Bộ GD&ĐT vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Theo đó có 4 nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này, hướng tới tạo điều kiện có lợi hơn cho người học. Theo đánh giá của dư luận, đây là những đề xuất mang tính đột phá của Bộ GD&ĐT.
Tăng lương cho nhà giáo là vấn đề được quan tâm từ lâu.
Đề xuất miễn học phí bậc THCS
Theo Tờ trình, tại Khoản 1 điều 105 Luật Giáo dục hiện hành quy định học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí. Tuy nhiên, bậc tiểu học và THCS là giai đoạn giáo dục cơ bản, bậc THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Vì vậy ở dự thảo này, Bộ GD&ĐT đề xuất mở rộng đối tượng miễn học phí tới cấp THCS ở trường công lập. Đưa ra điều chỉnh quan trọng này, Bộ GD&ĐT nêu rõ: Căn cứ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng. Vì vậy, phải có cơ chế thích hợp để thực hiện phổ cập giáo dục. Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. HĐND cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND cùng cấp. Riêng cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Cùng với đề xuất miễn học phí cho tới hết bậc THCS, dự thảo Luật cũng đưa ra một đề xuất đáng chú ý khác là sẽ sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Theo đó, giáo dục phổ thông sẽ được chia thành hai giai đoạn gồm: Giai đoạn giáo dục cơ bản (Tiểu học và THCS); giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT). Trong đó, giáo dục tiểu học gồm từ lớp 1 đến hết lớp 5, giáo dục THCS từ lớp 6 đến hết lớp 9. Học sinh vào học lớp 6 phải hoàn thành chương trình tiểu học, tương đương 11 tuổi. Sau khi hoàn thành chương trình giáo dục THCS, học sinh có thể học tiếp lên THPT hoặc các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp. Giáo dục THPT thực hiện trong 3 năm từ lớp 10 đến hết lớp 12. Đặc biệt, trong thời gian học THPT, học sinh có thể chuyển ngang học chương trình đào tạo trung cấp nếu đáp ứng được yêu cầu.
Tăng lương cho nhà giáo
Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Bộ GD&ĐT cho rằng cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề lương giáo viên và thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật Giáo dục.
Cụ thể, theo Bộ GD&ĐT, việc sửa đổi, bổ sung điều 81 về tiền lương của nhà giáo nhằm thể chế hóa khoản 6 mục 3 phần B Nghị quyết 29 trong việc xác định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Việc đánh giá tác động đối với chính sách này đã được thực hiện khi Bộ GD&ĐT trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề còn có ý kiến khác nhau nên Bộ G&ĐT muốn xin ý kiến của Chính phủ.
Về vấn đề lương giáo viên là câu chuyện đã được đề cập tới từ lâu, nhưng tại kỳ họp Quốc hội lần này câu chuyện lương của giáo viên nóng hơn bao giờ hết. Không chỉ nóng tại nghị trường, lương nhà giáo đang là mối quan tâm của người làm nghề và dư luận xã hội. Bởi từ lâu rồi câu hỏi: Bao giờ nhà giáo sống được bằng lương- vẫn là trông đợi. Song nhiều băn khoăn cũng được đặt ra là tăng lương cho giáo viên từ nguồn nào khi mà ngân sách dành cho giáo dục vào khoảng 20% so với tổng chi của ngân sách nhà nước. Đại diện Bộ GD&ĐT cho hay một trong 5 giải pháp chiến lược mà Bộ GD&ĐT đưa ra là trong năm 2017 quyết liệt rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách đối với đội ngũ nhà giáo.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Văn Vịnh- nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, việc nâng bậc lương cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay đang dẫn đến hiện tượng cào bằng, đến hẹn lại lên. Nguyên nhân của vấn đề này là do việc nâng bậc lương chủ yếu dựa vào thâm niên công tác, chưa chú trọng kết quả công việc. Trên cơ sở sửa luật, quy định bất cập này cần được giải quyết thỏa đáng. Ủng hộ việc nâng lương cho giáo viên, nhưng GS Đào Trọng Thi cũng đưa quan điểm, cần phải có một đề án nghiên cứu tỉ mỉ từ nhiều phía, nhiều góc cạnh thì mới thuyết phục được việc nâng lương giáo viên.
Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung điều 29 trong Luật Giáo dục hiện hành về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa (SGK), đưa vào nội dung “một chương trình nhiều SGK”. Mục tiêu sửa đổi, bổ sung quy định của Luật về chương trình giáo dục phổ thông, SGK nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, SGK mới theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa, xã hội hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông áp dụng thống nhất trong cả nước và việc tổ chức thực hiện bảo đảm tính linh hoạt. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức biên soạn 1 bộ SGK. Bên cạnh đó, các tổ chức cá nhân khác cũng có thể biên soạn SGK. Các bộ SGK được viết theo chương trình thống nhất và đảm bảo các nguyên tắc, tiêu chí đã đề ra, được Bộ GD&ĐT thẩm định trước khi lưu hành.
Theo TS Nguyễn Hiếu Triển, ở bậc học phổ thông của nhiều nước trên thế giới, việc có một chương trình, nhiều bộ SGK đã được áp dụng từ lâu. Do đó, trong chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai tới đây, nên để cho giáo viên (nhà trường) tùy chọn bộ SGK thích hợp. Điều quan trọng là dựa trên chương trình khung thống nhất của Bộ GD&ĐT. Giáo dục theo hướng mở, linh hoạt sẽ khuyến khích sáng tạo, sự tham gia của cả người dạy và người học.
Cùng với đó, dự thảo sửa Luật Giáo dục lần này cũng không đề cập tới việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT như những đóng góp từ chuyên gia và dư luận xã hội thời gian qua.
Các trường ĐH quyết định mức học phí Bộ GD&ĐT cũng vừa công bố dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH) để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ. Theo dự thảo, sẽ có 36 điều thuộc 10 chương trên tổng số 73 điều, 12 chương của Luật GD ĐH sẽ được sửa đổi nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ GD ĐH. Trên cơ sở đó, các cơ sở GD ĐH được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh. |