Tăng sức cạnh tranh cho dệt may

Nhật Minh 30/12/2016 13:30

Dự báo nhiều lĩnh vực sẽ đối diện không ít khó khăn khi Mỹ rút chân khỏi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), song nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may cho rằng, xuất khẩu vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Đặc biệt, dù Mỹ không tham gia TPP, nhưng không phải cơ hội xuất khẩu vào thị trường này đã hết.

Tăng sức cạnh tranh cho dệt may

Ảnh minh họa.

Trong số các thị trường nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam, Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ luôn chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Chỉ tính đến tháng 10/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 19,682 tỷ USD tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, chỉ riêng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đã đạt con số 9,476 tỷ USD.

Con số này sẽ còn nhiều cơ hội để gia tăng nếu như TPP được ký kết, vì khi đó, thuế nhiều mặt hàng trong đó có dệt may sẽ về 0%. Lâu nay, đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế, ngành dệt may vẫn luôn được đánh giá là ngành được hưởng lợi lớn nhất nếu TPP được ký kết.

Dự báo, có TPP, kim ngạch xuất khẩu dệt may dự kiến có thể tăng 30-40% ngay trong năm đầu tiên Hiệp định này có hiệu lực, và sau khoảng 3-4 năm kim ngạch sẽ tăng gấp đôi.

Tuy nhiên, việc Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi TPP thực sự là một cú sốc khá lớn đối với ngành dệt may. Theo ước tính của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), sự tác động của việc Mỹ rút khỏi TPP ít nhiều khiến cho tăng trưởng của ngành này sụt giảm trong năm 2017.

Theo đó, dự kiến nếu không có chính sách đột phá, cụ thể là các chính sách hỗ trợ ngành dệt may thì kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2017 của ngành sẽ chỉ tăng khoảng 5 - 7% so với năm 2016.

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex cũng đưa ra dự báo về tác động ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh dệt may năm 2017, trong đó có sự cạnh tranh đến từ các quốc gia xuất khẩu dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan.

Tuy nhiên, việc Mỹ rời khỏi TPP, hay nói một cách đơn giản, TPP nếu không được ký kết cũng không phải là một điều gì quá khủng khiếp đối với ngành dệt may nước nhà.

Lý do là bởi, Việt Nam vẫn còn rất nhiều thị trường tiềm năng đã và đang giao thương. Đặc biệt, việc ký kết hàng loạt các Hiệp định song phương và đa phương khác cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu dệt may.

Đơn cử, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty may Hưng Yên, FTA Việt Nam –EU vừa được kí kết sẽ là cơ hội cho các DN dệt may Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, tham gia vào thị trường châu Âu, các DN dệt may sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi, nâng cao khả năng thiết kế, kĩ năng quản lí sản xuất, tăng năng suất lao động từ đó thay đổi hình thái sản xuất chuyển từ gia công thuần túy sang sản xuất FOB (tự chủ nguyên liệu), ODM (tự thiết kế sản xuất), OBM (tự sản xuất và phân phối)...

Do đó, tham gia được vào TPP là rất tốt cho các DN ngành dệt may, song nếu không có cũng không quá quan ngại. Chúng ta đã có cả một quãng thời gian dài để chuẩn bị về nội lực khi muốn bước chân vào TPP, do đó có thể coi, TPP chính là động lực để các DN tự cải thiện, nâng cao khả năng cạnh tranh của mình. Nhưng còn rất nhiều các Hiệp định khác, các thị trường khác mà các DN hoàn toàn có thể hướng đến.

Nhận định về những thách thức cũng như cơ hội mà ngành Dệt may sẽ phải đối diện trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, để có thể tận dụng được những cơ hội do quá trình hội nhập mang lại, các DN dệt may phải thực sự nỗ lực trong việc đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm khắc phục những điểm yếu còn tồn tại lâu nay, đó là điểm yếu về năng suất lao động thấp, điểm yếu về công tác thiết kế, xây dựng thương hiệu, đặc biệt là vấn đề cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành.

Theo ông Trường, xác định được những điểm yếu nói trên, các DN ngành dệt may đã và đang rất nỗ lực trong việc khắc phục những hạn chế về năng lực quản lý, về khả năng tiếp thị và làm thương hiệu.

Dư địa phát triển của ngành dệt may vẫn còn rộng mở ở phía trước song để có thể phát triển bền vững, ổn định, nắm bắt được các thị trường tiềm năng, các DN dệt may buộc phải tăng năng suất lao động, nâng giá trị gia tăng.

“Nếu các DN nước khác làm 1 USD cho một chiếc sơ mi mà DN Việt Nam làm vẫn 1,5 USD thì chúng ta không thể cạnh tranh nổi. Hội nhập chúng ta buộc phải cạnh tranh, buộc phải nâng cao năng suất, không còn cách nào khác” – ông Dương nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng sức cạnh tranh cho dệt may