Việt Nam đủ gạo cho nội địa và xuất khẩu

M.Sang - D. Hòa 05/08/2023 07:15

Ngày 4/8, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Nông dân thu hoạch lúa.

Thông tin tại hội nghị, ông Trần Duy Đông - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có FTA thế hệ mới, trong đó khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng năm 2023, đạt gần 3,3 triệu tấn, chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại hội nghị, các đơn vị đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và những vấn đề đặt ra cần tập trung xem xét, giải quyết trong thời gian tới như, thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu tập trung vào một số thị trường truyền thống, trọng điểm; chưa chú trọng khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng. Công tác quy hoạch vùng trồng và định hướng tổ chức sản xuất lúa/gạo còn hạn chế; chưa thực sự phù hợp với tín hiệu của thị trường. Việc thực hiện liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà sản xuất – Ngân hàng) trong sản xuất nông nghiệp chưa tốt, vì vậy vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả thấp. Việc liên kết, hợp tác giữa các thương nhân cũng chưa thật tốt, vẫn còn tình trạng tranh mua, tranh bán, tranh thị trường, ép giá trong hoạt động thu mua, kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, giá gạo toàn cầu đã tăng mạnh, đạt mức giá cao nhất trong 11 năm qua, mang lại những cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo của Việt Nam. Vì vậy, việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương. Cùng với đó là chú trọng xây dựng thương hiệu cho hạt gạo.

Cũng theo thông tin từ Bộ Công thương, ngày 4/8 giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng 100 - 200 đồng/kg với nhiều chủng loại lúa. Do vậy, giá lúa tại khu vực đã tăng 100 - 300 đồng/kg so với tuần trước, tăng 400 - 700 đồng/kg so với tháng trước và tăng 400 - 1.600 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022. Trên thị trường xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 5 USD/tấn.

Trước tình trạng các doanh nghiệp (DN) ồ ạt thu mua lúa gạo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải vừa ký văn bản hỏa tốc số 5102 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về phối hợp triển khai việc bình ổn thị trường lúa gạo.

Theo Bộ Công thương, trước tình hình thị trường thóc, gạo trong nước đang có diễn biến giá, để thực hiện việc bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung thóc, gạo đang có diễn biến tăng giá. Do đó, để thực hiện việc bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung lúa gạo, kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp trong việc bình ổn thị trường.

Cụ thể, Bộ Công thương đề nghị các địa phương chỉ đạo sở Công thương đôn đốc các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng lúa gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

Các địa phương chỉ đạo DN xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện việc thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước. Đặc biệt, Bộ Công thương lưu ý, DN tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, theo kế hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng từ đầu năm 2023, diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm nay đạt khoảng 1,7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn. Đến thời điểm này, thông qua kiểm tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Hồng, việc sinh trưởng phát triển của cây lúa khá thuận lợi, nếu không có phát sinh vấn đề đột xuất như dịch bệnh, thiên tai, bão lũ,... trên diện rộng, có thể nói năm 2023 sẽ có một vụ mùa khá thắng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam đủ gạo cho nội địa và xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO