Ngày 4/11, UBND TP HCM họp chỉ đạo công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Thông tin tại đây cho biết, các doanh nghiệp báo cáo đã sản xuất dự trữ 17 ngàn tỉ đồng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, tăng 860 tỷ đồng (tăng 5,3%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường gần 6.852 tỉ đồng.
Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 29/12/2016 đến 27/1/2017 (từ ngày 1 đến 30 tháng chạp âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 9.704 tỷ đồng; trong đó hàng bình ổn thị trường là 3.764 tỉ đồng.
Song song với chất lượng hàng hóa phục vụ Tết Đinh Dậu 2017, UBND thành phố yêu cầu chủ tịch UBND quận - huyện phải chịu trách nhiệm với UBND thành phố về tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh hàng trái phép, các lò mổ lậu…
Có siết chặt quản lý chất lượng thì việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm mới khả thi và sức khỏe người dân trên địa bàn thành phố mới được đảm bảo. Riêng với các mặt hàng tiêu dùng khác, lãnh đạo thành phố cho rằng, tình hình buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp.
Hàng giả không chỉ có mặt tại các chợ truyền thống mà còn chen chân vào hệ thống trung tâm thương mại.
Thời gian tới các sở ngành liên quan cần phối hợp nhiều hơn nữa, tăng tính hiệu quả cho công tác chống hàng giả cũng như đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ Tết. Kiên quyết xử lý hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cũng tại TPHCM, thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tới thời điểm hiện nay Sở mới tiếp nhận 7 hồ sơ của hộ kinh doanh cá thể đăng ký chuyển đổi hoạt động sang mô hình doanh nghiệp, đã xử lý và trả kết quả cho 5 doanh nghiệp.
Nguyên nhân dẫn đến thực tế quá ít hộ kinh doanh chuyển sang mô hình doanh nghiệp vì đa phần các chủ hộ kinh doanh không am hiểu về thủ tục hành chính liên quan đến ngành, nghề kinh doanh.
Các hộ sợ việc chuyển đổi làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh do mất đi thương hiệu. Cán bộ chuyên trách tại quận - huyện không nhiều làm ảnh hưởng đến hiệu quả hướng dẫn các hộ kinh doanh làm hồ sơ thủ tục chuyển đổi.