Liên quan đến tình trạng quảng cáo không đúng sự thật trên mạng xã hội, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi ngắn với Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM.
PV: Thưa ông, thời gian qua liên tục xuất hiện tình trạng quảng cáo sai lệch trên các nền tảng xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng. Theo ông, làm sao để người tiêu dùng không bị sập bẫy?
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU: Với tốc độ lan truyền của hệ thống thông tin điện tử ngày nay thì chỉ cần một bài quảng cáo cũng đã thông tin đến hàng nghìn người dân. Trong đó, tùy theo mức độ uy tín của người đăng bài, số lượng người xem sử dụng sản phẩm cũng tỷ lệ thuận theo cấp số nhân. Vì thế nếu sản phẩm được quảng cáo là sản phẩm kém chất lượng lại càng gây nguy hại cho rất nhiều người khác, xâm phạm đến sức khỏe của người tiêu dùng. Trường hợp nghiêm trọng hơn là sản phẩm kém chất lượng được sử dụng rộng rãi dẫn đến trở thành sản phẩm mang tính đại chúng, được sản xuất nhiều hơn và người dùng cũng ngoảnh mặt làm ngơ đối với các tác dụng phụ mà sản phẩm có thể đem lại, tạo nên một vỏ bọc chất lượng mù quáng đối với sản phẩm.
Trước tình trạng bùng nổ thông tin trên không gian mạng, người tiêu dùng cần phải trang bị cho mình và người thân các kỹ năng nhận biết thế nào là quảng áo sai sự thật, quảng cáo gây nhầm lẫn. Một số biểu hiện mà các loại quảng cáo gây nhầm lẫn hiện nay có thể kể đến như sau: thông điệp quảng cáo có lời hoa mỹ, phóng đại hiệu quả của sản phẩm; thông tin quảng cáo thiếu rõ ràng, không đầy đủ hoặc thiếu chính xác; không cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm.
Hành vi quảng cáo sai sự thật, gian dối được xử lý như thế nào, thưa ông?
- Hành vi quảng cáo sản phẩm sai sự thật là một trong những hành vi bị quy định pháp luật nghiêm cấm thực hiện, cụ thể tại Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 quy định hành vi này bao gồm: “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”. Trong trường hợp áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xem xét xử phạt theo Nghị định số 38 ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Cụ thể, người nào thực hiện hành vi quảng cáo sản phẩm sai sự thật sẽ bị xử phạt theo Khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021 của Chính phủ với mức phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng khi quảng cáo sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng... Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin. Mặt khác, tùy vào tính đặc thù của sản phẩm được quảng cáo mà sẽ áp dụng các điều khoản xử phạt khác nhau.
Theo ông, mức xử phạt theo quy định hiện hành có đủ tính răn đe để lành mạnh hóa thị trường quảng cáo hay không?
- Mức xử phạt hành chính hiện nay đã tương đối phù hợp nếu đối chiếu với mức sống bình quân hiện tại của người lao động. Nếu không rút kinh nghiệm mà còn tái phạm thì người thực hiện hành vi sẽ thuộc trường hợp bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội quảng cáo gian dối” tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), với mức án là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Như vậy, quy định pháp luật đã xem xét về các khía cạnh xã hội, có sự liên kết rõ ràng giữa trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng các quy định này vào thực tế có đạt hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào công tác giám sát, quản lý của cơ quan chức năng đối với các trường hợp vi phạm. Các cơ quan cần phải thường xuyên lắng nghe phản ánh của người dân đối với các trường hợp vi phạm và có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc lan truyền thông tin quảng cáo về các sản phẩm kém chất lượng.
Trân trọng cảm ơn ông!