Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã khiến ngành chăn nuôi phải tiêu hủy 4,9 triệu con (chiếm 7% tổng đàn lợn của cả nước). Số lợn bị tiêu hủy không nhỏ, do đó tác động khá mạnh đến nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, phía nhà quản lý cho biết, đã có những giải pháp để bù đắp lượng cung thịt lợn bị thiếu hụt, cùng với đó hướng đến phát triển ngành chăn nuôi bền vững.
Chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học đang được nhiều trang trại áp dụng. Ảnh: TL.
Nguồn cung giảm mạnh, song không đáng lo ngại
Dịch tả lợn châu Phi dù đã giảm bớt cường độ song vẫn âm ỉ lây lan. Tính đến nay, cả 63/63 tỉnh thành của cả nước đã xuất hiện dịch. 7000 xã đã có dịch. Số lượng lợn bị tiêu hủy chiếm 7% tổng đàn lợn. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong 2 quý đầu năm 2019 đạt 2,1 triệu tấn, con số này đã giảm tới 6,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Những diễn biến nói trên đẩy ngành chăn nuôi vào nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn nặng nề, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán 2020, khi nhu cầu về thịt lợn của người dân tăng cao.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại theo thông tin khảo sát từ Bộ Công thương, trong tháng 8, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh, thành phố đã tăng lên từ 2.000 - 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 7, trung bình là 46.500 đồng/kg. Còn những ngày đầu tháng 9/2019, giá thịt lợn hơi tại miền Bắc dao động trong ngưỡng 53.000- 55.000 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên hiện giá lợn hơi dao động trong ngưỡng 50.000- 53.000 đồng/kg; tại miền Nam là 47.000- 53.000 đồng/kg, bình quân cả nước là 52.000 đồng/kg. Giá thịt lợn hơi được dự báo tiếp tục còn tăng mạnh từ nay đến cuối năm, do nhu cầu của người dân tăng cao dịp Tết, trong khi nguồn cung sụt giảm mạnh.
Cả lãnh đạo ngành Công thương và ngành Nông nghiệp đều nhận định, nguy cơ thiếu nguồn cung thịt lợn là rất rõ ràng.
Không phủ nhận nguồn cung thịt lợn đang sụt giảm khá mạnh so với nhu cầu của thị trường, song Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, chưa thực sự quá lo ngại về nguồn cung thịt lợn. Giá lợn hơi hiện vẫn xoay quanh mức 48.000 – 50.000 đồng/kg, trong khi sức tiêu thụ tăng. Điều này cho thấy, số lượng lợn hiện vẫn còn khoảng 93%, chỉ 7% bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, có nghĩa là con số giảm trên tổng đàn lợn chưa đáng lo ngại. “Cùng với đẩy mạnh chăn nuôi đại gia cầm, thủy sản, chăn nuôi lợn an toàn sinh học thì hoàn toàn không quá lo ngại về nguồn cung” – ông Tiến khẳng định.
Hướng đến phát triển bền vững
Cũng theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT, để đảm bảo được sản lượng thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, cũng như giảm áp lực từ việc tăng giá thịt lợn lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào cuối năm, thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu ngành chăn nuôi. Về phát triển chăn nuôi đại gia súc, sau 8 tháng đã có tốc tăng trưởng khoảng 3% về sản lượng. Chăn nuôi gia cầm được đẩy mạnh với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ tăng từ 11 - 13%, với 409 triệu con gia cầm, 11,6 tỷ quả trứng sẽ phần nào bù đắp được thiếu hụt nguồn cung từ thịt lợn. Về đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, 8 tháng vừa qua, sản lượng đã tăng trưởng 5,7%, và dự kiến trong cả năm 2019 này, sản lượng thủy sản sẽ tăng 8%, đảm bảo cả chỉ tiêu xuất khẩu và tăng trưởng.
Tuy nhiên, chăn nuôi lợn vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chăn nuôi và thịt lợn vẫn là sản phẩm chính trong bữa ăn của người tiêu dùng. Bởi vậy, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NNPTNT đang khuyến khích các DN, hộ nông dân chăn nuôi theo chuỗi khép kín, chăn nuôi theo mô hình VietGap, an toàn sinh học.
Hiện nay, một số lượng lớn các trang trại lợn đã áp dụng chăn nuôi theo kiểu chuồng kín, có hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống và hệ thống làm mát tự động tạo môi trường thuận lợi nhất để phát huy tối đa tiềm năng sinh học của giống, tạo năng suất và hiệu quả chăn nuôi cao nhất. Đặc biệt, một số trang trại chăn nuôi lợn được trang bị các thiết bị quản lý theo công nghệ quản lý trang trại trực tuyến (farm online)… bảo đảm đàn lợn được chăm sóc, sinh trưởng trong môi trường sạch, an toàn.
Bộ NNPTNT cũng khuyến cáo, bà con nông dân nên dịch chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Xác định quy mô trang trại phù hợp với từng vùng, địa phương; khuyến khích ưu tiên phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học bổ sung chế phẩm gắn sản xuất theo chuỗi sản phẩm, đặc biệt chú trọng đến khâu giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
“Sau 7 tháng chống dịch (dịch tả lợn châu Phi), với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành … đến nay, tỷ lệ tiêu hủy lợn giảm rõ rệt. Tổng kết tiêu hủy lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi tháng 8 so với tháng 7 giảm 20%, so với tháng 5 tháng 6 giảm 35 - 40%, đây là số liệu rất khả quan về việc đẩy mạnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học thích ứng với bệnh dịch tả lợn châu Phi” - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết.