Ngày 2/11, tại Hà Nam, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam tổ chức hội thảo “Thông báo khảo cổ học toàn quốc” lần thứ 58.
Nhiều phát hiện khảo cổ học mới
Hội thảo đã nhận được 456 báo cáo, đề cập đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học như: Khảo cổ học Tiền sử, Khảo cổ học Sơ sử và Nhà nước sớm, Khảo cổ học Lịch sử, Khảo cổ học Champa - Óc Eo, Khảo cổ học Dưới nước… Khảo cổ học lịch sử tiếp tục có nhiều cuộc khai quật quy mô lớn ở Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình… Nhiều thông báo (đặc biệt là các cuộc khai quật lớn) được thực hiện công phu, nghiêm túc có nội dung phong phú. Đó là những tư liệu mới nhằm đi sâu nghiên cứu những vấn đề cơ bản của Khảo cổ học Việt Nam, góp phần nhận thức rõ hơn diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, quá trình phát triển con người Việt Nam.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, các phát hiện và kết quả nghiên cứu di tích, di vật và khảo cổ học góp phần khẳng định các giá trị của nền văn hóa, văn minh, văn hiến của dân tộc; cung cấp luận cứ khoa học và tư vấn chính sách cho việc xây dựng quy hoạch bảo vệ di sản, đánh giá giá trị và đề xuất ý kiến bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị di tích và các nguồn tài nguyên văn hóa Việt Nam còn ẩn dưới lòng đất.
Ông Nguyễn Anh Chức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam khẳng định, Hội thảo là nguồn tư liệu quan trọng, quý giá, khẳng định giá trị các nền văn hóa, văn minh, văn hiến của các cộng đồng cư dân cổ trên lãnh thổ Việt Nam. Góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế, xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Bảo tồn và phát huy giá trị
Mỗi năm hội nghị thông báo về phát hiện mới khảo cổ học diễn ra một lần. Mỗi báo cáo đều mới, nhưng vấn đề đặt ra là những phát hiện mới đó có giá trị như nào cho nhận thức khoa học? Khi đã phát hiện thì vấn đề bảo quản và phát huy những giá trị đó như thế nào? Đây là những vấn đề luôn được quan tâm.
Bên lề hội thảo, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQG Hà Nội cho rằng, có một điều đáng mừng, ở Việt Nam từ người dân cho đến các cấp chính quyền đều coi trọng các di chỉ khảo cổ. Bằng chứng là mỗi một phát hiện khảo cổ mới sẽ nhận được sự quan tâm rất đặc biệt từ trung ương đến địa phương. Nhưng vấn đề là chúng ta phát hiện nhiều như thế thì cần được xử lý thế nào, đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước hiện nay? Đó là câu hỏi lớn.
“Khi chúng ta khai quật lên thì di tích di chỉ và di vật hiện lên. Khi đó nó không còn nguyên trong lòng đất. Những hiện vật sẽ phải chịu tác động của các yếu tố bên ngoài nếu không biết bảo quản thì sẽ làm hỏng di tích khoa học. Chúng ta đang đối mặt những điều như vậy. Nhiều di tích không ai xâm hại nhưng thời gian, thời tiết… đã phá hoại. Để bảo tồn không chỉ là tiền bạc mà còn cả trí tuệ” - ông Giang trăn trở.
Vẫn theo ông Giang, để phát huy giá trị những khảo cổ học thì cần phải tìm cách để những hiện vật hấp dẫn thu hút người dân đến xem, chiêm ngưỡng. Quan trọng hơn là góp phần nâng cao nhận thức khoa học về giai đoạn văn hóa đó, về thời kỳ lịch sử đó. Từ đó phải có giải pháp để biến những di vật khảo cổ đó thành tài nguyên tạo ra những sản phẩm văn hóa mới đặc sắc.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường - Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến việc nhiều khảo cổ học có giá trị sau khi được phát hiện chưa có sự bảo vệ tốt và chưa phát huy được giá trị trong đời sống là do chưa được quan tâm, chú ý đúng mức. Khi khai quật rồi nhưng vấn đề tuyên truyền, bảo vệ như nào là vấn đề rất lớn. Muốn làm được điều đó cần phải có cả sự chung tay của Nhà nước và chính quyền địa phương.