Rạng sáng 9/10, PGS Văn Như Cương- chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - một trong những trường THPT dân lập đầu tiên ở Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 80. Cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời, thầy Văn Như Cương vẫn minh mẫn và khỏe mạnh. Một hình ảnh mãi không quên với người thân, đó là thầy đã chờ con cháu về sum họp đầy đủ rồi mới thanh thản ra đi...
Ngày 9/10 cũng là sáng thứ hai đầu tuần, Trường THPT Lương Thế Vinh tạm dừng tổ chức buổi chào cờ như thường lệ. Bởi nghe tin thầy qua đời giáo viên và học sinh nhà trường rất buồn, không ai giấu được những giọt nước mắt tiếc thương…
PGS Văn Như Cương với học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh. (Nguồn: VNN).
Đã có rất nhiều bài viết về ông, về những đóng góp lớn của ông cho ngành giáo dục, cùng những câu chuyện đầy tính giai thoại về người thầy đáng kính ấy. Nhưng những ai đã từng gặp ông sẽ cảm nhận rõ hơn về một người thực sự tâm huyết với công cuộc trồng người. Có lẽ vì thế lâu nay ông luôn là người lên tiếng tham vấn và phản biện mạnh mẽ để đổi mới nền giáo dục nước nhà.
Cuộc gặp gần đây nhất với ông cũng đã cách đây hơn 2 năm, khi ấy đóng góp cho Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, ông bảo: Chúng ta đang sống trong xã hội hiếu học lạc hậu, bởi ai cũng muốn vào đại học, dù số đông sinh viên ra trường không có việc làm. Tệ hại là bậc trung cấp thiếu người học, nghề thiếu người học, mặc dù học ra có thế xin được việc ngay. Mục đích của giáo dục hiện nay chủ yếu là học sinh xong tiểu học để lên THCS, tiếp theo là THPT rồi vào đại học. PGS Văn Như Cương luôn thấy băn khoăn vì là nhận định của Bộ GD&ĐT thường không giống với nhận định của người làm công tác giáo dục ở cơ sở. Từ thực tế ấy, thầy Cương cảnh báo: Đây là nền giáo dục ứng thí, phục vụ “toàn dân lên lớp, toàn dân vào đại học”, không đảm bảo việc cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều này sẽ gây hậu quả về vấn đề nguồn lực lao động.
Năm học 2017- 2018, nhiều trường tiểu học tại Hà Nội thông báo tạm thời ngưng tổ chức những cuộc thi Olympic Toán, Tiếng Anh trên mạng. Lý do là chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD&ĐT về việc tổ chức các cuộc thi nói trên. Trước đó từng có nhiều ý kiến trái chiều về việc sử dụng kết quả từ các cuộc thi ấy để cộng thêm điểm ưu tiên vào trường “top” ở bậc THCS và THPT...
Quan tâm tới cơ chế cộng điểm ưu tiên hiện nay, PGS Văn Như Cương đã bày tỏ rằng ông cảm thấy rất hoảng vì trong 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 Trường Lương Thế Vinh trong 2 mùa tuyển sinh qua, khoảng 1.000 hồ sơ được điểm 10 Toán, Văn từ lớp 1 đến lớp 5. Cứ 10 hồ sơ thì có 3 em được giải thưởng các loại. Thực tế đó khiến ông trăn trở mãi, liệu những hồ sơ được điểm 10 tuyệt đối và các giải thưởng văn nghệ, thể thao, thi qua mạng kia có thực chất?
