lúc 6 giờ tối, sau đó tắm rửa, ăn uống xong lại làm bài tập về nhà đến khuya”, anh Tuấn tâm tư.

Ngoài nhà trường, chính tâm lý lo lắng của phụ huynh cũng gây áp lực lên con cái. Có con đang học lớp 9, ngoài việc học chính thức, học thêm do trường tổ chức, chị Chi (Thái Nguyên) còn đăng ký cho con tham gia 3 lớp học thêm bên ngoài cho 3 môn là Toán, Văn, Anh. Chị Chi cho biết, cả lớp đi học thêm, nếu như không cho con đi học thêm, gia đình tôi cũng sẽ rất lo lắng về việc lượng kiến thức tiếp nhận của con không đủ, kết quả thi cử không tốt. “Tôi cũng nhận thấy sự mệt mỏi của cháu khi nhiều ngày trong tuần phải học liên tục từ 7h sáng trên trường đến 9h30 tối, sau đó phải tiếp tục chuẩn bị bài vở cho ngày hôm sau”, chị Chi nói.

Sống cùng với gia đình con trai, hằng ngày phải dạy cháu học, bà Tạ Phương Hiền, quận Phú Nhuận, TP HCM than: “Tôi kèm cho cháu ngoại học lớp 3 mà thấy rất “ngợp” với các nội dung như muốn “nhồi nhét” hết các kiến thức vào đầu cho trẻ, làm cho trẻ và phụ huynh rất áp lực. Ví dụ môn Toán thì lan man đủ loại kiến thức, từ hình học đến vật lý, từ tư duy toán xác suất đến hằng đẳng thức. Mỗi thứ một chút, rốt cuộc không hiểu ý đồ của các nhà soạn chương trình muốn gì? Môn Văn thì có lúc rất “hàn lâm” với những câu từ, ý nghĩa sâu sắc có khi người lớn cũng còn phải nghĩ nát óc, có lúc lại rất ngô nghê. Nói như vậy, để thấy rằng, nếu biên soạn lại chương trình học một cách khoa học và phù hợp hơn thì không sợ quá tải đến nỗi học sinh và phụ huynh phải mắt nhắm mắt mở đưa con đến trường hoặc để con ăn cơm hộp trên xe để kịp đến trường”.

Bởi vậy, anh Nguyễn Tiến Hùng, quận Cầu Giấy, Hà Nội khẳng định: Vấn đề không phải là giờ vào học mà các con học chương trình quá nặng nên rất mệt mỏi. Chứ tinh thần sảng khoái, đi học vui vẻ thì dậy sớm cũng không mệt. Việc cốt lõi là biên soạn chương trình quá khổ cho học sinh nên các con phải dành nhiều thời gian học cho kịp chương trình.

Phải vì lợi ích học sinh

Đồng tình với việc lùi giờ học, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho biết: Do cách thiết kế năm học của ngành giáo dục Việt Nam gồm 9 tháng, hay 35 tuần, hay 175 ngày học. Con số này có thể ít hơn các trường phương Tây là 10 tháng, hay 40-42 tuần, hay 180-200 ngày học. Bằng cách tăng số ngày học trong năm lên 20 ngày, chúng ta có thể rút ngắn ngày học xuống khoảng một giờ mà không ảnh hưởng tới tổng số giờ học trong năm.

Bên cạnh đó còn do giờ hoạt động của trường học được thiết kế theo giờ cha mẹ đi làm: Cách thiết kế này có ưu điểm hỗ trợ cho đại đa số cha mẹ tiện sắp xếp việc đưa đón con. Nhưng nhược điểm lại là trẻ phải đến trường trước cả giờ cha mẹ bắt đầu làm việc. “Do đó các đô thị rất cần phát triển hệ thống xe bus miễn phí/ưu đãi phí dành cho học sinh. Hiện rất nhiều xe bus vắng khách, nhưng lại không có xe bus “công lập” dành cho học sinh tới trường”, ông Nguyên gợi mở.

Tuy nhiên, nhìn nhận chương trình phổ thông 2018 của Việt Nam hiện quy định số tiết học trung bình của học sinh tiểu học là 25-30 tiết/tuần (mỗi tiết 35 phút), với trung học là 30 tiết/tuần (mỗi tiết 45 phút). Nếu áp dụng mức trung bình này, thì thời gian thực học của học sinh tiểu học là 3-4 giờ/ngày, học sinh trung học là 4,5 giờ/ngày. Con số đó không hề cao. Nhưng ngày học của học sinh kéo dài như hiện nay vì lý do gì?

