Bộ Nội vụ vừa chính thức có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện xét tuyển đặc cách với giáo viên đã có hợp đồng lao động (HĐLĐ) và đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc từ năm 2015 trở về trước.
Cần sự nhất quán trong chính sách tuyển dụng giáo viên.
Sớm rà soát danh sách giáo viên có HĐLĐ từ năm 2015 trở về trước
Theo đó, công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ nêu rõ, để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục giáo dục và y tế, Bộ Chính trị (tại công văn số 9028) và Thủ tướng Chính phủ (tại công văn số 1480) đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có HĐLĐ và đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Để thống nhất việc thực hiện chủ trương này, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có HĐLĐ từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (biên chế giáo viên) chưa sử dụng, để quyết định việc tuyển dụng đặc cách với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm HĐLĐ theo vị trí việc làm giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký HĐLĐ có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, làm công việc giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.
Bộ Nội vụ yêu cầu sau khi thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với đối tượng nêu trên, nếu vẫn còn chỉ tiêu biên chế thì các địa phương thực hiện việc tuyển hoặc xét tuyển công khai theo quy định của Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đối với các địa phương đã thực hiện tuyển dụng đặc cách đối tượng nêu trên và thực hiện tuyển dụng theo pháp luật về viên chức đủ số chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, mà vẫn còn giáo viên HĐLĐ thì chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật.
Mừng hay lo?
Lâu nay việc tuyển dụng giáo viên cũng như sự vướng mắc trong cơ chế tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Đặc biệt là vào thời điểm năm học mới 2019-2020 vừa mới bắt đầu, câu chuyện về 3.000 giáo viên Hà Nội không ai đủ điều kiện xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định 161/2018 đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Ông Nguyễn Đình Hoa- Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho hay, tất cả các giáo viên đều bị loại không được xét tuyển đặc cách ở tiêu chí “Người ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”.
Nhiều câu hỏi được đặt ra, với văn bản mới của Bộ Nội vụ, các giáo viên của Hà Nội liệu có còn hi vọng hay không, bởi trước đó hàng trăm giáo viên hợp đồng Hà Nội đã nhận được quyết định chấm dứt HĐLĐ dù chưa thi tuyển hay xét tuyển. Riêng huyện Sóc Sơn, ngày 5/11, các giáo viên dù ký hợp đồng trước ngày 31/12/2015 nhưng không đăng ký dự tuyển, không tham gia dự thi tuyển vòng 1 hoặc không qua được 2 vòng đều được thông báo bị chấm dứt HĐLĐ bắt đầu từ ngày 1/1/2020.
Trong phiên chất vấn vào ngày 7/11 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Tổng biên chế sự nghiệp của nước ta là khoảng 1.800.000 người, riêng giáo viên khoảng hơn 1.500.000 người, chiếm tỷ lệ rất lớn. Hiện nay, phần lớn địa phương phản ánh số giáo viên không đủ đứng lớp. Do đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ và trình Bộ Chính trị, đã có kết luận và bước đầu giải quyết tại một số địa phương. Bộ Nội vụ cũng đã thông báo cho 63 tỉnh, thành phố thống kê lại tất cả lực lượng giáo viên còn thiếu để báo cáo thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị theo đúng tinh thần “có người học phải có giáo viên đứng lớp”.
Theo thống kê bước đầu, Bộ Nội vụ được biết có 87.000 giáo viên các cấp còn thiếu. Vấn đề này, Bộ Nội vụ đã có báo cáo và xin chủ trương của Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GDĐT xác minh cụ thể từng địa phương và sẽ có đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, cái gốc của vấn đề là phải tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện nay, nhiều địa phương làm rất tốt, giảm giáo viên rất tốt và cũng không cần đề nghị tăng thêm biên chế giáo viên. Ngoài ra, mỗi năm còn tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng để đầu tư cho phát triển và đề nghị các tỉnh khác phải sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, riêng đối với giáo viên, Bộ Nội vụ đã làm việc với Bộ GDĐT và kiến nghị Chính phủ cho ban hành một nghị quyết riêng về biên chế giáo viên vì đây là lĩnh vực đặc thù. Về trường hợp của gần 3.000 giáo viên hợp đồng của Hà Nội đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp sau kì thi tuyển viên chức giáo dục, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, sẽ tiến hành xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng từ ngày 31/13/2015 trở về trước theo tinh thần Kết luận số 9028 của Bộ Chính trị cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin về chỉ đạo của Bộ Nội vụ khiến các giáo viên hợp đồng tại Hà Nội băn khoăn nhiều hơn. Bởi trong thời gian qua, họ đã từng nhiều lần nuôi hi vọng và cũng thất vọng nhiều lần do chính sách không nhất quán từ thành phố xuống đến các quận huyện, mặc dù đã có chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.
Đòng thời đây cũng không phải lần đầu tiên Bộ Nội vụ lên tiếng về việc áp dụng Văn bản số 9028. Trước đó, tại buổi họp báo định kì quý III/2019, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến liên quan đến biên chế giáo viên, giáo viên hợp đồng và Bộ Chính trị đã có Văn bản số 9028 chỉ đạo vấn đề này.