Kể từ ngày 8/10 - khi binh lính Thổ Nhĩ Kỳ tấn công khu vực biên giới giữa Syria và Iraq sau khi quân đội Mỹ bất ngờ rút lui (ngày 6/10)- tình hình khu vực này trở nên cực kỳ nóng bỏng. Trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bác bỏ sự chỉ trích về việc tấn công người Kurd ở Đông Bắc Syria, thì quốc tế đồng loạt kêu gọi nước này ngừng chiến dịch quân sự tại Syria.
Xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra tại làng al-Hashisha, ngoại ô Tal Abyad, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN.
Đặc biệt quan ngại
Ngày 11/10, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Hội đồng Bảo an LHQ đã tiến hành họp khẩn. Sau khi kết thúc phiên thảo luận kín, 5 nước châu Âu tại Hội đồng Bảo an LHQ là Pháp, Đức, Anh, Bỉ và Ba Lan đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ dừng chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd tại Syria. Tuyên bố chung của 5 nước nói trên nêu rõ: “Chúng tôi đặc biệt quan ngại về chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Bắc Syria. Chúng tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ dừng các hoạt động quân sự ngay lập tức”.
Cùng ngày, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi xuống thang xung đột tại Syria, nhấn mạnh việc giảm căng thẳng là yêu cầu đặc biệt cấp thiết. Trong một diễn biến liên quan, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Tổng thống Donald Trump đã giao nhiệm vụ cho các nhà ngoại giao Mỹ dàn xếp một lệnh ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng người Kurd ở Syria.
Đáng chú ý, trong khi đó truyền thông quốc tế cho biết, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang theo dõi chặt chẽ giao tranh giữa binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd ở Đông Bắc Syria để chờ thời cơ giải thoát cho 70.000 tù nhân khỏi các nhà tù do người Kurd canh giữ. Đây là động thái được coi là đặc biệt nghiêm trọng dẫn tới bất ổn kéo dài ở vùng đất này- nhận xét của tờ Business Insider. Được biết, trong số 70.000 người đang bị người Kurd giam giữ trong các nhà tù, nhiều nhất là ở Trại Al Hol, có khoảng 12.000 tay súng khủng bố.
Vai trò của Moskva
Một trong những nguyên nhân quan trọng khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công khu vực biên giới giữa Syria - Iraq lần này chính là việc quân đội Mỹ bất ngờ rút đi khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria (ngày 6/10). Quyết định rút quân được xem là hành động bỏ rơi đồng minh và khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump bị chỉ trích từ nhiều phía.
Khi tình hình trở nên căng thẳng, khi truyền thông Trung Đông cùng dẫn lời ông Badran Jia Kurd - một quan chức cấp cao người Kurd - cho biết các lực lượng người Kurd đang kiểm soát khu vực miền Bắc Syria có thể tiến hành các cuộc đàm phán với chính quyền Damascus và Nga. Như vậy, cuộc chiến sẽ lan rộng khi có nhiều lực lượng trực tiếp hoặc hậu thuẫn phía sau. Nói như vị quan chức nọ thì “ Chúng tôi buộc phải tính tới mọi phương án, trước hết là tiến hành đàm phán với Damascus và Moskva để lấp vào chỗ trống (quân Mỹ rút đi) để ngăn cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.”
Nhắc lại, hồi tháng 12/2018, Tổng thống Trump tuyên bố kế hoạch rút toàn bộ lực lượng Mỹ khoảng 2.000 binh sĩ tại Syria. Kế hoạch này được coi là Washington bỏ rơi các đồng minh người Kurd tại Syria. Kể từ đó, giới quan sát tập trung sự chú ý tới vai trò của Nga, đặc biệt khi Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công Đông Bắc Syria (8/10).
Tới thời điểm này, Nga là quốc gia nước ngoài hoạt động mạnh nhất tại Syria, nhất là trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Năm 2015, Nga cử lực lượng không quân tới Syria tham gia chiến dịch chống tổ chức IS theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad. Đến ngày 14/3/2016, Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh rút lui một phần lực lượng Nga khỏi Syria. Tuy nhiên, đến tháng 10 cùng năm, Chính phủ Nga quyết định duy trì căn cứ của lực lượng không quân tại Syria “ở mức cơ bản”. Lần này, Nga không ủng hộ chiến dịch nhằm vào người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ, mà với vai trò ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Assad, mục tiêu của Nga là giúp Damascus giành lại tất cả lãnh thổ Syria từ tay phiến quân. “Chúng tôi giữ liên lạc với cả đại diện của lực lượng người Kurd và Chính phủ Syria; khuyến khích hai phía đàm phán để giải quyết vấn đề tại Syria, bao gồm đảm bảo an ninh biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ”- Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói.