“Trước đây khi nói đến giáo dục đặc biệt, chúng ta thường tập trung vào trẻ khuyết tật. Hiện nay, đối tượng đã được mở rộng đến trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt, bao gồm cả trẻ em tài năng, năng khiếu, trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Đó là những trẻ có nhu cầu khác với nhu cầu giáo dục phổ thông” - PGS TS Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết.
PGS.TS Phạm Minh Mục.
PV:Theo ông, nên hiểu giáo dục đặc biệt là như thế nào?
PGS.TS Phạm Minh Mục: Giáo dục đặc biệt là giáo dục theo tiếp cận cá nhân, phát huy năng lực cá nhân. Trong mỗi con người dù có khuyết tật nặng đi bao nhiêu chăng nữa thì họ vẫn có năng lực tiềm ẩn, họ vẫn có thể trở thành những công dân độc lập.
Về nguyên tắc giáo dục, chúng tôi muốn phát huy những điểm mạnh để khắc phục những điểm yếu của đứa trẻ, chứ không tập trung vào những hạn chế của đứa trẻ.
Được biết, Trung tâm có Phòng Thực nghiệm khoa học giáo dục đặc biệt. Ông có thể chia sẻ về hoạt động của Phòng Thực nghiệm này?
- Phòng Thực nghiệm khoa học giáo dục đặc biệt là nơi ứng dụng những thành quả ngiên cứu của chúng tôi để hỗ trợ trực tiếp cho các em, đồng thời cũng là nơi chúng tôi nâng cao năng lực cho chính đội ngũ của chúng tôi. Chúng tôi đã thực hiện trong nhiều năm. Tùy từng đối tượng có những hỗ trợ khác nhau, có những em chỉ trong thời gian ngắn có thể vượt qua khó khăn để hòa nhập, có những em cần thời gian dài hơn. Chúng tôi hỗ trợ cho tất cả các đối tượng từ khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ, ADHD và trẻ tự kỷ, trẻ có vấn đề về ngôn ngữ giao tiếp...
Khi trẻ đến, bao giờ chúng tôi cũng có đánh giá khả năng, nhu cầu của các em. Sau đó chúng tôi sẽ sử dụng kế hoạch cá nhân và xác định mục tiêu giáo dục cụ thể cho từng em và trên cơ sở mục tiêu giáo dục đó chúng tôi tổ chức các hoạt động giáo dục hỗ trợ các em. Chúng tôi cũng tư vấn cho gia đình làm thế nào để hỗ trợ các em tốt hơn và làm thế nào để hợp tác với chính chúng tôi để có thể giúp đỡ các em một cách tốt hơn.
Có ý kiến cho rằng hiện nay chúng ta dành sự quan tâm đến giáo dục phổ cập nhiều hơn là giáo dục cho các đối tượng đặc biệt, đặc thù. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Điều đó đúng. Tuy nhiên những năm gần đây, Đảng, Nhà nước cũng như ngành giáo dục và đào tạo đã quan tâm nhiều hơn đến những đối tượng có nhu cầu giáo dục đặc biệt.
Cụ thể, đối với những đối tượng có năng khiếu, học sinh tài năng thì Trung tâm chúng tôi nghiên cứu về phương pháp luận để tiếp cận các em và tiếp cận giáo dục, làm thế nào để các em phát huy hết năng lực, khả năng còn tiềm ẩn.
Với đối tượng khó khăn nhiều nhất là trẻ khuyết tật thì trong khoảng 5 năm trở lại đây, sau khi Luật về người khuyết tật ra đời, trẻ khuyết tật được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, chủ yếu ở đây mới là đầu tư về tinh thần. Trên thực tế, đầu tư về ngân sách, cơ sở vật chất, phát triển nguồn lực còn rất hạn chế.
Chú trọng phát triển trẻ em thành những công dân độc lập. Ảnh minh họa.
Từ kinh nghiệm nghiên cứu của mình, ông có mong muốn gì đối với các chính sách dành cho giáo dục đặc biệt?
- Trong hơn 40 năm nghiên cứu khoa học giáo dục đặc biệt, chúng tôi cố gắng khai thác các nguồn hỗ trợ từ những chương trình hợp tác quốc tế, từ những sự hỗ trợ của các tổ chức cá nhân ở trong và ngoài nước. Tại mục tiêu thiên niên kỷ toàn cầu tháng 6-2015 ở Inchon Hàn Quốc, giáo dục cho trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt là 1 trong 4 mục tiêu thiên niên kỷ.
Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới với hàng loạt chính sách ra đời, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH, Bộ GD-ĐT phải có mã ngân sách và có sự đầu tư thỏa đáng, vì đây là đối tượng đáng được xã hội quan tâm.
Chúng tôi tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện bằng các nguồn lực cụ thể để giúp các em hòa nhập cuộc sống, phát triển tối đa khả năng tiềm ẩn và mục tiêu cuối cùng là trở thành những công dân độc lập và có những đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!