Tỉnh ủy Thái Bình vừa quyết định tạm đình chỉ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy đối với ông Nguyễn Văn Điều, để phục vụ công tác điều tra, sau khi nghe báo cáo của Công an tỉnh Thái Bình và các đơn vị liên quan.
Trước đó, ông Điều lái xe ô tô gây tai nạn chết người rồi cố tình bỏ chạy khỏi hiện trường và chỉ dừng lại khi bị người dân truy đuổi. Việc một đảng viên, cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy Thái Bình vi phạm pháp luật rồi trốn tránh trách nhiệm là không thể chấp nhận được.
Cụ thể, tối 8/5, tại đường Trần Thủ Độ (thuộc phường Tiền Phong, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), trong khi lái xe ô tô, ông Điều đã húc vào một xe đạp làm bà Phạm Thị Nguyễn bị hất văng, đập vào chiếc xe máy đang chạy ngược chiều. Hậu quả là bà Nguyễn chết tại chỗ, người đi xe máy bị thương. Sau khi gây tai nạn, ông Điều không dừng lại mà nhấn ga bỏ chạy, tiếp tục lao vào một xe máy khác. Chỉ đến khi bị người dân chặn lại ở KCN Phúc Khánh, ông Điều mới chịu dừng lại và chốt cửa “cố thủ” trong xe.
Theo Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt càng cần phải nêu gương trong việc nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ thị, nghị quyết, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều đó có nghĩa, ông Điều với vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình phải là người gương mẫu, dám làm dám chịu, không thể gây tai nạn rồi cố tình trốn tránh trách nhiệm.
Còn theo quy định của pháp luật, khi gây TNGT, người điều khiển phương tiện phải có trách nhiệm dừng lại hiện trường xem xét, hỗ trợ cấp cứu, đưa người bị thương tới bệnh viện. Với bất cứ ai sau khi gây TNGT mà có hành vi bỏ trốn khỏi hiện trường, không cứu giúp người bị nạn đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tại Điểm a, Khoản 2, Điều 132, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định: Người nào không cứu giúp người gặp nguy hiểm do chính mình do vô tình gây ra sẽ bị phạt tù 1-5 năm.
Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định: Người nào gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì sẽ bị phạt tù 3-10 năm. Tại Điểm c, Khoản 3, Điều 260 quy định: Người nào gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe từ 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên sẽ bị phạt tù 7-15 năm. Chiếu theo các quy định trên, việc lái xe ô tô gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy của Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình đã có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự.
Tất nhiên, việc ông Nguyễn Văn Điều có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không còn phải chờ kết quả điều tra của cơ quan công an. Song, việc ông Điều do vô ý hay vì say xỉn mà gây TNGT nghiêm trọng khiến 1 người chết, 2 người bị thương rồi bỏ chạy khỏi hiện trường là hành vi đáng bị lên án mạnh mẽ. Một người dân bình thường khi gây tai nạn, nhất là tai nạn chết người còn dám đối mặt, sẵn sàng chịu trách nhiệm, cớ sao một ông Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình lại không có được cái dũng khí ấy?
Khi tham gia lưu thông trên đường mà gặp các vụ TNGT, bất kỳ người dân nào cũng sẵn lòng dừng lại để cứu giúp người bị nạn bằng cách sơ cứu, chở nạn nhân tới bệnh viện cấp cứu. Vậy tại sao một ông Trưởng Ban Nội chính của một tỉnh lại “sẵn sàng” bỏ mặc người bị nạn, không cần quan tâm tới sự sống chết của họ? Chưa nói tới việc hành vi đó là vi phạm pháp luật, chỉ xét về mặt đạo đức thì đó có thể coi là việc làm hết sức nhẫn tâm, vô trách nhiệm. Vậy thì khi nắm giữ trọng trách Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, ông Điều có thể làm được điều gì tốt cho người dân, cho địa phương Thái Bình?
Đáng buồn là những trường hợp dám làm không dám chịu, tìm mọi cách trốn tránh trách nhiệm như ông Điều tại các địa phương trên cả nước lại không phải là hiếm gặp. Chỉ khác một điều, ông Điều thì gây TNGT chết người rồi bỏ chạy, còn một số quan chức khác thì sau khi “quyết” sai lập tức đổ lỗi cho cấp dưới, cho khách quan, cho ngành bạn... Thực tế đã có mấy ai dám dũng cảm thẳng thắn đứng ra nhận trách nhiệm bản thân đã sai phạm? Hầu hết khi bị cấp trên “sờ” đến sai phạm đều viện ra cả tỷ lý do để biện minh.
Vậy thì sự nêu gương của các cán bộ, đảng viên như ông Điều theo tinh thần Quy định 08 của BCH Trung ương Đảng là ở đâu, chỗ nào? Đến một việc “cỏn con” là sau khi gây TNGT còn không dám đứng ra nhận trách nhiệm, tìm cách bỏ trốn, thì làm sao có thể hy vọng những cán bộ này nêu gương, hy sinh lợi ích của bản thân, gia đình cho nhân dân? Trách nhiệm bản thân còn chưa làm tròn thì làm sao có thể nêu gương tốt cho mọi người học tập?! Đó chính là lý do mà nhiều lần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu siết chặt công tác nhân sự, nhất là trong các đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.