Ngày 29/3, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức công bố Báo cáo xuất nhập khẩu năm 2016. Đây là lần đầu tiên một bản báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu của cả nước trong một năm được cập nhật và phân tích đầy đủ từ Bộ Công thương.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, bản báo cáo này sẽ được thực hiện thường niên và sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam định hướng chiến lược kinh doanh khi xuất hàng sang các thị trường quốc tế.
Lễ công bố Báo cáo xuất nhập khẩu 2016.
Xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục
Trong năm 2016, mặc dù kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhiều nền kinh tế lớn và là đối tác thương mại - đầu tư quan trọng của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, thương mại thế giới giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 2,3%, là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới suy giảm… song, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu đạt 174,11 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2015. Cả nước có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, cao hơn con số 23 mặt hàng của năm 2015.
Đáng chú ý, theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao.
Cụ thể, Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt gần 22 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2015. Xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 11,4 tỷ USD, tăng 28% và xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2015.
Về thương mại với Trung Quốc, dù Việt Nam vẫn tiếp tục nhập siêu từ thị trường này nhưng mức tăng đã thu hẹp dần, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 21,9 tỷ USD, tăng 28,4% và nhập khẩu đạt 49,9 tỷ USD, chỉ tăng 0,9%. Những thành quả này đã giúp cán cân thương mại của Việt Nam đảo chiều, từ thâm hụt năm 2015 sang thặng dư năm 2016 khi xuất siêu 2,52 tỷ USD.
Nếu nhìn lại cả một quá trình dài trên chặng đường xuất nhập khẩu của Việt Nam trong vòng hơn 20 năm qua, con số 176,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu là cả một sự bứt phá lớn.
Tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN cho đến nay, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng ở mức chóng mặt. Từ con số xuất khẩu chỉ khoảng 5 tỷ USD thì 20 năm sau con số này đã tăng lên gấp hơn 30 lần: 176,6 tỷ USD. Đây thực sự là con số ấn tượng.
Theo thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, con số tăng trưởng xuất khẩu 9% có thể khiến nhiều người chưa hài lòng nhưng đây là một con số đánh dấu những nỗ lực rất lớn của cả nhà quản lý cũng như cộng đồng DN Việt Nam.
Theo ông Khánh, chúng ta có thể giữ được đà tăng trưởng 9% trong bối cảnh giá cả trên thị trường thế giới suy giảm, nhu cầu hàng hóa tại những thị trường lớn có nhiều biến động, rất nhiều nước có tốc độ tăng trưởng trì trệ… cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc mở cửa thị trường cũng như sự nỗ lực của từng doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu.
Nêu ra 3 điểm sáng của xuất nhập khẩu trong năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh: Điểm sáng nổi bật của năm 2016 đó là sự chuyển hướng ngoạn mục của xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Nếu như những tháng đầu năm, chịu tác động của thiên tai, hạn hán, hạn mặn xâm nhập, xuất khẩu nông sản sụt giảm nặng nề, thậm chí còn tăng trưởng âm thì đến cuối năm, lĩnh vực này đã về đích “đúng hẹn”.
Đây là sự bứt phá ngoạn mục của nhóm hàng nông sản trong năm 2016. Bên cạnh đó, theo ông Khánh, sự dịch chuyển về cơ cấu xuất khẩu từ xuất khẩu thô sang các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao cũng là một điểm sáng của xuất khẩu trong năm 2016 vừa qua.
Sẽ là một ấn phẩm hữu ích cho DN
Thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu 2011-2020, một trong những biện pháp Bộ Công thương hướng đến chính là sẽ xuất bản thường niên Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam, mở đầu là bản báo cáo xuất nhập khẩu năm 2016.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, điểm nhấn của Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2016 được xây dựng từ nguồn thông tin chính thức về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm ngành hàng, từng thị trường và công tác chỉ đạo của ngành Công thương trong điều tiết, xúc tiến hoạt động xuất nhập khẩu với những phân tích và dự báo sâu sắc giúp các DN có thể định hướng được chiến lược kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường thế giới.
Ông Khánh nhấn mạnh, ấn phẩm không chỉ là những con số báo cáo khô khan, mà còn có những phân tích cụ thể giúp ích cho các nhà quản lý trong việc hoạch định chính sách, góp phần cho hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng bền vững.
Dù đánh giá cao về việc xuất bản ấn phẩm báo cáo xuất nhập khẩu này, song theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), bản báo cáo vẫn thiếu mất con số xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch ở một số mặt hàng có tính nhạy cảm, cần hạn chế, trong khi Việt Nam xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường tiểu ngạch một số lượng không hề nhỏ.
Ông Giang kiến nghị Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan nên có đánh giá ảnh hưởng của điều này với xuất nhập khẩu nói chung. Bên cạnh đó, theo vị Chủ tịch Vitas, bản báo cáo cũng cần tập trung vào xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu cho các DN, vì đây là mảng các DN Việt yếu nhất.
“Tôi có tiếp xúc với giám đốc một hãng thời trang của Ý, vị này cho biết, Ý là một kinh đô thời trang nhưng khi ông ta sang Việt Nam đã mua liền một lúc 50 chiếc áo sơ mi “made in Vietnam” để mang về nước Ý, ông ta nói rằng, hàng hóa của Việt Nam đẹp, chất lượng tốt, giá cũng cạnh tranh nhưng công tác quảng bá xây dựng thương hiệu lại yếu”- ông Giang chia sẻ và cho rằng, báo cáo cần nhấn mạnh cả vào công tác xây dựng thương hiệu nếu muốn các DN Việt có thể lớn mạnh và cạnh tranh được khi hội nhập.
Theo Thứ trưởng Khánh, đây là bản báo cáo lần đầu tiên nên không tránh khỏi những khiếm khuyết. Hi vọng sau khoảng 5 năm thực hiện, báo cáo sẽ ngày càng chuyên nghiệp và trở thành ấn phẩm hữu ích giúp cơ quan hữu quan, tổ chức kinh tế và các DN có đầy đủ thông tin tham khảo phục vụ trong quá trình hoạch định chính sách và kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, qua đó giúp cho các DN phát triển ổn định, giảm thiểu những rủi ro, tận dụng các cơ hội để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.