Mới đây, thêm một vụ quảng cáo trên bao bì không đúng khiến người nông dân lãnh đủ, đã khiến người ta giật mình. Một công ty quảng cáo trên bao bì lúa giống là loại giống này có khả năng “đặc biệt kháng đạo ôn”. Tin lời, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh mua vào, cuối cùng là tổng thiệt hại do “quá tin quảng cáo”lên tới 600 tỉ đồng.
Cụ thể là, vụ xuân 2017 của Hà Tĩnh, tỉnh này có 10.000ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, trong đó giống lúa được quảng cáo “kháng đạo ôn” nhiễm gần 9.000ha.
Đáng nói là theo hồ sơ công bố hợp pháp, giống lúa này chỉ có khả năng kháng đạo ôn ở mức trung bình 26%. Tuy nhiên, trên bao bì đựng giống loại 1kg, nơi bán lại không ngần ngại ghi rõ ràng là “đặc biệt kháng bệnh đạo ôn”.
Khi vụ việc vỡ lở, thiệt hại quá nặng nề, lãnh đạo Công ty bán giống lại thản nhiên nói rằng về mặt bao bì, Công ty đã nhận sai với các cơ quan chức năng, có “nói quá một chút”. Có lẽ chỉ là “nói quá một chút” nên doanh nghiệp này chỉ phải nộp phạt 25 triệu đồng. Nếu so với thiệt hại mà người nông dân phải chịu là 600 tỉ đồng, thì thật là một trời một vực.
Câu chuyện “nói quá một chút” không chỉ ở công ty bán lúa giống nọ, mà ở hầu như các quảng cáo kinh doanh, dịch vụ. Trong lĩnh vực mỹ phẩm, người ta còn bạo gan nói rằng có thành phần đông dược, có nghĩa là loại mỹ phẩm đó vừa làm đẹp lại vừa tăng cường sức khỏe. Cách “nói quá” này thật quá đáng vì vi phạm nghiêm trọng những quy định về thuốc sử dụng cho người. Nhưng rồi, cũng không thấy bị làm sao cả, chỉ có người tiêu dùng là phải đối diện với nguy nan.
Ở đời, “chém gió” là bệnh thường gặp, thường đến nỗi người ta cho đó là chuyện tầm phào, cốt để mua vui. Từ đó mới dẫn đến chuyện “nói quá một chút” mà không cần biết đến hậu quả cộng đồng phải hứng chịu. “Nói quá một chút” để khoe khoang đã tệ, nhưng nếu nói quá, quảng cáo bậy để kiếm lời thì cần phải chặn lại và cần phải xử lý.