Năm 2018, theo Nghị quyết của Quốc hội, ngành tài chính được giao dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) là 1.319,2 nghìn tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 1.523,2 nghìn tỷ đồng, dự toán bội chi NSNN là 204 nghìn tỷ đồng.
Dự báo tình hình sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức cả từ môi trường quốc tế và nội tại của nền kinh tế. Do đó việc siết chặt kỷ cương tài chính là vấn đề đang được đặt lên.
Năm 2018 là năm thứ 3 chúng ta thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; năm đầu tiên thực hiện kế hoạch tài chính trung hạn 2018-2020. Do đó việc ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là mục tiêu được đặt ra vào thời điểm hiện tại.
Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính, NSNN năm 2018, Bộ Tài chính đưa ra mục tiêu tập trung thực hiện 9 vấn đề như: Điều hành chính sách tài khóa thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quyết liệt công tác thu ngân sách, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để phấn đấu tổng số thu NSNN năm 2018 là 1.319,2 ngàn tỷ đồng; tổng số chi NSNN là 1.523,2 ngàn tỷ đồng; mức bội chi NSNN là 204 ngàn tỷ đồng, Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu, thực hiện thu, chi theo đúng dự toán, siết chặt kỷ luật tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên như khoán xe công, giảm hội họp, đi công tác nước ngoài. Cùng với việc điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng cho đối tượng do NSNN bảo đảm và trợ cấp ưu đãi người có công cũng được điều chỉnh tăng bằng mức tăng lương cơ sở.
Đặc biệt, Nghị quyết đề nghị Chính phủ cần điều hành thận trọng chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, siết chặt kỷ luật tài chính-ngân sách, chấp hành dự toán NSNN đúng quy định của pháp luật.
Nhìn lại bối cảnh năm 2017, dẫu ngành tài chính đã thu ngân sách vượt dự toán nhưng số vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, phí và lệ phí. Thu từ khu vực FDI và khu vực ngoài quốc doanh tuy có mức tăng trưởng khá so với năm 2016 nhưng vẫn không đạt dự toán chủ yếu do dự toán giao ở mức cao. Thu ngân sách Trung ương vẫn còn khó khăn, hạn chế; một số địa phương thu đạt thấp, khó khăn trong cân đối ngân sách địa phương.
Chính vì vậy đưa ra mục tiêu trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, về thu NSNN, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng làm nền tảng tăng thu nội địa. Đối với các thành phố lớn đã được giao cơ chế tài chính đặc thù, đề nghị triển khai nghiêm túc để nhanh chóng phát triển các địa bàn này thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Tăng cường quản lý thu, hoàn thiện chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, hạn chế tối đa các chính sách miễn giảm, giãn thuế, tạo chuyển biến rõ nét trong chống thất thu thông qua triển khai hoá đơn điện tử. Xử lý và ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, quản lý chặt chẽ việc xác định giá tính thuế, phát hiện, ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế, tăng cường thu từ khu vực kinh tế phi chính thức, quyết tâm hoàn thành vượt dự toán thu NSNN năm 2018.
Về chi NSNN, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cần khẩn trương phân bổ ngay và hết dự toán năm 2018 được giao từ đầu năm theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý NSNN. Tiết kiệm các khoản chi thường xuyên gắn với việc thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả theo Nghị quyết 18 của Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết sẽ tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII). Tập trung triển khai sắp xếp doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thuộc diện nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không cần nắm giữ cổ phần chi phối; hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ cho rằng, năm 2018 do mở cửa hội nhập, cắt giảm thuế thì thu ngân sách cũng chịu tác động trong điều kiện chi ngân sách chưa được cải thiện. Nếu điều hành không tốt, thu không đạt nhưng chi vẫn như vậy thì nguy cơ bội chi làm gia tăng nợ công rất lớn trong bối cảnh tái cơ cấu ngân sách chưa mạnh mẽ, chưa cắt giảm được chi thường xuyên để có nguồn tăng chi đầu tư phát triển và trả nợ thì duy trì bội chi và mức nợ công gia tăng trong năm 2018 là vấn đề thực tế.
Do đó, theo ông Thụ, Chính phủ nên tập trung đối với chính sách tài khóa trong bối cảnh bội chi và nợ công. Đặc biệt chính sách tài khóa cần sự điều hành chặt chẽ, chặt tay. Nếu buông lỏng, kỷ luật tài chính không nghiêm, chi ngân sách vượt trong điều kiện nguồn thu không ổn định trong bối cảnh cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng thì có nguy cơ đe dọa an ninh tài khóa. Vì vậy chính sách tài khóa phải chặt chẽ, duy trì nợ công ở mức cho phép theo hướng điều hành thu chi ở mức có hiệu quả triệt để tiết kiệm hạn chế mua sắm không cần thiết như xây trụ sở, lễ tiết, mua sắm ô tô, và cần có cơ chế khoán để tiết kiệm cho Nhà nước.