Tăng lương cơ sở từ 1/7, không để giá hàng hóa 'té nước theo mưa'

Văn Thanh 23/06/2023 14:27

Từ 1/7, lương cơ sở chính thức tăng thêm 20,8%, từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Một số quan điểm lo ngại, việc lương cơ sở tăng sẽ khiến mặt bằng giá cả tăng theo.

Ảnh: Bộ Công Thương
Việc điều hành giá phải tiến hành thận trọng để giữ lạm phát năm 2023 theo mục tiêu đề ra. Ảnh: Bộ Công Thương.

Áp lực tăng giá

Từ ngày 1/7, lương cơ sở chính thức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%). Thêm nữa, tại thị trường trong nước, dù giá cả đang hạ nhiệt, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát, thế nhưng giá xăng dầu, giá điện tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng; giá thực phẩm dự báo tăng... là các yếu tố gây áp lực lên lạm phát cuối năm.

Việc tăng lương cơ sở thời gian tới cùng với những áp lực lạm phát dẫn đến một số quan điểm lo ngại, giá cả thị trường cũng sẽ tăng theo.

Hiện, trên thị trường, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng nhẹ do sản xuất chăn nuôi cả nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Giá nguyên liệu đầu vào, thức ăn chăn nuôi biến động mạnh theo giá thế giới cùng với nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi có tác động lớn đến hoạt động chăn nuôi lợn. Ngoài ra, giá rau, củ, quả có xu hướng tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài, bất lợi cho hoạt động sản xuất trồng trọt của người dân.

Việc điều hành giá là điều cần thiết nhưng phải tiến hành thận trọng để giữ lạm phát năm 2023 theo mục tiêu đề ra.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát Chỉ số Giá tiêu dùng của Việt Nam đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, từ mức 2,8% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 4, xuống mức hơn 2,4% trong tháng 5, do giá năng lượng toàn cầu và chi phí vận tải trong nước giảm.

Tuy lạm phát cơ bản vẫn còn ở mức khá cao (4,5% trong tháng 5), nhưng đã gần như ngang bằng với mức 4,6% trong tháng 4.

Đầu tháng 6/2023, sau phiên họp trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, khi lạm phát đang giảm dần, cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng, song vẫn nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Xây dựng kịch bản để chặn giá hàng hóa "té nước theo mưa"

Liên quan đến vấn đề điều hành giá cả thị trường, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, với điều hành giá, các biện pháp phải rất uyển chuyển, phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường, đáp ứng được quan hệ cung - cầu…

“Chúng ta phải nắm bắt thị trường để có những giải pháp, kịch bản để điều hành cho uyển chuyển và đáp ứng được yêu cầu, đạt được mục tiêu Quốc hội giao”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái là Trưởng Ban, Bộ Tài chính là cơ quan thường trực, thường xuyên tổ chức những cuộc họp để đưa ra kịch bản điều hành giá.

Bộ Tài chính cũng chủ trì, báo cáo Ban Chỉ đạo chủ động những tình huống, kế hoạch sẽ triển khai trong quá trình điều hành giá thời gian tới, đặc biệt tính toán kỹ lưỡng về việc tăng lương cũng như lộ trình tăng nhiều yếu tố khác để ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Quản lý thẩm định giá - Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan chức năng đã xây dựng kịch bản cho những tình huống có thể xảy ra trong quá trình điều hành giá như tăng lương và một số tình huống khác trong thời gian sắp tới.

Đơn vị này cũng đã tính toán rất kỹ để cuối năm 2023 lạm phát không vượt quá 4,5% chỉ tiêu do Quốc hội giao.

Cụ thể, Bộ Tài chính đưa ra kịch bản tập trung chỉ đạo vào các nhóm nội dung cụ thể bao gồm bám sát diễn biến thị trường, giá cả, đảm bảo kiểm soát theo đúng mục tiêu lạm phát Quốc hội đề ra; đặc biệt chú ý đến những mặt hàng chiến lược, có ảnh hưởng lớn như xăng dầu.

Nắm bắt tình hình cung cầu và những công việc khác trong quá trình thực hiện bình ổn giá. Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ, bởi vì đây cũng một công cụ trong điều hành giá của Nhà nước.

Theo dõi sát sao hoạt động kê khai, thông báo giá và kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong việc quản lý giá để tránh tình trạng xảy ra hiện tượng găm hàng, đầu cơ tăng giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, bên cạnh các kịch bản trên, khi tiến hành tăng lương cơ sở cần đẩy mạnh công tác truyền thông tâm lý cho người dân. “Cùng với các giải pháp chung về kiểm soát mặt bằng giá, một giải pháp cần làm tốt là tăng cường công tác truyền thông để giải quyết vấn đề tâm lý của xã hội, người dân khi thời điểm tăng lương cơ sở đã cận kề”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tâm lý của người dân bị ảnh hưởng càng nhỏ càng tốt, nếu không bị ảnh hưởng thì các giải pháp về kiểm soát giá nêu trên sẽ phát huy tác dụng, giá cả ổn định, hướng tới những mục tiêu đề ra.

Quốc hội vừa thông qua Luật Giá (sửa đổi) và chính thức có hiệu lực từ 1/7/2024. Luật Giá (sửa đổi) quy định, bình ổn giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp theo quy định của luật này nhằm ổn định giá hàng hóa, dịch vụ khi giá biến động bất thường về giá trong một khoảng thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, Luật Giá cũng sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ.

Cấm lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi;...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng lương cơ sở từ 1/7, không để giá hàng hóa 'té nước theo mưa'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO