Phim hoạt hình Việt Nam: Phá rào để thành công

Minh Quân 07/06/2016 09:00

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm Công ty TNHH MTV Hãng phim hoạt hình Việt Nam sản xuất khoảng 10 bộ phim. Nhưng hầu như các bộ phim cũng chỉ được chiếu vài ba lần trong các dịp lễ, Tết rồi “cất kho”. Tuy vậy, nếu như phim nhà nước vẫn đang luẩn quẩn, “biết thân, biết phận” thì nhờ sự “phá rào” cộng với những hỗ trợ về công nghệ, các bộ phim hoạt hình tư nhân thương hiệu Việt đã dần có được những cải thiện về trình độ khiến chính người xem ngỡ ngàng.

Phim hoạt hình Việt Nam: Phá rào để thành công

Bộ phim hoạt hình “Bông hoa Mặt trời” - “hàng hiếm” của điện ảnh nhà nước
gây ấn tượng với khán giả.

Phim của tư nhân thắng thế

Mới đây, nằm trong giải thưởng phim ngắn thuộc chương trình Lễ hội phim hoạt hình Việt Nam – Hàn Quốc, 4 bộ phim hoạt hình của Việt Nam tạo ấn tượng mạnh với các nhà làm phim đến từ Hàn Quốc. Trong đó 3/4 giải thưởng chính đều thuộc về các đơn vị tư nhân. Cụ thể, Giải Nhất chuyên nghiệp thuộc về Công ty phim hoạt hình Colory với bộ phim “Cuộc phiêu lưu của Trứng, Chanh và Ớt”, giải Nhì chuyên nghiệp thuộc về Hãng phim Hoạt hình Việt Nam với bộ phim “Bông hoa Mặt trời”; giải Nhất không chuyên thuộc về tác giả Nguyễn Thanh Tuyển với bộ phim “Cáo, gà và chuột”, giải Nhì không chuyên thuộc về tác giả Huỳnh Anh Kiệt với bộ phim “Bài hát của hoa trắng”.

Ông Nam Jin Kyu- Phó chủ tịch Hiệp hội sản xuất phim hoạt hình Hàn Quốc thừa nhận, với các tác phẩm như vậy thì tương lai hoạt hình Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển và vươn xa hơn nữa. Ở đó, các bộ phim hoạt hình của Việt Nam đã tạo nên bất ngờ những đề tài, chất liệu, cách thức, kỹ thuật rất đa dạng. Và dù mới dừng lại một cuộc thi nhỏ, giao lưu nhưng với kết quả trên không thể phủ định phim hoạt hình đang có nhiều chuyển biến khởi sắc.

Tuy nhiên, chính từ câu chuyên này cũng đang nảy sinh những bất cập ngay trong câu chuyện phát triển của phim hoạt hình Việt Nam. Ở khía cạnh khán giả, từ lâu nay có một thực tế các em nhỏ khi được hỏi đều đã quen thậm chí là nằm lòng với những bộ phim Tom & Jerry, Vịt Donald, chuột Mickey… hay như Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Lọ Lem, chú cá Nemo, Car… Trong khi, những ảnh của Cô Tấm, Thánh Gióng, Thạch Sanh, Sơn tinh – Thủy Tinh… thì không chỉ có em nhỏ biết đến và có thể hình dung mà ngay cả những người lớn cũng khó hình dung ra những nhân vật hoạt hình đó trên phim thay bằng những hình ảnh trong những cuốn truyện tranh đã được xuất bản. Và sự thật này càng được làm rõ khi nhiều năm qua các bộ phim hoạt hình Việt Nam vốn đã ít về số lượng, vẫn đang sản xuất cho đủ định mức. Đơn cử vào 2010, Bộ VHTT&DL đã triển khai đề án “Giáo dục truyền thống lịch sử yêu nước và cách mạng qua phim hoạt hình” kinh phí thực hiện lên đến 150 tỷ đồng. Đề án được thực hiện trong 10 năm từ năm 2010 – 2020, theo đó mỗi năm hãng phim hoạt hình Việt Nam sẽ sản xuất từ 5-6 phim hoạt hình về đề tài lịch sử. Mỗi phim có độ dài khoảng 10 phút, các đề tài được khai thác chẳng hạn như Giấc mơ loa thành, Âu Cơ, Lạc Long Quân, An Dương Vương… Nhưng dù đã thực hiện gần 6 năm thì thực tế đến nay chưa có bộ phim nào gây ấn tượng, lưu dấu trong lòng khán giả.

Chảy máu nhân tài?

Ở một góc độ khác, có hiện tượng một số người Việt “đầu quân” cho các hãng phim hoạt hình nước ngoài. Trong đó, với hàng loạt phim bom tấn của Hollywood thời gian vừa qua làm mưa làm gió trên toàn thế giới lại được xướng danh những cái tên Việt trong sản xuất như: Huy Nguyễn, Quân Trần, John Trương, Dennis Dương… Đây cũng chí là vấn đề mà chính những người làm quản lý phải “xấu hổ”. Theo đạo diễn trẻ Nguyễn Thanh Tuyển: “Thực tế, phim hoạt hình Việt Nam hiện đang có một nguồn lực rất mạnh, song vì sao với nguồn lực mạnh và khởi đầu rất thành công để lại nhiều dấu ấn trong thời gian qua hoạt hình Việt Nam vẫn còn hạn chế về số lượng, chưa phát triển được so với thế giới. Việt Nam hiện nay đang có một nguồn nhân lực làm phim hoạt hình trẻ, năng động, tài năng không thua kém gì thế giới, thậm chí họ còn chính là những người góp sức cho sự thành công của nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới”.

Có thể thấy chỉ với vài lý do đơn lẻ trên cũng đặt ra câu hỏi phim hoạt hình Việt Nam đang phát triển theo hình thức nào? Trong khi những nhà sản xuất phim nhà nước thấy phim không ra rạp hay lên truyền hình thì lại đổ lỗi là không được quan tâm. Tuy nhiên nếu xét ở tính thực tế đây là điều hoàn toàn phải chấp nhận. Bởi đã kinh doanh là phải có lợi nhuận, các rạp chiếu phim không thể bỏ tiền ra mua một tác phẩm rồi để thu về một khoản lỗ, các đài truyền hình ngoài những ngày đặc biệt dành cho thiếu nhi như 1-6, Trung Thu cũng còn cần phải kinh doanh quảng cáo thì mới có tiền mua phim chứ nếu không bán được quảng cáo thì lấy đâu tiền cho các chương trình truyền hình phát sóng 24/24h phục vụ công chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phim hoạt hình Việt Nam: Phá rào để thành công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO