Với kim ngạch xuất khẩu đạt hàng tỷ USD mỗi năm, ngành hàng nông sản vẫn luôn được coi là mũi nhọn, là chủ lực của nền kinh tế nước nhà. Thế nhưng, hạn chế về xây dựng thương hiệu đã khiến nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài lại vô hình trong mắt người tiêu dùng thế giới.
Việt Nam xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới nhưng vẫn cần xây dựng thương hiệu cho hạt gạo.
Mờ nhạt
Gạo, hồ tiêu, cà phê và các loại nông sản khác như thanh long, xoài, chôm chôm, vải… là những sản phẩm nông sản có kim ngạch xuất khẩu trong top đầu của nông nghiệp Việt Nam. Thế nhưng khi ra thị trường thế giới, người tiêu dùng các nước vẫn không biết rằng họ đang tiêu thụ các sản phẩm được nhập khẩu từ Việt Nam. Thậm chí, có nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, nhưng lại bị gắn mác của doanh nghiệp (DN) nước ngoài sản xuất. Đây là một thực tế đáng buồn cho lĩnh vực nông sản của Việt Nam nói riêng và lĩnh vực xuất khẩu nói chung do không xây dựng được thương hiệu. Bởi vậy, để khẳng định vị thế cho nông sản Việt trên thị trường quốc tế cũng như tăng giá trị xuất khẩu, không còn cách nào khác, các DN cần có chiến lược xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của mình.
Nhiều nước trên thế giới đã có những bước đi riêng trong việc xây dựng thương hiệu để thế giới khi nhắc đến “hiện tượng” nào thì nghĩ ngay tới quốc gia đó. Đơn cử như Hà Lan, sử dụng hình ảnh hoa tuy-líp, cối xay gió cho việc nhận diện và đại diện thương hiệu. Hay nước Úc, với dấu ấn đặc biệt của chú chuột túi Kanguru… Theo các chuyên gia, thách thức đối với việc làm thương hiệu hiện nay là phải tìm ra cách thức quảng bá mới thay vì hình thức và cách làm truyền thống, phải khiến mọi người quan tâm, giúp xây dựng ngôn ngữ chung. “Việt Nam là đất nước năng động, cởi mở, ngành thực phẩm của Việt Nam cũng rất độc đáo cho nên cần có một chiến lược thương hiệu cho ngành thực phẩm rõ ràng”- bà Nienke Trooster, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam nêu quan điểm.
Tại Hội thảo xây dựng thương hiệu cho ngành hàng thực phẩm được Bộ Công thương tổ chức mới đây, câu chuyện này tiếp tục được nhấn thêm một lần nữa. Theo ông Leon Trujilo, chuyên gia thương hiệu của Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI), Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu nhiều loại nông sản, thực phẩm cho thế giới, nhưng thực tế nhiều người tiêu dùng thế giới chưa biết đến các thương hiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam, chưa biết đến Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về các ngành hàng này. So với nhiều nước có thế mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm, thì Việt Nam vẫn còn chậm trễ trong việc tạo dựng thương hiệu.
Do vậy, cần phải có chiến lược là xây dựng thương hiệu và truyền thông thương hiệu mạnh mẽ cho toàn ngành, để bắt kịp với các nước và có khả năng cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu. “Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thương hiệu thực phẩm là công cụ hữu ích để đạt được mục tiêu gia tăng xuất khẩu và càng có nhiều DN tham gia thì càng việc xây dựng thương hiệu càng mạnh và hiệu quả” - ông Leon Trujilo nhấn mạnh.
Thanh long cũng như nhiều loại trái cây khác của Việt Nam, khi xuất khẩu vẫn không có thương hiệu riêng.
Chú trọng lập chiến lược
“Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, thương hiệu thực phẩm là công cụ hữu ích để đạt được mục tiêu gia tăng xuất khẩu và càng có nhiều doanh nghiệp tham gia thì càng việc xây dựng thương hiệu càng mạnh và hiệu quả”- Leon Trujilo, chuyên gia thương hiệu của Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI). |
Trên thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương, hiệp hội, ngành hàng cùng các DN đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu riêng cho ngành hàng của mình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần phải giải tỏa. Theo bà Tô Thị Tường Lan- Phó Tổng Thư ký Hiệp hội thủy sản Việt Nam, việc xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm không chỉ dừng lại ở việc thiết kế logo hay khẩu hiệu, mà quan trọng là cần làm cho người tiêu dùng hiểu hơn về đất nước sản xuất ra sản phẩm đó và chuỗi giá trị bền vững, trong đó có những cam kết về chất lượng. Đây là điểm cốt lõi khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế:
“Thương hiệu Việt Nam - giỏ thực phẩm thế giới là thương hiệu chung bao trùm lên nhiều ngành bên dưới. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cùng với xây dựng thương hiệu các ngành nhỏ phía dưới sẽ làm mạnh thêm từng ngành. Ngành thủy sản đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu cá tra và tôm là 2 sản phẩm chủ lực của thủy sản. Để thương hiệu quốc gia phát triển được thì cần cam kết mạnh mẽ của các bên tham gia vào chuỗi giá trị từ Chính phủ cho đến các DN thì mới đưa thương hiệu tỏa sáng trên thị trương thế giới” - bà Tường Lan nhấn mạnh.
Được biết, để tránh sự nhạt nhòa về thương hiệu Quốc gia, chúng ta đã xây dựng Chương trình thương hiệu thực phẩm Việt Nam, dự kiến sẽ công bố báo cáo chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam vào quý 3 - 2017. Giai đoạn 4 (2018-2020) chương trình sẽ thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh ngành hàng thực phẩm Việt Nam thông qua truyền thông và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Giới chuyên gia kinh tế kỳ vọng, đây sẽ là động lực quan trọng góp phần tăng cường công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ xuất khẩu cho ngành thực phẩm đầy tiềm năng của Việt Nam.