Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực hướng về khu vực miền núi, đến nay, một số huyện vùng cao ở Thanh Hóa đã thực hiện các mục tiêu như xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, thu hút được các doanh nghiệp về đầu tư…, từ đó, tạo động lực để phát triển kinh tế vùng, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
Nhiều kết quả nổi bật
Hiện nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) tỉnh Thanh Hóa có trên 1 triệu người, trong đó, đồng bào DTTS có trên 600 nghìn người, chủ yếu là các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú sống tập trung ở 11 huyện miền núi. Xác định phát triển kinh tế ở khu vực này là nhiệm vụ quan trọng, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, đây là một trong 6 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ.
Sau hơn 2 năm triển khai (giai đoạn 2021-2023), đã có 9/28 chỉ tiêu đạt và vượt mức đề ra. Cụ thể, tổng tích gieo trồng cây lương thực hằng năm luôn giữ vững ở mức 130 – 140 nghìn ha; sản lượng lương thực đạt trên 385 nghìn tấn, tăng 4,21% so với năm 2020; hình thành được một số vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến; cây lâm nghiệp phát triển toàn diện cả về trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng…
Về chăn nuôi, phát triển theo hình thức trang trại, gia trại. Trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ có bước phát triển khá. Hiện nay, các huyện miền núi đã tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy may, nhà máy chế biến gỗ, sắn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động mỗi năm.
Trong xây dựng NTM, tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa, tỷ lệ kiên cố trường học đạt 100%; trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đạt 89,7%; xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 93,1%; trạm y tế có bác sĩ đạt 91,4%; hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93,6%...
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo ở 11 huyện miền núi giảm từ 19,9% xuống 15,19%; hộ cận nghèo giảm từ 21% xuống còn 17,07%; hộ nghèo là đồng bào DTTS giảm từ 27,23% xuống 19,86%; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 38,12 triệu đồng/năm, tăng 5,02 triệu đồng so với năm 2020; tổng số hộ nghèo năm 2022 là 35.229 hộ, hộ cận nghèo là 39.589 hộ, đều giảm so với năm 2020.
Đến nay, đã có 100% đường giao thông được cứng hóa từ thôn, bản đến trung tâm xã; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh ước đạt 93,6%; đã hoàn thành đầu tư hạ tầng cấp điện cho 23 thôn, bản của 6 huyện; hạ tầng mạng lưới viễn thông, truyền hình được mở rộng, có 2.904 trạm thu phát sóng và 363 trạm truy cập internet, đảm bảo phủ sóng, cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, truyền hình đến 100% trung tâm các xã; có 61 xã, 645 thôn, bản đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 72 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận...
Trong giai đoạn này, tỉnh đã đã bố trí hơn 11 nghìn tỷ đồng cho Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, trong đó, vốn Trung ương là hơn 6,4 nghìn tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh là hơn 1,7 tỷ, vốn ngân sách huyện, xã và huy động khác là gần 3 tỷ đồng.
‘Chắp cánh’ đưa miền núi đi lên
Để tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội cho 11 huyện miền núi, các Sở, ban, ngành ở Thanh Hóa luôn xác định, phải phối hợp để xây dựng các chương trình, đề án, dự án (DA) về hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường lớp học, cơ sở y tế, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm...
Từ thực tiễn này, một số DA giao thông đã ra đời và được triển khai như: DA nâng cấp QL 15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa; nâng cấp tuyến QL 15C đoạn qua huyện Quan Hóa, Ngọc Lặc; thi công cầu Bến Kẹm (Bá Thước) và nâng cấp các tuyến đường liên huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy; các DA đường tuần tra biên giới cơ động kết hợp kinh tế - xã hội từ Km42 QL 217 đến mốc biên giới H5 (Quan Sơn); DA đường Nà Ón đi Tà Cóm, xã Trung Lý (Mường Lát) với tổng chiều dài 25,42km; đường Tén Tằn - Mường Chanh - Mốc G7 (Mường Lát)… Sau khi hoàn thành, các DA này được kỳ vọng sẽ tạo ra một hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng miền, tạo sự thông suốt để các huyện miền núi phát huy lợi thế, tạo đột phá thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn đang xương sống trong phát triển kinh tế chủ đạo của đồng bào DTTS. Nắm được thực tế này, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ triển khai tập huấn, hướng dẫn kiến thức khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, quản lý bảo vệ rừng, phát triển nhiều mô hình sản xuất ở vùng biên xứ Thanh. Các mô hình điểm có thể kể đến như: Sản xuất cây lúa nước cho năng suất cao ở xã Yên Khương (Lang Chánh), xã Trung Lý (Mường Lát); cây vầu (Quan Sơn); nuôi cá tầm ở xã Bát Mọt (Thường Xuân).
Trong công tác an sinh xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai chương trình “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”; phong trào xây dựng hàng nghìn căn nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ nghèo vùng biên...
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực hướng về khu vực miền núi, đến nay, các huyện đã thực hiện được một số mục tiêu như tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại gắn với ngành nghề nông thôn; xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo động lực cho đồng bào vùng DTTS và miền núi vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...