Mặc dù đã ban hành chính sách khá đồng bộ và đầy đủ, tuy nhiên đánh giá về công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, việc quản lý lao động nước ngoài vẫn tồn tại không ít bất cập.
Trong đó nổi lên là lao động nước ngoài “chui” nhập cảnh dưới hình thức đi du lịch, nhưng sau đó ở lại làm việc không phép.
Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngày một nhiều.
Nhằm thu hút nguồn nhân lực nước ngoài có chất lượng cũng như tạo điều kiện cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, các văn bản pháp luật quy định việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ theo hướng chủ động và tăng cường quản lý.
Bên cạnh đó các bộ, ngành đã tích cực xây dựng các văn bản chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Tuy nhiên theo Bộ LĐTBXH, việc quản lý lao động nước ngoài vẫn tồn tại không ít bất cập. Đơn cử như cách xác định người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam vẫn còn chưa thống nhất giữa Bộ Công an và Bộ LĐTBXH.
Trong khi bên công an xác định người nước ngoài khi đến Việt Nam làm việc chỉ cần có giấy bảo lãnh của đơn vị, doanh nghiệp sẽ được xác định là lao động nước ngoài thì Bộ LĐTBXH xác nhận người nước ngoài làm việc ở Việt Nam được xem hợp pháp khi đã có hợp đồng lao động giữa người lao động và đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động.
Trên cơ sở này, mới cấp giấy phép lao động và chỉ khi có giấy phép này, lao động nước ngoài mới chính thức được phép làm việc trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Thống kê từ Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cho thấy, năm 2008 có 52.633 người, năm 2016 có 82.585 người, và đầu năm 2018 có khoảng 84.000 người là lao động nước ngoài thì số lượng lao động nước ngoài sẽ tăng nhiều hơn nữa.
Trước thực trạng trên, nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài, hướng tới mục tiêu tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó định hướng tại Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam tới đây là sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới nhằm giải quyết những vướng mắc và bất cập, thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giảm bớt thủ tục hành chính để phù hợp hơn với các công ước quốc tế và các hiệp định và Việt Nam là thành viên như CPTPP. Theo đó để quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, quy định là các lao động phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, sức khỏe, không vi phạm pháp luật của Việt Nam và nước ngoài…
Đặc biệt nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra người lao động nước ngoài không được ký hợp đồng thử việc; bổ sung một số trường hợp vào Việt Nam làm việc không thuộc diện cấp giấy phép lao động; thời hạn của giấy phép lao động là không quá 2 năm và chỉ được gia hạn 1 lần và thời hạn không quá 2 năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định...
Nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ông Lê Quang Trung- Phó Cục trưởng Cục việc làm, Bộ LĐTBXH cho biết, sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến người lao động nước ngoài, đặc biệt đối với ngoài lao động nước ngoài làm việc trong các nhà thầu. Đồng thời chỉ đạo các địa phương công khai việc tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển lao động nước ngoài...