Hơn 20 năm là người Mặt trận, ông Đỗ Duy Thường- nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật luôn tâm niệm Mặt trận chính là dân, người cán bộ Mặt trận phải là người luôn gần gũi, sẻ chia những khó khăn và biết lắng nghe dân một cách chân thành.
Ông Đỗ Duy Thường.
1. Nhiều người vẫn bảo ông là người có duyên với công tác Dân vận, Mặt trận, là bởi từ những năm ở Trung ương Đoàn ông Thường đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng. Thế nên năm 1988 chuyển về Mặt trận Trung ương, với ông chỉ như bổ sung thêm nhiệm vụ chứ không phải chuyển sang công việc mới.
Công tác ở Vụ Chính sách pháp luật nhiều năm, sau này là Phó Chủ tịch phụ trách công tác Dân chủ pháp luật của UBTƯ MTTQ Việt Nam, với chức năng, nhiệm vụ rất mới mẻ và nhiều khó khăn, ông bảo, va chạm thực tế công việc, mới thấy cũng không đơn giản như mình nghĩ lúc đầu.
Là một trong những người đóng vai trò tích cực tham gia soạn thảo Dự án Luật MTTQ Việt Nam, lại được Ban Thường trực giao làm Tổ trưởng Tổ Biên tập, ông Thường vẫn nhớ, “3 năm xây dựng luật, là 3 năm chúng tôi phải trăn trở từng câu chữ. Làm thế nào để đưa đầy đủ, rõ ràng về tính chất, vị trí, vai trò, quyền hạn và nhiệm vụ của Mặt trận vào Luật, đòi hỏi trí tuệ của cả một tập thể và nhiều hơn cả chính là những tiếng nói từ cơ sở, tiếng lòng của những người dân”.
Và tại các buổi họp, thảo luận những ý kiến đóng góp của ông luôn luôn thuyết phục được người nghe bởi sự mạch lạc, rõ ràng cùng những dẫn chứng rất cụ thể.
Hay như quá trình tham gia xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND, để thể hiện được vai trò của Mặt trận trong công tác Hiệp thương không đơn giản chút nào. Nhiều người lúc bấy giờ vẫn còn rất ấn tượng những tiếng nói phản biện sắc sảo và sự kiên trì, nhẫn nại của ông.
“Lúc đầu người ta chỉ nói Mặt trận hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử. Như vậy là chưa đủ, chưa hợp lý, chưa thật mở rộng dân chủ. Bởi vậy, phải trải qua ba, bốn lần sửa đổi, bổ sung cho đến nay Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND mới quy định đầy đủ, rõ ràng vai trò của MTTQ trong công tác bầu cử, nhất là công tác Hiệp thương. Đó là: Mặt trận hiệp thương dân chủ, lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử” - Hơn ai hết, là người Mặt trận ông thấu hiểu vô cùng giá trị của từng con chữ ấy.
2. Hơn 20 năm cống hiến cho công tác Mặt trận, ông được nhiều người biết đến bởi những đóng góp tích cực trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về vai trò MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng chính quyền mà trọng tâm là công tác Mặt trận tham gia xây pháp luật, giám sát, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và đặc biệt là tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Vì thế, những ngày này, khi MTTQ các địa phương đang tất bật với các bước tiến hành hiệp thương, lựa chọn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, ông bảo lòng mình cũng chộn rộn lắm.
Đó cũng là lẽ tự nhiên, từng ấy năm công tác ở Mặt trận Trung ương, từng ấy năm gắn bó với công tác bầu cử, mong mỏi lớn nhất của những người cán bộ Mặt trận như ông ở kỳ bầu cử nào cũng vậy, công tác hiệp thương phải được thực hiện bảo đảm dân chủ, đúng luật, lựa chọn giới thiệu được những người ứng cử đủ tài đức, xứng đáng là tiếng nói đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân ra ứng cử.
“Đó là trách nhiệm vô cùng lớn lao của MTTQ, nhưng cũng quá đỗi tự hào. Nếu trong quá trình làm mà lơ là, chủ quan hay nể nang để lọt những người không đủ tiêu chuẩn đại diện cho dân tức là mình có lỗi với dân”- ông luôn tự nhủ.
Thấu hiểu công tác Mặt trận, tường tận từ những việc nhỏ nhất và luôn “ghi điểm” trong những tình huống khó, ông bảo có được điều đó là nhờ biết lắng nghe, nghe để biết người dân nghĩ gì, muốn gì và đang lo lắng điều gì rồi mới giúp họ gỡ từng việc cụ thể.
Nhiều người ở 46 Tràng Thi (trụ sở của UBTƯ MTTQ Việt Nam) vẫn nhớ, năm 2004, khi tiến hành công tác bầu cử đại biểu HĐND, người dân Bắc Ninh kéo đến cơ quan Mặt trận trung ương cả trăm người kiến nghị về việc giới thiệu người ra ứng cử ở khu dân cư không hợp tình hợp lý, chưa dân chủ.