Rõ ràng đó là việc các trường học kéo dài ngày học của học sinh cho các hoạt động khác, bao gồm cả việc học thêm. Nếu thời gian kéo dài thêm ở trường, học sinh được hưởng một giờ mỗi ngày cho vận động, thể dục, thể thao và một giờ nữa cho các câu lạc bộ nghệ thuật, ngoại khóa, giải trí khác thì quá tốt. Nhưng nếu việc kéo dài ngày của trẻ chỉ để dạy thêm trong trường là điều hoàn toàn không tốt.

“Đối với giờ học của con trẻ, lựa chọn nằm trong tay chúng ta. Chúng ta muốn một thế hệ thanh niên mụ mị vì học nhiều, chơi ít, hay muốn một thế hệ học sinh năng động, khỏe mạnh, sáng tạo, làm việc hiệu quả và cạnh tranh tốt. Học nhiều giờ mỗi ngày không hoàn toàn đồng nghĩa với chăm học và càng không đồng nghĩa với học tập hiệu quả. Do đó, việc thiết kế ngày học cho học sinh phải bắt đầu từ lợi ích của chính học sinh”, chuyên gia Bùi Khánh Nguyên bày tỏ.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội): Nhà trường nên loại bỏ tư duy khuôn mẫu

Bài toán về giờ vào lớp của học sinh có nhiều cách thức để giải. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường hoàn toàn có thể chủ động việc tổ chức hoạt động dạy học đảm bảo được yêu cầu của chương trình trong định hướng phát triển năng lực. Đồng nghĩa mỗi trường, mỗi địa phương căn cứ vào tình hình thực tế hoàn toàn có thể xây dựng một kế hoạch giáo dục đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Thêm vào đó, các trường cũng nên loại bỏ tư duy khuôn mẫu như việc buộc phải bắt đầu giờ học cố định và đồng thời.

Theo giờ sinh học, học sinh lứa tuổi vị thành niên cần 8-9 giờ ngủ nghỉ. Thời gian tốt nhất, trí tuệ minh mẫn nhất để tiếp thu học tập là từ 8h30-9h hàng ngày nên có thể tổ chức cho trẻ đến trường sớm nhưng không nhất thiết phải bắt đầu vào học ngay. Ngoài ra, cũng cần có giải pháp để học sinh bớt phụ thuộc vào việc đưa đón của phụ huynh bằng việc phát triển hệ thống xe đưa đón chuyên biệt, tổ chức theo tuyến với mức chi phí phù hợp, an toàn cho các em.

GS.TS Tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam: Căng thẳng quá mức sẽ phá hủy tư duy của học sinh

Áp lực học tập có thể gặp ở mọi cấp học, lứa tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là tuổi vị thành niên - những học sinh đang học 2 và cấp 3. Bởi ở lứa tuổi này các em bắt đầu thay đổi nhận thức, có quan điểm và chính kiến riêng. Các nghiên cứu về tâm sinh lý trẻ tuổi học đường đã đi đến kết luận, nếu áp lực học tập ở mức độ vừa phải (nội dung học tập vừa sức, không có các áp lực thúc đẩy quá sức...) sẽ giúp trẻ tiếp thu bài nhanh hơn, kết quả học tốt hơn, nhanh thuộc bài hơn. Trong trường hợp ngược lại, có thể sẽ dẫn đến các căng thẳng quá mức, quá sức chịu đựng của cơ thể (còn gọi là các căng thẳng cực trị và siêu cực trị) sẽ phá hoại tư duy của các em, làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ thần kinh, giảm hoạt động trao đổi chất của cơ thể và đó là nguyên nhân xuất hiện các rối loạn tâm thần, các chứng trầm cảm khác nhau.

Các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý điều này: Đừng bao giờ gây áp lực học tập quá mức, chú ý động viên tinh thần các em, tạo tâm lý thoải mái, giúp các em chủ động tiếp nhận tri thức trong sách vở một cách thoải mái nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lùi giờ vào lớp, áp lực học vẫn khó giảm