Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong việc huy động đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho đầu tư phát triển; đặc biệt là vốn ngoài nhà nước...
Năm 2017, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của Quảng Ninh ước đạt 10,2% thuộc nhóm tăng cao so với cả nước (6,7%). Ảnh: VnEconomy.
Với vị trí địa kinh tế, địa quốc phòng, Quảng Ninh được xác định là một cực tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng Sông Hồng, "cửa ngõ" thuận lợi nhất để vào thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Năm 2017, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt 60.600 tỷ đồng, tăng 10,1 % so với cùng kỳ, trong đó, vốn nhà nước 22.885,5 tỷ chiếm 37,8%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 12.045 tỷ chiếm 19,9%, riêng vốn ngoài nhà nước địa phương này đã thu hút được 25.666,5 tỷ chiếm 42,3% tổng số vốn đầu tư.
Giao thông đi trước mở đường
Theo đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" của Quảng Ninh, dự kiến, tổng quỹ đất dành cho hệ thống giao thông của tỉnh đến 2020 là trên 12.000 ha. Về nhu cầu đầu tư, giai đoạn 2011- 2020 cần gần 75.000 tỷ đồng và giai đoạn 2021 - 2030 là gần 40.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, đồng thời để chủ động trong quản lý, điều hành, thì việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là chủ trương lớn của tỉnh, đây là 1 trong 3 mũi đột phá chiến lược mà Quảng Ninh đã đề ra.
Những dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng đã và đang được đầu tư từ các nguồn lực xã hội, như đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.
Trong đó, đoạn Hải Phòng - Hạ Long đã được khởi công từ năm 2014, với 2 dự án thành phần là Dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư 7.600 tỷ đồng và dự án đường nối Tp.Hạ Long với cầu Bạch Đằng, được đầu tư bằng ngân sách tỉnh với tổng vốn là 6.400 tỷ đồng. Đoạn tuyến này sẽ được hoàn thành trong quý I/2018.
Tiếp đó là đoạn Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18, đoạn Hạ Long - Mông Dương được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư 10.062 tỷ đồng. Đoạn Vân Đồn - Móng Cái với chiều dài tuyến khoảng 91 km, tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư và được thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP)...
Không dừng lại trong phát triển giao thông đường bộ, dự án Cảng hàng không Quảng Ninh do Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 7.500 tỷ đồng dự kiến sẽ đưa vào hoạt đồng trong quí I/2018, đây là dự án được triển khai thực hiện theo hình thức PPP.
Về đường biển, Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) đã chính thức trở thành điểm trung chuyển trên tuyến hàng hải quốc tế ACS (Ấn Độ, tới Malaysia, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc) từ ngày 6/6/2017.
Tạo đà tăng trưởng kinh tế
Năm 2017, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của Quảng Ninh ước đạt 10,2% thuộc nhóm tăng cao so với cả nước (6,7%), qui mô nền kinh tế ước đạt 122.576 tỷ đồng (tăng 10,8%), thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.528 USD/năm, tăng 11,8% so với cùng kỳ.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2107, thu ngân sách từ dịch vụ ước đạt 4.498 tỷ đồng chiếm 16,3% tổng thu nội địa. Tổng doanh thu từ ngành du lịch ước đạt 17.885 tỷ đồng, thu ngân sách từ ngành này chiếm 7,62% tổng thu nội địa, tăng 30% so với cùng kỳ.
TS. Nguyễn Hữu Thủy - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh, nhận định, sự phát triển về hạ tầng giao thông của Quảng Ninh là 1 trong những yếu tố quyết định tạo nên sức hút các dòng vốn đầu tư.
Từ dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài như Texhong đầu tư vào ngành dệt may tại Hải Hà, Rent A Port... đầu tư vào logistics tại đầm Nhà Mạc, đến dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước như Vingroup, Sungroup, Tuần Châu, Bimgroup, FLC... đã và đang đầu tư hàng chục nghìn tỷ vào nhiều lĩnh vực từ bất động sản, du lịch, cảng biển, y tế, nông nghiệp... những dự án đã mang lại cho Quảng Ninh diện mạo mới, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách và tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội.
Năm 2018, tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu tăng, trưởng kinh tế từ 10,2-10,5%, thu ngân sách nội địa tăng 10%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10% so với năm 2017.
Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hướng trở thành 1 cực tăng trưởng động lực của tam giác kinh tế phía Bắc, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tập trung vào 3 mũi nhọn kinh tế, đó là du lịch - văn hóa cao cấp, dịch vụ hiện đại và công nghệ cao; trong thu hút các nguồn lực đầu tư sẽ dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.