Vì sao rác phế liệu nhập khẩu tràn ngập cảng Cát Lái?

Thanh Giang - Đoàn Xá 24/05/2018 08:35

Gần một ngàn container phế liệu đang tồn kho ở Tân cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM) đang gây ra hàng loạt khó khăn, bức xúc. Lượng phế liệu nhập khẩu khổng lồ trên cản trở hoạt động sản xuất của các cảng và thiệt hại về kinh phí xử lý. Đặc biệt, về lâu dài môi trường đang bị thách thức nghiêm trọng bởi lượng rác thải công nghiệp nhập khẩu….

Vì sao rác phế liệu nhập khẩu tràn ngập cảng Cát Lái?

Nhiều container phế liệu thiếu điều kiện nhập khẩu. Ảnh: Đoàn Xá.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, hiện nay bãi của cảng Cát Lái luôn tồn trên 90%, riêng hàng nhập tồn 102,8% và hàng xuất là 67%. Đáng chú ý, lượng nhựa và giấy phế liệu tồn trên 40 ngày là 8.500 teus (1 teus bằng 1 container 20 feet), trong đó có 3.500 teus tồn trên 60 ngày và từ 40 ngày đến dưới 60 ngày là 5.000 teus. Do cảng Cát Lái tồn cao một lượng lớn hàng phế liệu nên cảng này không thể nhận lượng hàng nhập tàu từ cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) và Tân cảng Hiệp Phước. Thống kê cụ thể, lượng hàng tồn tại cảng Cái Mép là 24.786 container, tương đương 99.94%. Trường hợp tồn kho phế liệu nhập khẩu không cải thiện trong 2 tuần nữa tình hình sản xuất của cảng Cát Lái và Cái Mép đều hết sức nghiêm trọng.

Trước đó, nói về tình trạng “kẹt cứng” container tại cảng Cát Lái, ngày 11/5 tại buổi làm việc với Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam liên quan đến hoạt động hàng hóa ở Tân cảng Cát Lái, ông Ngô Minh Thuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân cảng Sài Gòn cho rằng, Tân cảng Cát Lái đang chứa một lượng hàng tồn lớn gồm 8.050 teus. Đáng chú ý là số container trên tồn lâu ngày nhưng chưa được giải phóng khỏi cảng. Trong đó, có 5.234 teus chưa hàng nhựa, giấy phế liệu và 2.816 teus tồn trên 90 ngày.

Nhằm giải quyết phề liệu tồn kho trên, Tân cảng Cát Lái thông báo, từ ngày 1/6 DN nhập hàng nhựa và phế liệu phải có giấy phép còn thời hạn và cam kết lấy hàng mới cho nhập về cảng. Từ ngày 10/6 Tân cảng Cát Lái sẽ ngưng không nhận mặt hàng này để bảo vệ hoạt động sản xuất của cảng. Liên quan đến nhập khẩu phế liệu, cuối tháng 4 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã ban hành kế hoạch kiểm soát rủi ro đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu. Theo kế hoạch, cơ quan hải quan sẽ rà soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong nhập khẩu phế liệu. Phân loại DN có dấu hiệu vi phạm và DN vi phạm.

Theo Tổng cục Hải quan, từ 1/1/2017 đến ngày 12/3/2018 cả nước có 928 DN nhập khẩu phế liệu, với 49.200 tờ khai. Nhiều bộ - ngành cho rằng, nhập phế liệu để tái chế thành nguyên liệu sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, song thực tế đang tồn tại những bất cập. Báo động nhất, có tình trạng không giấy phép DN vẫn nhập khẩu phế liệu. Nhận định về nhập khẩu phế liệu, ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM quan ngại, hàng ngàn cotainer phế liệu về các cảng đang có nguy cơ biến Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.

Lo lắng không kém, PGS. TS Phùng Chí Sỹ -Tổng Thư ký phụ trách phía Nam Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khẳng định: “Quy định nhập khẩu phế liệu được quản lý rất chặt chẽ, song để xảy ra tình trạng tồn hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu tại Tân cảng Cát Lái có thể do khâu cho hàng cập cảng còn lỏng lẻo. Khi hàng về cảng đòi hỏi phải kiểm tra biết rõ xuất xứ nguồn hàng, mặt hàng, công ty nhập khẩu nào và có đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao rác phế liệu nhập khẩu tràn ngập cảng Cát Lái?