Nhiều ngày nay, chất lượng không khí ở Hà Nội ngưỡng xấu và kém ở cả 10 điểm quan trắc. Chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) ở Hà Nội duy trì màu cam (tức chất lượng không khí kém). Tại cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 1/10, các cơ quan ban ngành Hà Nội đã nêu ra các nguyên nhân, giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại địa bàn.
Không khí tại Hà Nội trong những ngày qua luôn ở ngưỡng xấu và kém.
Ô nhiễm do nghịch nhiệt và không có mưa
Sáng 1/10, chất lượng ô nhiễm không khí ở Hà Nội xuống thấp nhất trong một tháng qua. Chỉ số AQI trung bình của Hà Nội theo ứng dụng Air Visual là 212, có hại cho sức khoẻ. Số liệu của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội cũng xấp xỉ 200. Trong khi đó, theo ứng dụng Air Visual, khu vực hồ Tây ô nhiễm không khí đã lên đến mức 333, nguy hại đến sức khoẻ của mọi người.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có Báo cáo chính thức về chất lượng không khí Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong tháng 9/2019. Báo cáo nêu rõ, liên tục nhiều ngày, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội ở mức kém. Tại TP Hồ Chí Minh cũng xuất hiện hiện tượng sương mù quang hoá gây cản trở tầm nhìn.
Việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hoá đã gây những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng. Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường nhận định, đây là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn gây ô nhiễm.
Xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc, trong đó có Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Theo nhận định sơ bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường nguyên nhân PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí.
Sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn. Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.
Trong khi đó năm 2019 có lượng mưa thấp nhất, liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21 - 30/9), toàn bộ khu vực Hà Nội không có mưa. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong thời gian này.
Quá nhiều lý do khiến không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng
Theo Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định, có 12 nguyên nhân tác động chính khiến tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao. Đó là khí xả thải từ phương tiện giao thông; tình trạng đun bếp củi, than tổ ong còn tiếp diễn; vật liệu quản lý phá dỡ các công trình xây dựng, quá trình phá dỡ, vận chuyển chưa kiểm soát; mùi hôi thối rác thải chưa xử lý được; đốt rơm rạ còn nhiều; thu gom rác thải, bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các khu vực sản xuất vùng lân cận và tình trạng chuyển mùa khiến tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn trở nên trầm trọng hơn.
Ông Mai Trọng Thái- Chi cục trưởng Chi cục Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, ô nhiễm không khí có nguyên nhân khách quan là do thời tiết và biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng nghịch nhiệt. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, dự kiến đến 3/10 thời tiết có mưa. “Nếu trời mưa sẽ cải thiện được chất lượng không khí trên địa bàn”- ông Thái nói.
Tuy nhiên, theo ông Thái, không khí ô nhiễm ở mức báo động không chỉ nằm ở nguyên nhân khách quan mà do các nguồn phát thải tăng, tác động từ đốt rơm rạ, thói quen đốt than tổ ong làm ảnh hưởng lớn đến tình trạng ô nhiễm không khí. Chẳng hạn hiện theo thống kê, trên địa bàn có 55.000 bếp than tổ ong, mỗi ngày đốt tới 528 tấn than, phát thải ra môi trường 1.870 tấn khí CO2 , đây là nguồn gây ô nhiễm không nhỏ.
Trong khi đó, việc gia tăng phương tiện cá nhân với lượng phát thải chưa kiểm soát được cũng khiến không khí trở nên ngột ngạt. Theo ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hiện Thủ đô đang có đến 6,6 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,7 triệu chiếc thải khói ra môi trường mỗi ngày. Khi tắc đường kéo dài, động cơ xe vẫn phải hoạt động liên tục khiến cho lượng khí thải phát ra lớn hơn. Lượng khí thải này bao phủ trong phạm vi chật hẹp nên người dân hít phải nhiều khí độc.
Nói không với đốt rơm rạ, than tổ ong
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân ra đường mang theo khẩu trang, hạn chế tham gia giao thông vào giờ cao điểm, tránh các điểm đang tắc đường (có thể đi sớm hơn hoặc muộn hơn...). Tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng; Các hộ dân không sử dụng bếp than tổ ong; Đối với các công trình xây dựng phải che chắn đúng quy định, thực hiện các biện pháp phun nước giảm bụi đúng quy định.
Chất lượng ô nhiễm không khí ở Hà Nội xuống thấp nhất trong một tháng qua.
Ngoài những cảnh báo mang tính cấp bách, Hà Nội cũng đưa ra những giải pháp dài hơi để tuyên chiến với ô nhiễm không khí. Cụ thể với thói quen đốt rơm rạ của nông dân, ông Mai Trọng Thái cho biết, thành phố đang thí điểm thu gom rơm rạ tận dụng được làm sản phẩm hữu sinh. Sắp tới Hà Nội sẽ ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương khi thu hoạch lúa nghiêm cấm người dân đốt rơm, rạ đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ đưa ra giải pháp hữu ích để rơm rạ sẽ được tận dụng để ra các sản phẩm mới.
Ông Vũ Đăng Định cũng cho biết, Hà Nội sẽ tiếp tục lắp đặt hệ thống quan trắc, quản lý nguồn thải, thay đổi hình thức thu gom rác thải từ thủ công sang sử dụng phương tiện cơ giới hóa để hạn chế ô nhiễm. Đặc biệt, thành phố đã có kế hoạch đến ngày 31/12/2020 sẽ vận động người dân không đốt than tổ ong trên địa bàn. Đồng thời sẽ thắt chặt việc các xe khi vận chuyển phế thải phải che chắn để không xả thải ra môi trường; cùng với đó thành phố sẽ tiếp tục trồng thêm nhiều cây xanh để cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn.