Đó là tour du lịch “Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy”. Khi đưa vào khai thác, tour này sẽ góp phần quảng bá, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Vân Kiều ở tỉnh Quảng Bình.
Hát múa bên suối của người Vân Kiều ở xã Trường Sơn.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Công văn cho phép một công ty khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch với tour nói trên, kể từ ngày 1/12/2018 đến 31/5/2019.
Tour khám phá sẽ có hai chương trình tham quan: 1 ngày và 2 ngày tùy theo nhu cầu của du khách. Trong thời gian thử nghiệm, mức phí tham quan đối với tour 2 ngày 1 đêm là 200.000 đồng/khách/lượt; tour 1 ngày 100.000 đồng/khách/lượt. Đáng chú ý, trong hành trình của tour du lịch này, có hang Đại tướng - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày lưu lại đây để khảo sát đường 10 những năm 1971-1972.
Người Bru - Vân kiều ở Quảng Bình gồm 4 tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì, cư trú chủ yếu tại các xã vùng cao của huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch và Minh Hoá.
Người Bru - Vân Kiều sống chủ yếu nhờ làm nương rẫy và ruộng nước. Tới nay, bà con vẫn lưu giữ nhiều nét đẹp trong văn hóa, tập tục truyền thống. Con trai, con gái Bru - Vân Kiều được tự do yêu nhau, cha mẹ thường tôn trọng sự lựa chọn bạn đời của con. Trong họ, ông cậu có quyền quyết định khá lớn đối với việc lấy vợ, lấy chồng của các cháu. Khi về nhà chồng, cô dâu phải qua một số lễ nghi bắt buộc như: bắc bếp, rửa chân, ăn cơm chung với chồng...
Người Bru - Vân Kiều ở nhà sàn nhỏ, phù hợp với quy mô gia đình thường gồm cha, mẹ và các con chưa lập gia đình riêng. Làng bản nằm dọc theo bờ sông, suối hay lưng chừng những quả đồi thấp hoặc trong thung lũng màu mỡ. Nếu ở gần bờ sông, suối, các nhà trong làng (bản) tập trung thành một khu trải dọc theo dòng chảy. Nếu ở chỗ bằng phẳng rộng rãi, các ngôi nhà trong làng xếp thành vòng tròn hay hình bầu dục, ở giữa là nhà công cộng.
Người Bru - Vân Kiều yêu văn nghệ và có vốn văn nghệ cổ truyền quý báu. Nhạc cụ có nhiều loại: trống, thanh la, chiêng núm, kèn (amam, ta-riêm, khơ-lúi, pi), đàn (achung, pư-kua...). Bà con có nhiều làn điệu dân ca khác nhau: chà chấp là lối vừa hát vừa kể rất phổ biến; “sim” là hình thức hát đối giữa nam và nữ...
Trong di sản văn hóa của người Bru-Vân Kiều, một tín vật mà mọi người thường chỉ sẻ chia với những người sống dưới một mái nhà, đó chính là chiếc vòng cườm hay còn gọi là vòng mã não. Theo quan niệm dân gian, vòng mã não chính là nơi ngự trị của thần trường thọ, no ấm, may mắn, được xem là chiếc vòng “hộ mệnh” của người Vân Kiều. Ngay từ khi mới chào đời, những cô bé Vân Kiều đã được đeo chiếc vòng này. Trước sự chứng kiến của cả gia đình, cô bé mới chào đời trở thành nhân vật chính trong một nghi lễ truyền thống của dòng tộc. Sau khi già làng mời các vị thần về ban phước lành, cô bé được ông bà đeo lên cổ chiếc vòng với một hạt mã não nhỏ xíu. Từ đây, như nhiều đứa trẻ khác, những cô bé người Vân Kiều đã có một vị thần bổn mệnh của riêng mình.
Như vậy, với Quảng Bình, cùng với Di sản thiên nhiên thế giới nổi tiếng là động Phong Nha, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước; thì tới nay với tour du lịch thử nghiệm “Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy”, du khách sẽ có thêm một trải nghiệm văn hóa-đời sống thú vị.