Mặc dù chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, song xuất khẩu hàng hóa bắt đầu khởi sắc kể từ sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, từ ngày 1/8/2020. Thực tế cho thấy, thị trường EU sẽ mở ra hàng loạt cơ hội cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Bóng ma” Covid-19 bao phủ toàn cầu, các quốc gia hạn chế giao thương khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu bị trì trệ. Những thị trường luôn được đánh giá là giàu tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Australia... cũng buộc phải hạn chế xuất nhập khẩu vì đại dịch hoành hành. Thực trạng này tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu của Việt Nam trong gần 1 năm qua. Nhiều ngành hàng xuất khẩu bị suy giảm mạnh.
Tuy nhiên, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 vừa qua đã mang đến cho xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam luồng sinh khí mới. Với số dân khoảng hơn 500 triệu người, thị trường châu Âu được coi là “mảnh đất màu mỡ” cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, sau 1 tháng có hiệu lực, Hiệp định đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt vào thị trường EU. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như: Nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử… đã có sự tăng trưởng tích cực.
Cùng với đó, từ ngày 1 - 31/8, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 cho các mặt hàng: Giày dép, thủy sản, cà phê, hàng dệt may, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan... với kim ngạch 277 triệu USD xuất khẩu tới 28 nước EU.
Những “tấm giấy thông hành” này đã và đang mở ra những cơ hội mới để hàng hóa của các DN Việt Nam có thể bước chân vào thị trường EU. Và như vậy, bất chấp dịch bệnh hoành hành, trong vòng hơn một tháng trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của chúng ta có những dấu hiệu khởi sắc.
Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho biết, nửa đầu tháng 8 vừa qua, xuất khẩu tôm sang EU đã đạt 29,4 triệu USD, tăng mạnh trở lại với 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính cả tháng 8 có thể tăng khoảng 20% so với cùng kỳ nhờ những cơ hội mà EVFTA mang lại cho ngành tôm. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, thời gian tới, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục tăng lên. Đặc biệt, lợi thế về thuế của mặt hàng tôm sẽ là yếu tố quan trọng để các nhà nhập khẩu của EU tìm tới nguồn cung của Việt Nam.
Đối với mặt hàng gạo, do được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA với thuế suất là 0%, trong một tháng vừa qua, giá xuất khẩu sản phẩm gạo của chúng ta đã tăng 80 - 200 USD/tấn so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Đơn cử như Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã có lô hàng 3.000 tấn gạo được ký kết với các đối tác ở Đức với giá trị xuất khẩu cao do thuế suất về 0%.
Không chỉ gạo, thủy sản, trái cây, rau củ quả, cà phê... của Việt Nam cũng là những sản phẩm được các đối tác châu Âu đánh giá cao. Ngành hàng này cũng được xếp vào top những sản phẩm sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Âu trong thời gian tới.
Mặc dù có những khởi sắc từ Hiệp định này, song giới chuyên gia kinh tế nhận định, EU là thị trường khó tính với những quy chuẩn khắt khe liên quan đến các vấn đề về chất lượng sản phẩm, xuất xứ hàng hóa.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cho rằng thị trường EU rộng lớn với 28 nước thành viên sẽ là mảnh đất dồi dào, giàu tiềm năng cho các DN Việt khai thác. Nhưng để sản phẩm hàng hóa của chúng ta đạt được những quy chuẩn không hề đơn giản. Những yêu cầu về vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm lâu nay luôn là vấn đề đau đầu đối với các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản, do phương thức sản xuất của chúng ta vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.
“Phương thức này nhất thiết phải thay đổi nếu chúng ta muốn hội nhập bền vững”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh và cho rằng, muốn chinh phục được thị trường EU, các DN Việt nhất định phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì chạy theo số lượng xuất khẩu như trước đây.
Xuất khẩu khẩu trang giảm mạnh
Số liệu thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan đưa ra cho thấy, trong tháng 8/2020, cả nước có trên 70 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với số lượng hơn 135 triệu chiếc, giảm 12% so với tháng 7, tương đương gần 19 triệu chiếc. Tháng 8 là tháng thứ hai liên tiếp (kể từ tháng 7 khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam), xuất khẩu mặt hàng này đi xuống. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 8, các DN nước ta đã xuất khẩu hơn 846 triệu chiếc khẩu trang y tế. Trong đó, tháng 6 đạt được số lượng xuất khẩu nhiều nhất với hơn 236 triệu chiếc khẩu trang. M.P.