Tiếp dân, ông Thường kiên trì lắng nghe từng ý kiến, có cả sự kỳ vọng, gửi gắm nhưng cũng không ít nỗi bức xúc, thậm chí là mất niềm tin của cử tri. Tất cả được ông ghi đầy đủ vào cuốn sổ công tác và lặng lẽ về địa phương làm việc. Sau khi tìm hiểu, biết những kiến nghị, khúc mắc của người dân là có cơ sở, ông đã kiến nghị chính quyền địa phương “có tốn kém, có mất thời gian cũng nên làm lại, người dân sẽ tin khi cán bộ biết lắng nghe chứ khó tin khi cán bộ chỉ hứa rồi…để đấy”.
Thế nhưng cũng không phải vụ việc nào người dân cũng đúng. Những lúc như thế bằng kinh nghiệm vận động ông lại phải kiên trì thuyết phục, phân tích có tình, có lý. Ví như việc này địa phương giải quyết cho bác là đúng hay việc kia bác kiến nghị bằng chứng chưa thuyết phục, Mặt trận cần xem xét thêm…
Cũng có những “ca” rất khó, như việc người dân bức xúc đến Mặt trận phản ánh, kiến nghị. Cán bộ cấp Vụ tiếp họ nhất định không nói, ông ra tiếp họ cũng không trình bày, cứ nhất định đòi gặp Chủ tịch Mặt trận Trung ương…
Sau những việc như thế, ông cứ khiêm tốn tự nhận rằng mọi việc thành công chỉ là nhờ biết kiên trì. Người Mặt trận là phải lắng nghe tất cả ý kiến và nghe xong thì phải giải thích lại có tình, có lý. Bởi nếu mình nói có cơ sở, tự khắc sẽ thuyết phục được người nghe. “Tôi cứ quan niệm khi dân đã tin tưởng tìm đến Mặt trận thì mình phải làm gì để xứng đáng với niềm tin đó, đừng nên khất nợ với dân”.
3. MTTQ thời nào cũng thế, luôn cần những tiếng nói phản biện chân thành, sắc sảo, cần những người biết lắng nghe dân nói và nói cho dân nghe. Chả thế mà về hưu, ông Thường vẫn được Mặt trận tín nhiệm mời tham gia Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Ông bảo, người làm Mặt trận như chúng tôi thì chẳng có khái niệm ham hố chức tước, quyền lực gì, chỉ nghĩ mình có kinh nghiệm, đóng góp được gì cho Mặt trận, cho dân thì làm thôi.
Khi ông nghỉ hưu, nhiều vị trong Đoàn Chủ tịch cũng khuyên nếu còn điều kiện thì nên tham gia công tác tư vấn pháp luật của Mặt trận, làm Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật. “Ngay cả cụ Lưu Văn Đạt- Chủ nhiệm Hội đồng các khóa trước cũng bảo, anh phải làm thôi. Tôi cám ơn tình cảm đó nhưng từ chối và bảo, cụ cứ làm, tôi có kinh nghiệm sẽ đứng sau tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ những gì cụ cần. Với tôi, làm việc gì không quan trọng, quan trọng là giúp được gì cho Mặt trận thôi”.
Ngày nghỉ hưu người ta thấy ông tất tả khăn gói về quê. Việc ở thành phố bận nhưng trách nhiệm chăm sóc mẹ già ở quê cũng không thể lơ là. Một chốn đôi nơi nhưng việc nào ông cũng chu đáo, đã làm là làm đến nơi đến chốn. Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn… vai nào ông cũng hết mình với công việc. Chẳng kỳ cuộc nào của Mặt trận thấy ông vắng mặt và càng hiếm khi nào không phát biểu. Ông bảo, “tôi về sinh hoạt ở khu dân cư, gần những hoạt động của Mặt trận cơ sở hơn nên càng có nhiều vấn đề để nói”.
Gần nửa cuộc đời công tác ở MTTQ Trung ương, ông luôn tâm niệm một điều, muốn mọi hoạt động của MTTQ Việt Nam có hiệu quả cao phụ thuộc vào hai tiền đề rất quan trọng, thứ nhất là phải có cơ chế, chính sách, pháp luật; thứ hai là phải có đội ngũ cán bộ tâm huyết với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Có như thế, người Mặt trận với xứng đáng với sự kỳ vọng, gửi gắm của dân.
73 tuổi, mái đầu bạc trắng, bước đi cũng không còn nhanh nhẹn, tập thể dục một lúc đã thấm mệt. Thế nhưng, nói về những chuyện ở ngôi nhà chung Mặt trận, về hiệp thương dân chủ, rồi những kiến nghị của người dân gửi đến Mặt trận… ông cứ nhẹ nhàng đến cả buổi sáng không hết chuyện và cũng chẳng thấy có biểu hiện của sự mệt mỏi. Phải chăng vì ông là người của Mặt trận? Đích thực là thế rồi!