Báo chí đang đứng trước những thử thách gay gắt. Giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng là một thử thách mà những người làm báo cần dũng cảm để vượt lên, nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ với Đại Đoàn Kết nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Hồ Quang Lợi.
PV:“Nhà báo”- một danh xưng vốn rất được tôn trọng. Nhưng gần đây một số người làm nghề thiếu chuẩn mực đã làm xấu hình ảnh của báo chí khiến nhiều người thiếu niềm tin, e ngại báo chí. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Nhà báo HỒ QUANG LỢI: Hiện cả nước có khoảng hơn 20 nghìn nhà báo được cấp thẻ, số đông đều là những người làm nghề tử tế, luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, tận tâm, tận lực vì nghề. Có thể nói, những năm qua, báo chí có đóng góp to lớn với xã hội, đất nước. Nhiều người nhận xét rằng: Nếu không có báo chí thì việc A, B khó như thế, phức tạp như thế, nhạy cảm như thế, không thể nào giải quyết được. Những lời đánh giá như vậy cho thấy rằng, xã hội vẫn đặt niềm tin vào đội ngũ những người làm báo. Báo chí vẫn có vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thay thế trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.
Tuy vậy, thời gian gần đây đã xuất hiện những hiện tượng một số người làm nghề không chuẩn mực, có biểu hiện suy giảm đạo đức nghề nghiệp. Số người có hành vi không chuẩn mực, sai phạm cả về luật pháp lẫn đạo đức nghề nghiệp chỉ là số ít, nhưng lại gây tác động tiêu cực nghiêm trọng, làm mai một niềm tin của xã hội với báo chí, làm tổn thương lòng tự trọng và danh dự của người làm báo chính trực. Nhưng tôi cho rằng, không nên vì những hiện tượng tiêu cực có tính đơn lẻ đó mà có cái nhìn không đúng đắn, thiếu thiện chí đối với báo chí.
Một số người làm nghề báo cho rằng, trước khi thực hiện những điều lớn lao họ phải sống được mới tiếp tục làm nghề, vì thế đã có những hành vi không đúng mực. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đời sống người làm báo không phải chỗ nào cũng giống nhau. Có những cơ quan báo chí, đời sống người làm báo được cải thiện, thu nhập tương đối tốt so mức độ chung của xã hội, nhưng số đó còn ít. Trong khi đó, ở nhiều cơ quan báo chí, đời sống anh em rất vất vả. Thậm chí, nhiều cơ quan báo chí còn nợ lương, nợ nhuận bút, nợ tiền công in. Đối với những trường hợp như vậy, áp lực với ban lãnh đạo cơ quan báo chí đó rất nặng. Đôi khi vì vấn đề cơm áo, họ “buông ra” để phóng viên tự lo cuộc sống. Điều đó rất nguy hiểm, như thế sẽ có người bị hút vào các hoạt động không minh bạch, dẫn tới làm nghề không còn khách quan nữa. Thậm chí ngòi bút có thể bị bẻ cong, bị lợi dụng, đưa ra xã hội những thông tin sai lệch, làm sai bản chất sự việc.
Còn hiện tượng nữa cũng khá phổ biến đó là, nhiều cơ quan báo chí khoán quảng cáo, phát hành cho phóng viên. Nếu khoán quảng cáo, phát hành cho người làm phát hành, quảng cáo là chuyện bình thường. Nhưng do “túng bấn” quá, muốn tận dụng uy lực ngòi bút, nên khi phóng viên đi công tác chỗ này chỗ kia, tòa soạn thường giao việc kết hợp viết bài với xin quảng cáo hoặc “nói khó” với đơn vị, cơ quan đó mua cho ít số báo. Trong những trường hợp như vậy, người làm báo thật khó có thể làm nghề khách quan, trung thực được. Nếu để thực tế này tiếp diễn, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến tư thế của người làm báo.
Bên cạnh tinh thần chiến đấu để làm rõ sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, trong 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, có một điểm mới rất quan trọng là báo chí phải nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng con người, vì con người. Mỗi nhà báo, khi đặt bút, ghi âm, ghi hình, có nghĩ rằng, câu văn này, lời nói này, hình ảnh này sẽ tác động như thế nào đến công chúng? Mỗi biên tập viên, mỗi thư ký tòa soạn hay mỗi lãnh đạo tòa soạn có nghĩ rằng, bài báo này in ra, bức ảnh này đăng lên, video này trình chiếu, những lời lẽ cài cắm trong đó có làm tổn thương ai đó không, có làm một gia đình nào đó tan vỡ, có khiến một thân phận nào đó có thể bị hủy hoại không?
Mỗi nhà báo đều phải ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội, nhưng liệu Nhà nước đã quan tâm đúng mức, tạo điều kiện cho họ thực hiện trọng trách với xã hội, thưa ông?
- Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo, hỗ trợ với báo chí thông qua việc ngày càng hoàn thiện các văn bản pháp luật, các chỉ thị, nghị định… về báo chí; đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ; xây dựng cơ sở vật chất cần thiết như toà soạn, nhà xưởng, hệ thống trang thiết bị và đặc biệt hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm báo chí. Đấy là những cái hỗ trợ rất cơ bản, tuy sự hỗ trợ này không phải nơi nào cũng giống nhau. Nhà nước cũng có các hoạt động khích lệ khác như, tổ chức Giải Báo chí quốc gia hàng năm để tôn vinh các nhà báo có các tác phẩm xuất sắc, hay Chính phủ cho phép thực hiện Đề án hỗ trợ tác phẳm báo chí chất lượng cao từ nhiều năm nay… Rõ ràng trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn, Đảng, Nhà nước vẫn dành sự quan tâm thiết thực đến báo chí, không để báo chí “tự bơi” hoàn toàn trong cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần tiếp tục được hoàn chỉnh, bổ sung. Có một sự bất cập đó là vẫn có nơi, có lúc coi cơ quan báo chí như một doanh nghiệp. Thế nên, những năm trước đây, nhiều các cơ quan báo chí phải nộp thuế tới 28%. Thời điểm tôi làm Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới đã cùng các đồng nghiệp lên tiếng về việc này. Không thể coi báo chí như một doanh nghiệp. Hiện nay, như tôi được biết, mức thuế với cơ quan báo chí còn lại khoảng 10%, theo tôi vẫn là cao. Tôi cho rằng, nếu có thu thuế cơ quan báo chí chỉ thu mức độ rất thấp, để báo chí có ý thức đóng góp cho xã hội. Đóng góp quan trọng nhất, cơ bản nhất của báo chí với đất nước là đáp ứng nhu cầu thông tin cho xã hội chứ không phải là nộp bao nhiêu tiền vào ngân sách.
Cần phải làm điều gì đó để tạo điều kiện cho các nhà báo yên tâm thực hiện trọng trách của mình với đất nước, xã hội thưa ông?
- Phải nhìn vấn đề một cách tổng thể chứ không chỉ giải quyết việc nọ việc kia ở từng cơ quan báo chí. Phải nhìn vào tính đặc thù của hoạt động cơ quan báo chí, từ nhiệm vụ xã hội giao cho nó, từ đó tạo cơ chế, chính sách phù hợp để báo chí làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đồng thời đủ điều kiện vật chất đảm bảo hoạt động tòa soạn bình thường, đời sống người làm báo được bảo đảm. Theo đó, có rất nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, cần rà soát quy hoạch hệ thống báo chí để tờ báo nào cần, tờ nào thực sự đứng được, chúng ta tạo điều kiện cho nó tiếp tục phát triển. Có thời điểm, chúng ta cho ra đời quá nhiều cơ quan báo chí dẫn đến sự lộn xộn rất đáng lo ngại. Đối với những tờ báo, trong thời gian dài làm không đúng tôn chỉ mục đích, thường xuyên có sai phạm thì cần xem xét cho sáp nhập hoặc giải thể. Tất nhiên, việc quy hoạch báo chí không hề đơn giản nên phải làm kỹ lưỡng với những bước đi phù hợp.
Vậy mỗi nhà báo nên làm thế nào để không bị cuốn theo vật chất tầm thường mà thực hiện khát vọng làm nghề?
- Nghề báo là một trong những nghề đặc biệt được xã hội tôn trọng, cao hơn nữa là quý trọng, đây là điều hết sức có ý nghĩa. Từng người làm báo ý thức điều này để trong quá trình tác nghiệp cần hành xử một cách đúng đắn. Tôi cho rằng, cuộc sống không bao giờ hết khó khăn nhưng nếu mình bỏ qua nguyên tắc hành nghề thì có thể nói mình đang phá bỏ nền tảng đứng chân để làm nghề. Trong bất cứ trường hợp nào, người làm báo vẫn phải đủ tỉnh táo để vượt mọi cám dỗ, mọi lôi kéo để giữ ngòi bút ngay thẳng. Không vin vào việc đời sống quá khó khăn để bào chữa, bao biện cho những việc làm sai.
Khi có sai phạm, không nên đổ mọi lỗi lầm cho người làm báo mà cơ quan báo chí cũng có trách nhiệm. Môi trường nào tạo ra con người ấy và sản phẩm báo chí tương ứng. Người đứng đầu, lãnh đạo tờ báo rất quan trọng, phải mẫu mực về nghề, chính họ sẽ tạo ra môi trường nghiệp vụ hoặc lành mạnh hoặc không lành mạnh, từ đó tác động đến hành xử của phóng viên. Trong cơ quan báo chí, người đứng đầu nghiêm cẩn, làm việc đúng đắn thì sẽ không có chỗ dung dưỡng cho các thói hư tật xấu, hành vi làm nghề sai trái. Nếu môi trường lộn xộn, nề nếp kỉ cương xộc xệch, bản thân lãnh đạo không gương mẫu, thì đây là nơi khởi nguồn, phát sinh những hành vi tiêu cực.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ai đáng tin cậy sẽ thắng trong cuộc đua thông tin Cạnh tranh thông tin là thách thức nhưng cũng là động lực để phát triển. Đây là thời điểm thử thách khả năng thích ứng của các cơ quan báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Nếu vẫn bằng lối làm báo cổ điển thì không thể tồn tại được. Phải nhận diện đúng mức đầy đủ thách thức, khó khăn để sẵn sàng đối mặt và tìm lối ra. Phải sử dụng công nghệ truyền thông mới, xây dựng tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí đa phương tiện. Như vậy, người làm báo phải nâng cao trình độ nghề nghiệp, sử dụng thuần thục các phương tiện công nghệ truyền thông. |