Đến năm 2030, Việt Nam dự kiến có khoảng 1.000 cầu cảng đòi hỏi nguồn nhân lực lớn. Tuy nhiên, hiện nay nhân lực cho các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng.
Nhân sự thiếu và yếu
Báo cáo Dự báo kỹ năng ngành cảng Việt Nam 2024 - 2028 vừa công bố cho thấy, nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp (DN) cảng biển của Việt Nam đối với khối điều khiển phương tiện thiết bị và khối khai thác, kỹ thuật, bốc xếp (lao động trực tiếp) luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Trong đó, các vị trí đang thiếu hụt nhân sự vì khó tuyển dụng là khối điều khiển phương tiện, thiết bị như cẩu quay, cẩu khung, xe đầu kéo; nhân sự khối khai thác, kỹ thuật, bốc xếp như giám định sửa chữa, sửa chữa, bảo trì thiết bị xếp dỡ container…
Lý giải về lý do khó tuyển dụng nhân sự, báo cáo dẫn ý kiến của các DN trong ngành, là do ứng viên thiếu kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng chuyên môn; ít cơ sở giáo dục nhà nước đào tạo ngành cảng; thiếu chứng chỉ nghề chuyên ngành; thời gian và môi trường lao động khắc nghiệt; mức lương cạnh tranh; yêu cầu cam kết làm việc dài hạn.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), hiện tại các DN cảng biển gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn, đi đôi với tình trạng thiếu về số lượng do phần lớn người lao động chưa được đào tạo chuyên sâu. Theo đánh giá thì chỉ khoảng 10% là được đào tạo đúng ngành, nên DN khi tuyển dụng thông thường phải mất 1 - 2 năm để đào tạo lại. Tính riêng cảng biển thì đến năm 2030, Việt Nam dự kiến có khoảng 1.000 cầu cảng, phấn đấu đạt tới khoảng 1,5 tỷ tấn/năm, với số lượng container từ 27 triệu TEU/năm nâng lên thành 54 triệu TEU/năm vào năm 2030. Từ đó cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực chuyên ngành cho cảng biển rất lớn.
Đầu tư cho đào tạo
GS.TS Thái Văn Vinh, chuyên gia trong lĩnh vực logistics cho rằng, để giải quyết bài toán nhân sự cho ngành cảng biển, việc đầu tiên là cần tăng cường đầu tư cho đào tạo, thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa các bộ ngành, các DN cảng biển, logistics với các cơ sở đào tạo.
Theo đó, cơ quan quản lý ở cấp Trung ương cần làm rõ mô hình gắn kết DN trong hoạt động đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực thông qua việc thành lập hội đồng kỹ năng nghề các cấp. Kế đến, cơ quan quản lý cấp địa phương cần nâng cao dự báo thống kê và kế hoạch phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phù hợp với thị trường lao động địa phương.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xác định những vị trí công việc, mà hiện nay DN đang có nhu cầu tuyển dụng lao động, để xây dựng các đề án, mở các mã ngành đào tạo; tăng cường liên kết đào tạo trong và ngoài nước để có lực lượng giáo viên có trình độ chuyên môn tiếp cận được các tiêu chuẩn quốc tế.
Với các DN, hiệp hội cần chủ động hợp tác với các trường để cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng; chủ động cung cấp các cơ hội để cho sinh viên thực hiện “học kỳ DN” càng sớm càng tốt trong chương trình đào tạo của mình.
Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), nhu cầu nhân lực đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của các DN khi đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, logistics. Để giải bài toán nhân lực, địa phương cần hoạch định các chính sách, kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho lĩnh vực kinh tế mũi nhọn này. Các cơ sở đào tạo muốn làm được điều đó phải xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế; thiết kế các chương trình đào tạo thiết thực, hiệu quả, theo nhu cầu (theo đặt hàng) của xã hội và các DN…
Ngoài ra, DN nên chủ động hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực bằng cách cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng, các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ cho các vị trí công việc cụ thể.
Từ đó làm cơ sở giúp cho cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh các chính sách, chỉ tiêu và các chuẩn đào tạo liên quan cũng như giúp các trường điều chỉnh chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng đầu ra của đào tạo gần với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và xu hướng phát triển của ngành…