Nông thôn mới và những khóm tre bị bật gốc

Trần Duy Hưng 14/06/2016 02:53

Trong một buổi làm việc mới đây tại Nam Định, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà (người trước đó không lâu là Bí thư Tỉnh ủy Nam Định)  nêu một việc, đó là sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới cũng là lúc huyện Hải Hậu của tỉnh Nam Định cơ bản đã xóa sạch bóng tre xanh, thay vào đó là nhiều loại cây khác, chủ yếu là cây cau và cây hoa hòe. “Tôi có đề nghị với lãnh đạo địa phương là bây giờ đường làng ngõ xóm không còn tre nữa thì cũng cố gắng trồng lại ở mỗi nhà văn hóa xóm một khóm, để gi

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, Hải Hậu (Nam Định) lại vắng bóng tre xanh.

Thực ra thì việc cây tre bị chặt bỏ, ngày càng trở nên vắng bóng ở làng quê không phải là chuyện riêng của xã, huyện nào. Trong quá trình đô thị hóa, các cụm công nghiệp mọc lên ở làng quê thì bình thường cũng có thể coi là những dấu hiệu đáng mừng, đúng với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn của Đảng và Nhà nước; cũng là cơ hội, điều kiện để người dân nông thôn thay đổi cuộc sống.

Nhưng, trong quá trình đó, rất nhiều diện tích ao hồ, ruộng vườn của làng đã bị san lấp, thu hồi, đồng nghĩa với việc không gian, đời sống làng quê bị tác động, thay đổi rất nhiều, với nhiều cây cối, trong đó có nhiều lũy tre xanh của nhiều làng quê đã bị đốn hạ.

Nói chuyện cây tre trong lúc nhiều địa phương đang phải đau đầu lo sao cho đạt đủ 19 tiêu chí để được công nhận nông thôn mới; không ít địa phương đang như “ngồi trên đống lửa” vì những khoản nợ, ít thì vài tỷ, nhiều lên đến vài chục tỷ đầu tư nhưng chưa biết trông vào nguồn nào để trả nợ.

Tuy nhiên, đó đơn thuần chỉ là chuyện tiền bạc, còn thì với những người quan tâm tới văn hóa làng quê Việt Nam thì việc ngày càng vắng bóng tre xanh hẳn nhiên là không bình thường. Nói một cách hình ảnh, nó được ví như một nhát chém, một đường cưa mạnh vào dòng chảy lịch sử, văn hóa dẫn đến sự đứt đoạn…

Bởi, cây tre là hình ảnh thân quen từ hàng ngàn đời nay với người Việt Nam, nhất là ở các làng quê. Không chỉ thân quen, cây tre còn gắn bó, hiện hữu và vô cùng hữu dụng trong mọi mặt đời sống. Cây tre còn được xem là biểu tượng, khí phách của đất nước, của dân tộc. Người Việt Nam ai cũng biết truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc.

Sau này, người ta lại biết những câu thơ: “Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc” (Nguyễn Khoa Điềm); “Tre xanh, xanh tự bao giờ/Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh/Thân gầy guộc lá mong monh/Mà sao nên lũy nên thành tre ơi” (Nguyễn Duy)...

Thân quen, gắn bó đến thế nhưng tới nay cây tre đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ ở nhiều làng quê, hỏi sao không dẫn đến những “cú sốc” về hình ảnh, về văn hóa và những tổn thương tinh thần?

Không chỉ có chuyện những lũy tre xanh đang dần bị “bật gốc” khỏi làng quê. Liên hệ thêm với việc nhiều giá trị văn hóa, bản sắc của làng quê đã và đang bị mai một, biến tướng lại thêm bất an. Không khó để nhận ra, sau khi đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, nhiều làng quê như đang khoác trên mình “bộ đồng phục”. Làng nào, thôn nào cũng chung một kiểu đường bê-tông, chung một mẫu nhà văn hóa, chung một mẫu cổng làng…

Rồi, không biết có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không, khi mà những lũy tre xanh, biểu tượng của sự gắn kết bị nhổ bỏ, bật gốc cũng là lúc nhiều người có cảm nhận sự gắn kết cộng đồng ở nhiều làng quê trở nên rệu rã. Trên thực tế, đời sống ở hầu hết các làng quê giờ đây đã tiện nghi, hiện đại hơn nhưng lại thiếu vắng những sinh hoạt cộng đồng, gắn kết, ngược hẳn với đời sống nông thôn trước đây, dẫu khi đó còn khó khăn, thiếu thốn.

Lớp lớp thanh niên lớn lên đều tìm đường vào thành thị, bỏ lại phía sau làng quê của mình- nơi nhiều làng quê bây giờ chỉ còn lại người già và trẻ em. Cũng chẳng mấy thôn xóm còn duy trì được các CLB văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Nhiều nơi xây được nhà văn hóa thôn, xóm nhưng ngoài cái xác nhà, bên trong chẳng có gì, quanh năm cửa đóng im ỉm. Mới chập tối đường làng đã vắng hoe, nhà nào nhà nấy kín cổng cao tường, thu mình quanh chiếc tivi…

Trong khi đó, những mâu thuẫn, xích mích trong làng xóm lại ngày một nhiều. Đôi khi anh em, xóm giềng từ nhau, thậm chí vác dao chém nhau chỉ vì những mâu thuẫn, lợi ích vật chất. Cái câu “nhất cận lân” hình như đã bị quên mất rồi...

Xây dựng nông thôn mới đúng là một việc rất lớn. Nhưng ở đó không chỉ cần tiền bạc, công sức mà cần hơn cả là những quyết định, việc làm được suy xét thấu đáo, nhiều mặt, nhiều chiều. Nếu có được điều này, tin rằng nhiều địa phương đã không lạnh lùng đốn hạ hết những lũy tre xanh, lấp ao để làm nhà, làm đường.

Nỗ lực tìm kiếm, xây dựng, vun đắp những giá trị mới cho những làng quê là việc quan trọng, cần thiết. Nhưng bảo vệ, gìn giữ những giá trị, vốn quý phải qua hàng nghìn năm, qua sự kiến tạo, hình thành, gìn giữ của bao thế hệ tiền nhân mới thành, rồi trao truyền lại được cho thế hệ mai sau mới thực là điều hệ trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nông thôn mới và những khóm tre bị bật gốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO