Theo kế hoạch, từ ngày 25/5 đến ngày 5/6/2020, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu sẽ quay trở lại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và theo quy định (IUU). Sau lần này, nếu kết quả kiểm tra chưa đạt được như các khuyến nghị của EC, việc chúng ta gỡ được thẻ vàng là rất khó.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường châu Âu liên tục sụt giảm. Ảnh: Quang Vinh.
Vẫn còn hiện tượng tàu cá vi phạm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 2 đợt kiểm tra, Đoàn Thanh tra của EC (Ủy ban châu Âu) ghi nhận sự vào cuộc tích cực của Việt Nam từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, việc xây dựng hoàn thiện khung pháp lý bao gồm Luật Thủy sản bước đầu đã đi vào thực tiễn. Nỗ lực triển khai lắp đặt giám sát hành trình cho tàu cá theo khuyến nghị của EC, đưa hoạt động của tàu cá từng bước đi vào quy củ. Mặc dù vậy, các DN, tàu cá của Việt Nam vẫn phải có những nỗ lực hơn nữa vì theo như phản ánh của Đoàn Thanh tra EC, vẫn còn tình trạng tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Cụ thể, số liệu thống kê cho biết, năm 2019, vẫn có 138 vụ/220 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Theo lãnh đạo Bộ NNPTNT, lần này quay trở lại Việt Nam của Đoàn Kiểm tra của EC sẽ là lần có tính quyết định. Nếu đoàn kiểm tra vẫn tiếp tục phát hiện Việt Nam chưa khắc phục được những khuyến nghị trước đó thì nguy cơ rất lớn “thẻ vàng” sẽ bị chuyển thành “thẻ đỏ”. Nếu điều đó xảy ra, thực sự là một tin sốc cho ngành Thủy sản nước nhà bởi trong thời gian hơn hai năm qua, khi bị “án thẻ vàng”, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường châu Âu đã sụt giảm nặng nề.
Cụ thể, kể từ sau khi EC áp dụng “thẻ vàng” với hải sản xuất khẩu của Việt Nam, từ cuối năm 2017 đến nay, nhiều DN ngành thủy sản đã giảm dần kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU. Công ty TNHH Phillips Seafoods (Nha Trang), chuyên sản xuất các sản phẩm gia tăng từ ghẹ hiện đã không còn xuất khẩu sang EU, dù trước đó, thị trường này chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Công ty.). 2 năm qua, nhiều DN bị dừng đến 80% lô hàng xuất khẩu vào EU. Có thể thấy, tấm thẻ vàng IUU đã và đang gây ra những thiệt hại không nhỏ cho ngành thủy sản nước nhà.
Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản của Việt Nam, sau thẻ vàng EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng sụt giảm nặng nề. Ngoài ra, các DN cũng bị gia tăng chi phí khi 100% containers hàng hải sản xuất khẩu sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Đó là chưa kể uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khi xuất sang các thị trường khác.
Phải nỗ lực hơn nữa
Với tình hình như vậy, thực sự việc gỡ thẻ vàng, giành lại tấm thẻ xanh là vô cùng quan trọng đối với ngành thủy sản nước nhà. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại các địa phương việc thực hiện các quy định theo khuyến nghị của EC vẫn còn khá khó khăn. Tỉnh Quảng Ngãi có 3.351 tàu phải lắp thiết bị giám sát hành trình, nhưng đến nay mới chỉ có khoảng gần 280 tàu được lắp đặt thiết bị. Còn tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ lắp đặt còn thấp. Riêng tại TP. Đà Nẵng, hầu hết các tàu đều lắp thiết bị giám sát hành trình, nhưng số lượng tàu dài hơn 15m rất ít.
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là thời điểm Đoàn kiểm tra của EC sẽ quay trở lại, hai tháng tới là thời điểm “nước rút” để nhà quản lý, các DN thủy sản hoàn thiện những “lỗ hổng” chưa lấp đầy. Theo khuyến cáo của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, để có thể “thoát” án thẻ vàng, các địa phương chuẩn bị chu đáo, hiệu quả kế hoạch và nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 3. Ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Tập trung khắc phục các tồn tại trong công tác kiểm soát tàu cá ra - vào cảng, đảm bảo kiểm soát 100% sản lượng cập bến tại các cảng cá chỉ định và thu hồi 100% nhật ký khai thác của các tàu cá cập cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản xuất sang thị trường EU.