Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 27,88 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 13,9% so với cùng giai đoạn năm trước. Con số xuất khẩu khả quan là thế song, thực tế, nhiều loại rau quả của Việt Nam chưa thể xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn.
Nhiều rào cản
Tại diễn đàn “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ” diễn ra mới đây, ông Trần Văn Công - Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu cho biết, châu Âu là một thị trường quan trọng, tiềm năng của ngành nông sản xuất khẩu nước nhà. Trong đó rau củ quả là nhóm hàng có dư địa lớn nhất.
“Mỗi năm, thị trường châu Âu chi khoảng 120 tỷ USD nhập khẩu rau củ quả, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Thế nhưng kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang châu Âu chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với thị phần châu Âu đang nhập khẩu” - ông Công thông tin và cho biết thêm, mặc dù điều kiện để có thể tiếp cận dễ dàng nhưng châu Âu là thị trường có khâu hậu kiểm rất khắt khe, kiểm soát chặt chẽ. Một trong những tiêu chí quan trọng của nông sản xuất khẩu sang châu Âu là phải đạt ngưỡng dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định. Ngoài ra, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường châu Âu, thân thiện với môi trường cũng là yếu tố cần được quan tâm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Xuân Khang, đại diện Công ty international Fresh Group cho biết, hiện tại, sản phẩm do công ty phân phối đã có mặt tại hơn 3.500 siêu thị tại nhiều nước EU. Tuy nhiên, sản lượng nông sản từ Việt Nam mà công ty phân phối tại thị trường này mới chỉ chiếm dưới 1%, đây là một điều rất đáng tiếc.
Theo ông Khang, yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc tại EU chính là thách thức lớn đối với DN xuất khẩu nông sản Việt. “Công ty đã làm việc với các DN Việt Nam, rất ít DN của chúng ta hiện này có thể đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nên đã bị loại ngay từ ban đầu” – ông Khang nói.
Để xuất khẩu rau, củ, quả sang EU một cách thuận lợi, ông Khang cho rằng, các DN Việt Nam cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bởi lẽ chỉ cần một vài lô không đạt tiêu chuẩn, có thể ảnh hưởng đến tất cả các DN xuất khẩu khác.
Đồng quan điểm TS Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam lưu ý các DN, hợp tác xã, người dân muốn xuất khẩu cần nắm chắc quy định từng nước để đảm bảo giao thương không bị gián đoạn. “Các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) liên quan tới chế biến rau quả giống như những mảnh ghép để hoàn thiện công tác xuất khẩu” - ông Nam nói.
Chủ yếu xuất khẩu thô
Nông sản của Việt Nam dồi dào, các mùa đều có các loại rau, của quả đặc sản của các vùng miền... thế nhưng do yếu về khâu chế biến nên sản lượng, giá trị nông sản xuất khẩu chưa cao.
Theo ông Ngô Quang Tú, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), sản lượng củ quả, trái cây của cả nước là hơn 11,6 triệu tấn/năm, sản lượng rau, đậu gần 19,3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ rau quả chế biến mới chỉ đạt khoảng 12-17% trong tổng sản lượng. Nêu nguyên nhân, ông Tú cho rằng, nhiều DN muốn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả, nhưng do thiếu vốn sản xuất nên phần lớn các DN chỉ đầu tư chế biến quy mô nhỏ, trang thiết bị đơn giản. Mặt khác, sản phẩm chế biến càng sâu thì thị trường tiêu thụ càng hẹp do thói quen của người tiêu dùng vẫn thích ăn trái cây tươi, nên khó thu hút các DN đầu tư mở rộng chế biến.
Hiện tại, hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế dẫn đến tổn thất sau thu hoạch rất cao, tỷ lệ hư hỏng trên đường vận chuyển rất lớn. Cùng với đó, chất lượng an toàn thực phẩm chưa đảm bảo (không đều, không ổn định, kích thước, mùi vị, màu sắc, dinh dưỡng...). Một số loại rau quả giá thành còn cao...
Giới chuyên gia cho rằng, để ngành rau củ quả có thể chinh phục được các thị trường khó tính, rất cần tổ chức lại vùng nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến; Nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý liên kết chuỗi, có quy định điều phối các hoạt động liên kết; nâng cao năng lực chế biến, bảo quản rau, quả; phát triển thị trường sản phẩm chế biến...