Ông chia sẻ: Tôi mừng là mới đây Bộ ra công văn tinh giảm các cuộc thi, trong đó yêu cầu không sử dụng kết quả các cuộc thi do Sở GD&ĐT chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do Sở cử đi tham gia cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017-2018. Từ năm học 2018-2019, các trường hợp này cũng không được ưu tiên tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp. Đây có thể là cách giúp giảm bớt tình trạng đua lấy giải, chạy giải cho học sinh. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là Bộ cần làm thế nào để học bạ phản ánh thực chất của học sinh. Vấn đề này không liên quan nhiều đến người học mà ảnh hưởng trực tiếp tới các thầy cô. Giáo viên mà để học sinh lưu ban thì xét tiên tiến khó lắm…
Mới đây thôi, nhân dịp khai giảng năm học mới 2017- 2018, PGS Văn Như Cương với tư cách nguyên hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã có những lời chia sẻ và dặn dò tới học sinh của trường đầy xúc động: “…Có lẽ các em sẽ ngạc nhiên khi hôm nay thầy sẽ nói về một căn bệnh mà ít nhiều chúng ta đều mắc phải. Căn bệnh này tuy không làm chết người ngay lập tức, nhưng nguy hiểm lắm vì nếu người bệnh không quyết tâm chạy chữa thì họ sẽ trở thành người vô dụng. Nguy hiểm hơn nữa, nếu một xã hội có nhiều người mắc bệnh này thì xã hội ấy trở thành nghèo nàn, lạc hậu, không bao giờ tiến bộ được.
Căn bệnh này làm cho con bệnh dần dần trở thành ngưới có nhân cách thấp kém, sống theo kiểu bầy đàn, và không giúp ích gì cho xã hội. Đó là thầy đang muốn nói về “bệnh lười” một căn bệnh có nguy cơ lan rộng nhanh chóng...
Bệnh này có những biểu hiện về triệu chứng như sau: Lười học, lười nghe giảng, lười làm bài tập, lười suy nghĩ, lười phản biện, lười đặt câu hỏi “tại sao như vậy?”, lười đọc sách, hoặc chỉ đọc những cuốn sách nhảm nhí, lười đọc kiến thức tham khảo… Lười lao động, lười làm việc chân tay, kể cả làm những việc phục vụ cho bản thân mình. Lười tập thể dục thể thao, rèn luyên thân thể… Kể ra thì còn nhiều triệu chứng, chắc rằng mỗi em đều cảm thấy mình đang mắc phải một triệu chứng nào đó...”
PGS Văn Như Cương mong muốn các thế hệ học trò đừng để “bệnh lười” đeo bám.
Dù mang trong mình căn bệnh ung thư, nhưng gần 3 năm qua, trong quá trình nằm bệnh viện điều trị vì bị khối u gan chèn mật, PGS Văn Như Cương thực sự đã là chiến binh dũng cảm. Thầy luôn giữ tinh thần lạc quan, sẵn sàng đối mặt với những đau đớn của căn bệnh. Phải chịu những đau đớn do căn bệnh quái ác đem lại thế nhưng, thầy vẫn liên tục dõi theo những hoạt động của trường, những bước trưởng thành của các em học sinh Trường Lương Thế Vinh. Nhiều người không phải là học sinh của thầy, nhưng biết ông qua mạng xã hội.
Trang facebook cá nhân của ông lên tới khoảng 5.000 bạn bè và hàng chục ngàn người theo dõi. Dù đau ốm nhưng hàng ngày ông vẫn cập nhật các thông tin thời sự được dư luận quan tâm; bày tỏ quan điểm, góc nhìn của một tri thức lớn trước những vấn đề mà xã hội đang đặt ra. Trong mắt các đồng nghiệp và nhiều thế hệ học trò, hình ảnh thầy Văn Như Cương với bộ râu dài, ánh mắt nghiêm nghị nhưng cũng đầy hóm hỉnh, tận tâm với nghề, cùng những phát ngôn ấn tượng về đạo học làm người… sẽ luôn được khắc ghi. Vì thế, sự ra đi của thầy sẽ là một khoảng trống khó lấp đầy.
Nhà giáo Văn Như Cương sinh năm 1937, tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông là tiến sĩ Toán học, được phong hàm Phó giáo sư. PGS Văn Như Cương là một nhà giáo, nhà biên soạn sách với hơn 60 đầu sách sách giáo khoa phổ thông, sách nâng cao và giáo trình đại học bộ môn hình học. PGS Văn Như Cương còn đảm nhiệm vai trò Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam. Lễ viếng PGS Văn Như Cương được cử hành từ 10h30 đến 12h30 ngày 12/10 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào hồi 12h30 cùng ngày. |