Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với ngư dân Việt Nam trong bất cứ trường hợp nào".
Người phát ngôn Lê Hải Bình
Hôm qua (15/10), trong họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Mỹ sẽ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng?
Người phát ngôn Lê Hải Bình nói: Chúng ta đều biết Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực này. Những đóng góp đó phải trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc năm 1982, Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nhằm tiến tới sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC).
Trả lời câu hỏi, ngày 29/9 vừa rồi một tàu cá của Quảng Ngãi bị một tàu Trung Quốc đâm vào, sau đó 5 người nhảy sang tàu này và lấy đi các thiết bị trên tàu và tôm cá đánh bắt được. Tàu cá này sau đó bị chìm, phản ứng của Việt Nam và các biện pháp bảo vệ các ngư dân? Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với ngư dân Việt Nam trong bất cứ trường hợp nào.
Chúng tôi cũng đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống từ bao đời nay của ngư dân Việt Nam”.
Người phát ngôn cũng nêu rõ: Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin mà phóng viên nêu. Nếu có việc tàu chấp pháp nước ngoài có các hành vi ngăn cản hoạt động bình thường và hợp pháp của ngư dân Việt Nam tại khu vực này, chúng tôi sẽ có phản ứng chính thức và phù hợp.
Trước câu hỏi chính quyền thành phố Tam Sa tiết lộ từ ngày 1/10 đã lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây trên các đảo có cư dân sinh sống, quân đồn trú ở các đảo này có thể truy cập internet tốc độ cao. Phản ứng của Việt Nam trước hành động này? Người phát ngôn khẳng định: Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là thành phố Tam Sa, dù dưới bất kỳ hình thức nào hay nhằm mục đích gì, những hoạt động của cái gọi là thành phố Tam Sa đều không có bất cứ cơ sở pháp lý nào và cũng không thay đổi được thực tế là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Về câu hỏi, phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan cho biết sẽ tăng cường sự hiện diện của cảnh sát biển và lực lượng tuần tra trên các đảo nhỏ ở Trường Sa, các hoạt động xây dựng ở Ba Bình như xây cảng và hải đăng? Người phát ngôn nêu rõ: Một lần nữa Việt Nam khẳng định có đầy đủ các căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy mọi việc làm của các bên tại quần đảo Trường Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam thì đều là không có giá trị pháp lý. Đồng thời mọi hoạt động của các bên tại quần đảo Trường Sa cũng như trên Biển Đông đều phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
*Cùng ngày 15/10, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2014 trong đó có đề cập đến tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
“Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.
Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Chính điều này đã tạo nên một đời sống tôn giáo, tín ngưỡng hết sức phong phú, sinh động ở Việt Nam.
Đáng tiếc, Báo cáo tự do Tôn giáo quốc tế 2014 của Hoa Kỳ, mặc dù đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này, vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”.
* Về vấn đề của nữ doanh nhân Hà Thúy Linh bị sát hại tại Trung Quốc, Người phát ngôn cho biết: Theo tin từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, cơ quan đại diện của ta đã tích cực trao đổi với các cơ quan chức năng của Trung Quốc, đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn tới đến cái chết của bà, đồng thời hỗ trợ gia đình của bà giải quyết hậu sự, và hoàn tất các thủ tục liên quan.
Các cơ quan chức năng Trung Quốc cho biết sau khi có kết luận chính thức về nguyên nhân tử vong trong vòng ba tuần các cơ quan chức năng Trung Quốc sẽ hoàn tất thủ tục để đưa thi hài nạn nhân về nước.