“Trẻ em giờ thích xem tivi, lười đọc sách”. Lâu nay, những nhận xét ấy hay được nêu ra, cho thấy những quan ngại của người lớn khi thấy trẻ em ở nhiều nơi thích xem tivi, thích vào youtube xem phim hoạt hình hơn là chăm chú đọc sách. Trong khi thực đơn bữa ăn được quan tâm thì “thực đơn tâm hồn” cho con trẻ lại đang bị “bỏ trống”…
Bên cạnh các hình thức giải trí khác, cần nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho thiếu nhi.
1. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kể một câu chuyện từ chính trải nghiệm của ông. Ông bảo, đã tham gia hàng ngàn buổi nói chuyện về văn hóa đọc ở các trường phổ thông, trong nhà không thiếu thứ sách gì nhưng các con ông lại không thích đọc sách.
Điều “nhà thơ thần đồng” kể cũng là một sự thật hiển hiện tại rất nhiều gia đình, nhất là các gia đình sống nơi đô thị. Ở đó, sân chơi cho thiếu nhi ít, tiềm ẩn nhiều rủi ro, lại thêm sự bận rộn của cha mẹ, nên khó nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con từ nhỏ. Thêm vào đó, sự hấp dẫn của các loại hình giải trí khác xuất hiện ngày càng nhiều trên tivi, trên máy tính, trên iPad và chỉ cần chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng, các em đã có thể mải miết xem liên tu bất tận các thể loại phim. Chưa bàn đến những phim không phù hợp với trẻ, chỉ riêng phim và các chương trình cho trẻ em, hướng tới trẻ em thôi cũng đã quá hấp dẫn vì tiết tấu, âm nhạc, sắc màu… Những điều này, khiến cho trẻ em không còn thích cắm cúi bên cuốn sách nữa, bất kể sách vở ngày nay đã được in ấn đẹp gấp nhiều lần “ngày xưa”.
Không chỉ đẹp, sách cho thiếu nhi ngày nay cũng rất đa dạng. Góp vào sự đa dạng ấy là những cuốn sách thiếu nhi được mua bản quyền nước ngoài, được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Tuy nhiên, đúng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời là Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Hội Nhà văn cảnh báo: “Chúng ta có thể ồ ạt dịch sách thiếu nhi nước ngoài, nhưng nếu không cẩn trọng, để một đứa trẻ đọc quá nhiều sách dịch thì ở bên trong chúng, mặc dù vẫn có những vẻ đẹp tâm hồn được tạo dựng, nhưng vẻ đẹp ấy bắt đầu rời xa những vẻ đẹp ở chính nơi mà chúng sinh ra và lớn lên. Đó là mảnh đất Việt Nam, văn hóa Việt Nam, thiên nhiên và những giấc mơ khác của người Việt…”
Ở một chiều ngược lại, nhìn thoáng qua các cửa hiệu sách, thì có vẻ sách của các tác giả Việt Nam viết cho thiếu nhi thời gian gần đây cũng khá nhiều. Nhưng như lời một số biên tập viên xuất bản, thì nội dùng “trồi sụt, hên sui”. Cùng một tác giả, nhưng có cuốn thì đọc được, có cuốn phải “cố in để động viên”. Đồng thời, cũng có một sự thật khác, như lời nhà thơ Trần Đăng Khoa nói, “không phải ai cũng viết cho thiếu nhi”, nhiều người chỉ mượn thiếu nhi để viết cho mình, về mình. “Ngay cả những tác phẩm của tôi cũng không phải viết riêng cho thiếu nhi”- nhà thơ Trần Đăng Khoa thẳng thắn.
Quả thực, bên cạnh không quá nhiều tác phẩm “vàng” của nhà văn đi trước đến nay vẫn được tái bản và được các bậc phụ huynh thường mua về “khuyên con” nên đọc thì hiện vẫn ít tác giả chuyên tâm viết cho thiếu nhi. Thêm vào đó, không ít tác phẩm viết cho thiếu nhi hiện nay chưa có sức hút với lứa độc giả đương đại. Mặc dù được in ấn với hình thức đẹp, minh họa bắt mắt, song nội dung còn có phần đơn điệu, thường là những câu chuyện có tính hồi ức, không ít cuốn được viết vội, còn nhiều hạt sạn. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, “đành rằng viết cho thiếu nhi là để giáo dục các em sống Chân -Thiện - Mỹ, nhưng đừng để lộ điều ấy, đừng ngô nghê hóa. Trẻ em ngày nay khôn hơn chúng ta tưởng rất nhiều”.
2. Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho thiếu nhi? Nhiều ý kiến cho rằng, trước hết, cần kích hoạt thói quen đọc sách trong mỗi gia đình. Chỉ khi bố mẹ có thói quen đi mua sách, ở nhà dành những khoảng thời gian nhất định để đọc sách, thì may ra mới nuôi được thói quen cũng như kỹ năng đọc sách cho con.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, nhiều gia đình hiện nay đã xây dựng được thực đơn bữa ăn hàng ngày cho con, nhưng họ lại quên xây dựng một “thực đơn cho tâm hồn các con”. Điều đó đã tạo ra một lỗ hổng. Ông Thiều cũng kể câu chuyên, cách đây ít lâu, trong một lần nói chuyện, một phụ huynh đề nghị tôi và các nhà văn hãy viết một cuốn cẩm nang về những cạm bẫy mà những đứa trẻ khi bước vào đời sẽ gặp phải để chúng có thể tránh được.
“Nếu các nhà văn viết một cuốn cẩm nang ví dụ có tên “1000 cạm bẫy và cách phòng tránh” thì khi bước vào đời mà gặp cái cạm bẫy thứ 1001 những đứa trẻ sẽ gục ngã. Nhưng nếu chúng ta gieo vào tâm hồn trẻ nhỏ những hạt giống của mĩ học và chủ nghĩa nhân văn thì chúng sẽ đi qua mọi cạm bẫy khi cái đẹp và lòng nhân ái trú ngụ trong tâm hồn chúng. Khi cái đẹp và chủ nghĩa nhân văn là nền tảng của tri thức và lương tâm, chúng sẽ nhận biết được thiện ác, chúng sẽ luôn hướng tới cái đẹp và lòng nhân ái. Và từ đó chúng sẽ tránh được mọi cạm bẫy của những gì xấu xa”- ông Thiều quả quyết.
3. Chính vì thế, bằng việc báo TTVH triển khai phát động Giải thưởng Dế Mèn trong dịp Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay, nhiều người đang kỳ vọng sẽ mở ra một sân chơi mới cho những người sáng tác cho thiếu nhi, ở nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí như văn học, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, truyện tranh, trò chơi truyền thống hoặc điện tử…
Như vậy, giải thưởng Dế Mèn đã không hề bó hẹp, mà mở rộng tới các bộ môn nghệ thuật mới - kể cả các tác phẩm khoa học phổ thông - với mục tiêu hết sức rõ ràng: Truyền bá kiến thức, vẻ đẹp của khoa học, để làm phong phú thêm cho tâm hồn thiếu nhi, cũng như tâm hồn của tất cả những ai từng là thiếu nhi.
Tuy vậy, trẻ em ngày nay đã khác xưa. Vì thế, các tác phẩm, màn trình diễn “phải có những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ cả về nội dung, hình thức, loại hình, bắt kịp với thời đại, với “gu” thưởng thức, giải trí của các thệ hệ thiêu nhi hôm nay và mai sau”.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - thành viên Hội đồng giám khảo Giải thưởng Dế Mèn, việc xây dựng giải thưởng Dế Mèn bắt nguồn từ ý thức mang lại một đời sống tinh thần sâu thẳm nhất, trong sáng nhất, quyến rũ nhất cho những đứa trẻ. Đừng nghĩ đây chỉ là một giải thưởng mà hãy nghĩ rằng, đây là một ý thức, một thái độ, một hành động của chúng ta đối với tương lai của mình.