Tới thời điểm này, nhiều tàu cá vỏ thép của ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đang bị ngân hàng thi hành án, xử lý tài sản để thu hồi nợ. Nguyên nhân chính do tàu vỏ thép hoạt động kém hiệu quả dẫn tới thua lỗ, nợ nần. Trước tình cảnh này, nhiều ngư dân và địa phương yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) kiến nghị Chính phủ “giải cứu”.
Những con tàu vỏ thép bị đấu giá
Theo thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 62 tàu cá đóng theo nguồn vốn vay theo Nghị định 67 (NĐ67), với tổng vốn đầu tư hơn 387 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 80% số tàu cá hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân chính là do nguồn lợi thủy sản gần bờ cạn kiệt, giá nhiên liệu leo thang, giá thủy sản lao dốc, tàu gặp sự cố… Đến thời điểm này, các ngân hàng cho vay vốn đã xử lý xong nợ xấu đối với 7 tàu cá đóng theo NĐ67.
Điển hình như, tàu vỏ thép QNg 90999 TS của ngư dân Võ Văn Hân (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) được ngân hàng hỗ trợ cho vay đóng mới theo NĐ67. Thế nhưng, vì làm ăn liên tục thua lỗ, ông Hân không trả được nợ vay ngân hàng nên bị ngân hàng kiện ra tòa và phải đem bán đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, ông Hân không phải là trường hợp cá biệt.
Trong khi đó, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: Đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 20 chiếc tàu vỏ thép đóng theo NĐ67 bị ngân hàng khởi kiện ra tòa. Nguyên nhân là do việc làm ăn của ngư dân gặp nhiều khó khăn, việc vận hành con tàu vỏ thép phải trả chi phí tăng cao; sản lượng đánh bắt hải sản ngư dân thấp dẫn đến không đảm bảo doanh thu, không thực hiện đúng lộ trình trả vốn cho ngân hàng đúng thời hạn.
Ông Trần Châu Giang - Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Duy Xuyên cho biết, đến nay trên địa bàn huyện có 7 chiếc đã bị thanh lý. Về nguyên tắc là hợp đồng giữa ngân hàng với ngư dân, nếu bên nào không thực hiện đúng thì đành phải đưa ra tòa xử lý. Trước đây địa phương cũng kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị ngân hàng hỗ trợ giãn nợ để ngư dân tiếp tục hoạt động, trả dần từng bước nhưng sau này hoạt động không hiệu quả nữa thì ngư dân đành bỏ tàu nằm bờ rồi bị ngân hàng thanh lý.
Có thể nêu trường hợp của ông Lương Văn Quang (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên): Năm 2017, tàu vỏ thép QNa 93859 TS, công suất 814 CV của ông ra đời, nhưng đánh bắt không hiệu quả dẫn đến thua lỗ nặng. “Dù lỗ tôi vẫn tiếp tục vay mượn tiền sửa chữa lại tàu vỏ thép để chuyển từ nghề lưới rê sang cách đánh bắt khác. Thế nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh, đánh bắt rất khó khăn khiến tôi mất khả năng trả lãi và tiền gốc cho ngân hàng, bị kiện ra tòa án để họ tịch thu tài sản con tàu này”.
Đó cũng là hoàn cảnh của nhiều ngư dân có tàu vỏ thép khác.
Kiến nghị “giải cứu”
Vậy đâu là giải pháp để cứu các con tàu vỏ thép này? Theo ông Trần Văn Liên - chủ tàu cá vỏ thép QNa 94679 TS thì chỉ có một cách là ngân hàng khoanh nợ, tiếp tục cho ngư dân vay vốn để đóng tàu mới hoặc hoàn thiện tàu để ra khơi làm ăn và trả nợ.
Còn ông Phạm Trí Thức - chủ tàu QNg 91999 TS cho rằng: “Nếu không xóa nợ thì cũng tạo điều kiện để chúng tôi vươn khơi làm ăn sinh sống mà trả nợ, chứ mất tàu, thậm chí mất nhà, mưu sinh bằng gì và lấy gì mà trả nợ. Con tàu trị giá mười mấy tỷ đồng mà bán đấu giá như sắt vụn có 1 đến 2 tỷ đồng thì quá lãng phí. Chính phủ cần xem xét nguyên nhân nào đưa ngư dân vào cảnh này mà giúp đỡ để bà con có tàu vươn khơi bám biển”.
Ông Nguyễn Văn Mười - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong thời gian qua, tỉnh cũng đã báo cáo tình hình sản xuất tàu vỏ thép cho Bộ NNPTNT. Kiến nghị Bộ tham mưu Chính phủ có cơ chế xử lý rủi ro, hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại cho chủ tàu vay, xử lý dứt điểm tàu làm ăn không hiệu quả. Nếu để dây dưa, chất lượng tàu càng xuống thấp, giá trị ngày càng thấp đi.
Còn ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho rằng, đối với các trường hợp chủ tàu không đủ năng lực để hoạt động khai thác, có nhu cầu chuyển nhượng lại tàu thì Ban chỉ đạo 67 tỉnh phối hợp với các ngân hàng thương mại, các ngành liên quan và các địa phương ven biển rà soát, thông báo cho ngư dân tại địa phương, giới thiệu cho các ngư dân có nhu cầu nhận tàu, nhận nợ theo quy định liên hệ với các ngân hàng thương mại để thỏa thuận nhận chuyển nhượng tàu cá.
Đồng thời, phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức vận hành, khai thác thủy sản của tàu cá vỏ thép và vật liệu mới cho ngư dân; kiểm tra, giám sát thường xuyên để yêu cầu các chủ tàu cá thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình duy tu bảo dưỡng tàu cá vỏ thép.
Tại Quảng Ngãi, trước khó khăn của ngư dân có tàu vỏ thép, ông Võ Phiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đã có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế xử lý rủi ro đặc thù riêng cho vay theo NĐ67 để áp dụng chung cho toàn hệ thống ngân hàng, vì nếu càng để lâu thì tài sản bảo đảm là chính con tàu càng xuống cấp và hư hỏng, càng gây thiệt hại cho cả ngân hàng và chủ tàu mà nợ vẫn không trả được và hỗ trợ ngân sách xử lý rủi ro cho các ngân hàng thương mại đã dùng nguồn vốn tự huy động để cho vay theo NĐ67.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho rằng, những vấn đề liên quan đến tàu vỏ thép thì không riêng gì Quảng Nam mà nhiều tỉnh khác cũng gặp khó khăn. Vì vậy cần sớm có chủ trương giải quyết thống nhất. Tàu cá nói chung và tàu vỏ thép nói riêng, vươn khơi không chỉ đơn thuần là mưu sinh của ngư dân mà còn góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Do đó, ngư dân cần tiếp tục được hỗ trợ các điều kiện để ra khơi, bám biển.