Sắp xếp không phải để giảm biên chế

Thu Hương 15/11/2019 07:38

Liên quan đến vấn đề biên chế giáo viên, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây Bộ GDĐT cùng với Bộ Nội vụ sẽ xây dựng một nghị quyết tham mưu cho Chính phủ về biên chế giáo viên, đảm bảo hợp lý, có lộ trình, giảm cán bộ quản lý và phục vụ thực sự không cần thiết, còn đối với giáo viên thì tăng. Việc sắp xếp các cơ sở giáo dục phổ thông, đặc biệt là những trường liên cấp phải bảo đảm được những điều kiện về chất lượng, không phải để giảm biên chế.

Tích cực giải quyết bài toán biên chế

Trước sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tham gia giải trình, làm rõ, trả lời những vấn đề liên quan đến tuyển dụng giáo viên, sắp xếp cơ sở giáo dục phổ thông. Cụ thể, trong thời gian vừa qua, Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ đã có rất nhiều buổi làm việc với nhau, làm việc với các địa phương để giải quyết biên chế giáo viên, cũng như những vấn đề liên quan của nhiều năm để lại. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên đông, nhiều đặc điểm nghề nghiệp cho nên dẫn đến những vấn đề đặc thù cần phải lưu ý.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao quan điểm được Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu là tới đây sẽ có một loạt đổi mới về tuyển dụng, đặc biệt liên quan đến nâng hạng những tiêu chuẩn nghề nghiệp, có quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Thực tiễn cho thấy đối với giáo viên nói riêng, cũng như đối với công chức, viên chức, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng nghề nghiệp, tiêu chuẩn giáo viên.

Về sắp xếp lại hệ thống trường học, Bộ GDĐT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp các trường, lớp, các điểm trường lẻ, các trường phổ thông có nhiều cấp học.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, điều lệ về trường phổ thông có nhiều cấp học và mô hình trường có nhiều cấp học đã được pháp điển hoá. Ở mỗi cấp học, học sinh có tâm sinh lý khác nhau. Do vậy, khi sắp xếp phải tính toán đảm bảo được những yêu cầu về mặt chuyên môn sư phạm khoa học. Các trường hình thành qua con đường sáp nhập thì yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn quy định về kỹ thuật, về điều kiện.

Theo Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 04 của Chính phủ, các địa phương có thẩm quyền sắp xếp trên nhu cầu và điều kiện cụ thể. Việc sắp xếp cơ học sẽ dẫn đến không bảo đảm điều kiện cho dạy và học.

“Tới đây chúng tôi tiếp tục cùng với các địa phương hướng dẫn để làm sao công việc sắp xếp các trường, đặc biệt là những trường liên cấp phải bảo đảm được những điều kiện. Mục đích của việc sáp nhập này đảm bảo chất lượng, không phải để giảm biên chế”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết và nhấn mạnh, tới đây Bộ GDĐT cùng với Bộ Nội vụ sẽ xây dựng một nghị quyết tham mưu cho Chính phủ về biên chế giáo viên, đảm bảo hợp lý, có lộ trình, giảm cán bộ quản lý và phục vụ thực sự không cần thiết, còn đối với giáo viên thì tăng. Ví dụ, các định biên về giáo viên phải tính toán đến các vùng thành phố với các vùng miền núi có khác nhau, trên cơ sở đó, các địa phương có căn cứ sắp xếp, rà soát.

Vẫn trông chờ các địa phương?

Công văn số 5378 của Bộ Nội vụ mới đây đã nói rất rõ về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng trước ngày 31/12/2015 được nhiều người ví như đã thắp lên niềm hy vọng cho nhiều giáo viên hợp đồng bao năm bám trụ với nghề. Đến thời điểm này, một số địa phương đã bắt đầu triển khai rà soát theo đúng văn bản chỉ đạo.

Ngày 12/11, Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam đã có công văn gửi các Sở Nội vụ, Sở GDĐT và UBND các huyện, thành phố về việc tuyển dụng đặc biệt trên. Theo đó, tỉnh Hà Nam giao Sở Nội vụ chủ trì với Sở GDĐT, UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước và tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đủ tiêu chuẩn. Sở Nội vụ được yêu cầu tổng hợp, báo cáo kết quả lên UBND tỉnh trước ngày 17/11.

Ngày 13/11, UBND TP Buôn Ma Thuột đã có văn bản gửi hiệu trưởng các trường từ mầm non đến THCS công lập trên địa bàn thành phố về việc rà soát danh sách giáo viên hợp đồng trước ngày 31/12/2015 theo đúng chỉ đạo của Bộ Nội vụ.

Mặc dù trong công văn của Bộ Nội vụ đã chỉ rõ đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách cũng như hướng dẫn cụ thể sau khi đối với các địa phương đã thực hiện tuyển dụng đặc cách đối tượng như quy định và thực hiện tuyển dụng theo pháp luật về viên chức đủ số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, mà vẫn còn giáo viên hợp đồng lao động thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là đối những địa phương đã tổ chức thi rồi, ví dụ như Hà Nội đã có một số quận, huyện tổ chức thi tuyển viên chức giáo viên, thì hướng xử lý như thế nào? Ngày 17/11 tới, những giáo viên đã vượt qua vòng 1, trong đó có hàng trăm giáo viên hợp đồng sẽ tiếp tục thi vòng 2 có nằm ngoài diện đề cập của Công văn 5378?

“Tôi đề nghị Hà Nội phải nghiêm túc như thế. Bây giờ nếu đủ điều kiện, vấn đề này có ý kiến của Bộ Chính trị rồi, Thủ tướng đã chỉ đạo rồi cứ làm. Còn nếu trường hợp sau khi tuyển dụng mà còn thiếu nữa thì chúng ta thực hiện tuyển dụng không qua thi hoặc thi tuyển theo đúng tinh thần Nghị định số 161, trường hợp còn dôi dư chúng ta phải giải quyết theo chế độ”- Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Nhu cầu tuyển dụng ở mỗi địa phương khác nhau, hệ số dôi dư giáo viên mỗi nơi cũng khác, nên muốn thực hiện vấn đề này, cần có sự khảo sát, đánh giá đúng về con số, về nhu cầu giáo viên, số biên chế và số lượng giáo viên hợp đồng hiện có của từng cơ sở. Con số này phải rất chính xác, tính đúng tính đủ và dự báo nhu cầu trong cả những năm tới để có hướng tuyển dụng phù hợp.

Trong thời gian tới, để thực hiện quy định này, các địa phương vẫn cần có văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Nội vụ để thực hiện xét tuyển đặc cách, đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên hợp đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sắp xếp không phải để giảm biên chế