Hoạt động xe buýt ở Hà Nội đã phủ 30/30 quận, huyện, thị xã toàn thành phố, tuy nhiên loại hình vận tải này vẫn không thu hút được người dân sử dụng như kỳ vọng: người sử dụng ít, “lỗ vẫn chồng lỗ”.
5 năm qua, mạng lưới tuyến xe buýt tại Hà Nội liên tục được mở rộng với 127 tuyến (trong đó có 104 tuyến buýt có trợ giá). Trung bình mỗi năm thành phố trợ giá khoảng 1.300 tỷ đồng cho xe buýt.
Từ cuối năm 2019 đến nay, mạng lưới xe buýt Hà Nội có sự sụt giảm đáng kể về sản lượng hành khách và doanh thu. Tính trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng hành khách xe buýt đạt 163,3 triệu lượt, giảm 29,2% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu đạt 213,6 tỷ đồng, giảm 43,4%.
Nêu nguyên nhân người dân chưa mấy mặn mà với xe buýt trợ giá, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT TP Hà Nội) cho hay: Tình trạng trên là do ùn tắc giao thông dẫn tới phá vỡ biểu đồ hoạt động của xe buýt, sự đúng giờ không được bảo đảm, thời gian di chuyển kéo dài. Mặt khác, mạng lưới kết nối chưa tốt với các khu vực ngoại thành và khu đô thị mới; việc tiếp cận các điểm dừng chưa tốt...
Bên cạnh đó hệ thống điểm dừng, nhà chờ cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện Hà Nội có 3.775 điểm dừng xe buýt (361 điểm có nhà chờ, chiếm tỉ lệ gần 10%). Trong đó, khu vực 12 quận nội thành có 1.329 điểm (340 điểm có nhà chờ, tỉ lệ trên 25%), khu vực ngoại thành gồm 2.446 điểm dừng (21 điểm có nhà chờ, tỉ lệ dưới 1%).
Tại nội thành, vẫn còn một số khu vực chưa bố trí được điểm dừng xe buýt do hệ thống đường giao thông có mặt cắt nhỏ như khu đô thị Ciputra; khu ngoại giao đoàn và khu Tây Hồ Tây; khu Quảng An - Quảng Bá - Phủ Tây Hồ; khu vực trong ngõ từ 136 đến ngõ 209 Đội Cấn; khu vực dọc đường Quan Nhân...
Cùng đó, tại khu vực ngoại thành, tỉ lệ người dân có thể đi bộ tiếp cận xe buýt dưới 500 m còn thấp do mạng lưới xe buýt hiện nay vẫn chủ yếu hoạt động trên các đường trục chính. Số lượng điểm dừng xe buýt có nhà chờ chiếm tỉ lệ thấp đã hạn chế rất nhiều về chất lượng dịch vụ, khả năng tiếp cận của hành khách, đặc biệt những lúc thời tiết không thuận lợi...
Được biết, hằng năm thành phố vẫn phải bỏ ra cả ngàn tỷ đồng để trợ giá, nhưng tỉ lệ xe buýt đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân chỉ ở ngưỡng 13% -14%. Những năm qua, tốc độ vận hành của xe buýt ngày càng giảm. Nếu như vào năm 2013, tốc độ bình quân của xe buýt đạt 23 km/giờ thì nay chỉ còn khoảng 17 km/giờ.
Như vậy, làm thế nào để nâng cao hiệu quả của xe buýt trợ giá là vấn đề đặt ra.
Riêng về bài toán minh bạch chi phí, doanh thu cũng như thống kê chính xác lượng hành khách đi xe buýt, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, trong tương lai, việc sử dụng thẻ thanh toán điện tử trên xe buýt sẽ giúp kiểm soát được chi phí, doanh thu và thống kê chính xác lượng hành khách đi xe buýt. Chỉ khi thực hiện được vé điện tử thì mới có sự minh bạch trong quá trình tính toán trợ giá, theo số lượng hành khách, thay vì tính theo định mức như hiện nay.
Bởi Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội là nơi điều hành tính toán các luồng tuyến xe buýt để xác định trợ giá, nhưng việc tính toán này vẫn chỉ dựa trên báo cáo sổ sách từ hoạt động của các doanh nghiệp.
Ông Hải cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới có chính sách trợ giá để phát triển vận tải hành khách công cộng, đi cùng với đó là hệ thống điều hành, giám sát thông minh, dùng vé điện tử. Còn ở nước ta việc trợ giá cho xe buýt được tính theo cách “đếm đầu xe ăn tiền”.
Mà như vậy thì không ổn.