Xăng giảm, giá hàng tiêu dùng vẫn cao 'ngất ngưởng'

Thanh Giang 07/09/2015 06:10

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trước đây chỉ cần giá xăng dầu tăng, lập tức hàng hóa tăng theo với lý do chi phí hàng vận chuyển về các chợ tăng, nhiều DN sản xuất cũng dựa vào đó tăng theo. Tuy nhiên, khi giá xăng giảm liên tục thì tất cả đều im lặng, thiếu chia sẻ với người tiêu dùng.

Xăng giảm, giá hàng tiêu dùng vẫn cao 'ngất ngưởng'

Rau củ quả tại siêu thị vẫn chưa xuống giá.

Ngày 6/9, ghi nhận tại chợ Vườn Chuối (quận 3), chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh), chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), TP.Hồ Chí Minh…, giá thực phẩm tươi sống và rau củ quả vẫn đứng giá. Đơn cử, cà chua 12.000 đồng/kg; khổ qua, bí đỏ 15.000 đồng/kg; bắp cải, cà rốt 20.000 đồng/kg, khai tây 25.000 đồng/kg… Giá thực phẩm tươi sống đứng yên khi cá thu có giá 220.000 – 230.000 đồng/kg; cá ngân, cá nục 60.000 – 700.000 đồng/kg; thịt heo đùi và ba rọi dao động từ 950.000 – 100.000 đồng/kg…

Lý giải thắc mắc của người tiêu dùng trước tình hình giá cả không có dấu hiệu đi xuống, hầu hết tiểu thương cho rằng, giá vận tải hàng hóa không giảm thì hàng hóa không thể giảm.

Nhận định về giá cả hàng hóa sau khi xăng dầu liên tục giảm giá, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai cho hay, giá cả hàng hóa lên - xuống chủ yếu do biến động của mùa vụ chứ ít khi ảnh hưởng bởi giá xăng dầu. Lý do cơ cấu giá thành của sản phẩm có nhiều yếu tố khác tạo thành. Nhìn chung giá hàng hóa hiện nay phù hợp và có tính cạnh tranh cao nên tiểu thương không thể thích tăng thì tăng. Ngoài ra khi xăng dầu tăng giá, vận tải tăng, tiểu thương đã phải cắt, giảm lợi nhuận bằng nhiều cách.

“Giá mặt hàng rau củ quả tại chợ đầu mối không tăng vì không bị hụt nguồn cung. Giá xăng dầu tăng, giảm tác động không nhiều vào khâu vận chuyển hàng hóa về chợ. Chính vì giá xăng không tác động lớn đến hàng hóa, cho nên tại chợ đầu mối giá chỉ bằng 1/2 chợ lẻ”, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức nói.

Tương tự với tình trạng thờ ơ giảm giá hàng hóa tại chợ truyền thống, hàng hóa tiêu dùng trong hệ thống siêu thị cũng có phần “dửng dưng”. Thậm chí, một số mặt hàng mỹ phẩm được các nhà cung cấp thông báo tăng giá.

Nói về kế hoạch giảm giá hàng hóa tiêu dùng, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ Công chúng hệ thống siêu thị Big C khẳng định: “Ngoài hoạt động khuyến mãi từ nhà cung cấp và nhà phân phối thì các mặt hàng tại hệ thống siêu thị chưa có kế hoạch giảm giá theo xăng dầu. Lý do, lúc xăng dầu biến động theo chiều hướng tăng dần giá hàng hóa vẫn không tăng và ngược lại”.

Ngoài ra, theo ông Hồ Quốc Nguyên, từ đầu năm đến nay tổng giá trị của 7 lần giảm giá xăng dầu không thấp hơn bao nhiêu so với 4 lần tăng giá. Thực tế cho thấy, tính từ đầu năm đến nay giá xăng liên tục giảm 7 lần với tổng mức giảm 5.600 đồng/lít và 4 lần tăng với mức 5.040 đồng. Tính chung, giá mỗi lít xăng hiện nay rẻ hơn so với giá đầu năm khoảng 548 đồng.

Liên quan đến giá cả hàng hóa, đại diện siêu thị Saigon Co.op thông tin, thị trường lúc nào cũng có độ trễ riêng, vì thế muốn hàng hóa giảm giá theo giá xăng dầu cũng cần có lộ trình cụ thể.

Nói về nguyên nhân cốt lõi khiến hàng hóa không có dấu hiệu rục rịch giảm giá theo xăng dầu, ông Huỳnh Minh Thắng, chủ cửa hàng rau củ quả Đà Lạt (đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp) cho hay: “Giá vận tải hàng hóa giữ mức cao thì sao có thể giảm giá hàng hóa được. Khi giá xăng dầu tăng cao chúng tôi phải chi khoảng 800.000 đồng/tấn rau củ quả từ Đà Lạt về đây. Hiện giá dầu giảm mạnh nhưng giá cước vận không thay đổi. Tôi đã hỏi giá cả vận chuyển ở rất nhiều nhà xe, kết quả nhà xe vẫn áp dụng giá cũ”.

Do không giảm cước vận chuyển nên khoản lợi nhuận dôi ra từ giá dầu “chảy” hết vào túi nhà xe, thay vì khoản này thuộc về người tiêu dùng. Còn về phía nhà xe, khi được hỏi tại sao không giảm giá cước vận chuyển đa phần các nhà xe cho rằng, cơ cấu giá thành vận tải không chỉ xăng dầu mà còn có phí bảo trì đường bộ, phí bốc xếp, hao mòn xe…

Không chỉ có hàng hóa tiêu dùng và cước vận tải hàng hóa “bình chân như vại”, giá cước vận chuyển hành khách cũng đủng đỉnh ở mức cao ngất ngưởng. Trong khi đó vào tháng 5 khi xăng dầu tăng giá các hãng taxi đồng loạt tăng giá cước 500 đồng/km với lý do, không tăng giá DN không thể bù lỗ trong thời gian dài. Nhiều ý kiến nhận định, giá xăng dầu giảm nhưng giá vận chuyển hành khách và hàng hóa không giảm đồng nghĩa với tình trạng người tiêu dùng đang bị “móc túi”.

Nhằm tạo “sân chơi” công bằng, đồng thời tránh tình trạng xăng dầu lên giá cước vận chuyển tăng, xăng dầu xuống giá cước vận tải “giậm chân tại chỗ”, Sở Giao thông Vận tải TP HCM yêu cầu các hãng taxi đang hoạt động trên địa bàn thành phố giảm giá cước, sau khi xăng dầu liên tục giảm giá. Dự kiến, giá cước taxi tại thành phố sẽ được điều chỉnh từ ngày 8/9 với mức giảm 500 đồng/km.

Liên quan đến việc giảm giá cước vận tải, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM cho rằng, mặc dù taxi là loại hình vận chuyển chịu tác động rõ nét nhất của giá xăng nhưng hai tháng qua, giá xăng giảm 5 lần nhưng cũng tăng tới 2 lần và nếu tính rộng hơn nữa, so với hồi đầu năm thì không có sự chênh lệnh đáng kể.

Vì thế, nhiều DN taxi chưa chịu giảm giá cước là do giá xăng biến động quá thất thường, có khi chỉ trong 1 tháng mà biến động 2 lần khiến các doanh nghiệp taxi không thể theo kịp vì chi phí cho việc thay đổi giá cước là khá lớn. Từ hệ thống thiết bị, đăng ký giá vé, đồng hồ tính tiền… Tuy nhiên, trong các hãng taxi ở thành phố, hãng Vinasun đã chấp nhận giảm giá cước 500 đồng/km trong thời gian tới để thu hút khách hàng.

Đoàn Xá

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xăng giảm, giá hàng tiêu dùng vẫn cao 'ngất ngưởng'