Vì sao siêu dự án 'ôm đất vàng' ở Yên Bái để hoang?

Minh Lộc 12/07/2023 17:24

Sau gần 8 năm triển khai dự án Hoa Sen Yên Bái - Khu Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái với tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng vẫn để hoang, cỏ mọc um tùm.

Dự án ‘đầu tàu’ đánh thức du lịch Yên Bái liên tục chậm tiến độ

Trước đó, tháng 5/2016, Tập đoàn Hoa Sen khởi công xây dựng dự án Hoa Sen Yên Bái - Khu Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái với tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỷ đồng, đây là dự án bất động sản, dịch vụ và du lịch đầu tiên của Tập đoàn này.

Dự án Khu Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện do Công ty Cổ phần Hoa Sen Yên Bái làm chủ đầu tư, được xây dựng trên khu đất có diện tích 1,5 ha, nằm tại khu trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa của Yên Bái.

Dự án bất động sản, dịch vụ và du lịch đầu tiên của Tập đoàn Hoa Sen 'đắp chiếu' nhiều năm. Ảnh: Tiểu Vi.

Trước đó, dự án này được kỳ vọng là khu trung tâm thương mại, khách sạn theo tiêu chuẩn quốc tế có quy mô lớn và cao nhất Yên Bái. Khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, hứa hẹn đánh thức phát triển du lịch của Yên Bái, cũng như thu hút nhiều nhà đầu tư khác vào tỉnh này.

Dự án bao gồm 1 tòa nhà 15 tầng có tổng diện tích sàn 74.410m², được xây dựng thành khu phức hợp cung cấp các hạng mục đa dạng như: trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, khách sạn 4 sao, nhà hàng tiệc cưới, quán café, căn hộ cao cấp. Dự kiến dự án sẽ hoàn thiện vào năm 2020.

Các hạng mục xây dựng dở dang, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Tiểu Vi.

Ở Yên Bái, dự án sẽ trở thành một trong những dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy đưa thành phố Yên Bái thực hiện mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2020 và đô thị loại I vào năm 2050.

Dự án liên tục bị bêu tên chậm triển khai

Theo nguồn tin của Báo Đại Đoàn Kết, dự án Hoa Sen Yên Bái - Khu Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện tại thành phố Yên Bái đã liên tục bị UBND tỉnh Yên Bái, Sở Kế hoạch và Đầu tư có công văn nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ.

Mới đây, thông tin Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Hoa Sen thông qua kế hoạch góp thêm vốn vào CTCP Hoa Sen Yên Bái để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án.

Dự án liên tục bị UBND tỉnh Yên Bái, Sở Kế hoạch và Đầu tư có công văn nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ. Ảnh: Tiểu Vi.

Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen dự kiến góp thêm 81 tỷ đồng vào CTCP Hoa Sen Yên Bái để nâng vốn điều lệ từ 340 tỷ đồng lên 421 tỷ đồng, thời gian hoàn thành góp vốn vào ngày 21/2/2023. Số tiền huy động được, CTCP Hoa Sen Yên Bái sẽ dùng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai dự án.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có nhiều nguyên nhân dẫn đến các dự án quy hoạch treo như: việc tổ chức triển khai đầu tư xây dựng chậm hoặc không thực hiện theo quy hoạch, dự án chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý, dự án có tranh chấp hoặc có vi phạm…

Do đó, để xử lý các quy hoạch treo, Bộ TN&MT đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi các quy định về quy hoạch trong Luật Đất đai năm 2013.

Cũng theo Bộ TN&MT tại Khoản 1, Điều 6, Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch sửa đổi Điều 49, Luật Đất đai năm 2013 cũng đã có quy định để xử lý vấn đề quy hoạch treo.

Cụ thể, đối với trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Theo ghi nhận của phóng viên đến ngày 11/7/2023, dự án vẫn đang ‘đắp chiếu’ và chưa được triển khai xây dựng. Ảnh: Tiểu Vi.

Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch; được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa phải được cơ quan nhà nước cho phép theo quy định pháp luật.

Đồng thời, pháp luật về quy hoạch xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản cũng đã có các quy định cụ thể về việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch; yêu cầu đối với dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trách nhiệm của chủ đầu tư dự án.

"Giải pháp tình thế hiện nay là cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương tổ chức rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án mà nhà đầu tư không đủ năng lực. Những dự án nào đủ điều kiện tiếp tục triển khai thì thực hiện biện pháp đánh thuế, càng để lâu thì càng phải chịu nhiều thuế" - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng.

Theo đó, tại Điều 78 của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với kinh doanh bất động sản trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để thực hiện việc thu hồi, đình chỉ, tạm dừng hoặc điều chỉnh, chuyển đổi, chuyển nhượng các dự án kinh doanh bất động sản; báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình thị trường bất động sản.

"Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các dự án cụ thể tại các địa phương thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, theo từng chương trình, kế hoạch cụ thể hoặc trong các trường hợp cần thiết, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án kinh doanh bất động sản để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc hoặc vi phạm (nếu có) theo quy định", Bộ TN&MT thông tin.

Trái ngược với kỳ vọng, hiện dự án đang bị bỏ hoang, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Tiểu Vi.

Thực tế, trên địa bàn Yên Bái hiện có nhiều dự án quy hoạch cả thập kỷ nhưng chậm triển khai, "ôm" đất vàng bỏ hoang lãng phí.

Thủ tướng chỉ đạo rà soát dự án 'ôm' đất bỏ hoang

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 01 chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) khẩn trương lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về đề xuất phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất. Điều này đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 39/2021 ngày 13/11/2021 của Quốc hội, nghiêm cấm lợi ích nhóm, các hành vi tiêu cực, tham nhũng về đất đai.

Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ TN&MT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, báo cáo thực trạng các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai.

Trên cơ sở đó, Bộ chủ trì và phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác liên quan để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, giải phóng nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp có phát sinh vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền, Bộ báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao siêu dự án 'ôm đất vàng' ở Yên Bái để hoang?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO