Xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh trong vài năm trở lại đây, đạt trên 176 tỉ USD vào năm 2016. Mặc dù xuất khẩu nhiều như vậy, song, điểm yếu của hàng hóa Việt Nam là chưa khẳng định được thương hiệu, chất lượng không cao dẫn đến giá trị gia tăng thấp. Đây là câu chuyện được nhấn mạnh tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017 do Bộ Công thương tổ chức sáng 20/4.
Chưa yên lòng với xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của Việt Nam đạt được một con số khá ấn tượng: 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. So với tương quan của nền kinh tế thế giới trong năm 2016, đây là một con số được đánh giá là khá thành công. Tuy nhiên, một nỗi băn khoăn lớn nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được nhiều chuyên gia kinh tế nêu ra tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2017 đó là: “Vì sao Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng giá trị không cao?”. Đây là câu hỏi không mới song để trả lời câu hỏi này, sẽ phải là một quá trình lâu dài, bền bỉ.
Theo cách mà TS. Trần Đình Thiên- Viện trưởng Kinh tế Việt Nam “ví von” tại Diễn đàn thì, xuất khẩu của Việt Nam tuy tăng trưởng tốt, kim ngạch cứ lớn dần theo năm… nhưng “tôi vẫn chưa yên lòng với xuất khẩu.Chưa yên lòng là bởi, cách mà chúng ta đang làm không thể bền vững được, cần phải có những bước đi chắc, và vững, bền bỉ và dài hạn”- ông Thiên nhấn mạnh.
Bàn về câu chuyện xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng tỏ ra trăn trở khi đặt câu hỏi: “Chúng ta làm ra nhiều sản phẩm cho nhiều quốc gia nhưng vì sao mắt xích chúng ta tham gia lại thấp như vậy?”. Theo phân tích của vị lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, trong chuỗi giá trị sản phẩm có mắt xích then chốt nhưng hiện nay sản xuất công nghiệp của Việt Nam chưa “với được” mắt xích đó, mà luôn luôn chỉ là “mắt xích phụ thuộc”. Đơn cử, Samsung là sản phẩm của công nghiệp hiện đại, thế nhưng các DN Việt Nam lại chưa trở thành một mắt xích then chốt trong chuỗi sản xuất của Tập đoàn “đại gia” này. Một ví dụ rõ ràng hơn, đó là các sản phẩm nông sản xuất khẩu, xuất khẩu lớn đấy, nhưng giá trị thu về lại không được đến 50%.
Một hình ảnh hết sức đáng buồn được ông Nguyễn Văn Nam- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nêu lên tại diễn đàn, đó là người nông dân trồng cà phê chỉ bán được 2 USD/kg trong khi xuất khẩu sang nước ngoài giá một kg cà phê được đội lên đến 200 USD, tức là bà con nông dân Việt Nam chỉ được hưởng 1% trong giá trị đó trong khi công sức bỏ ra lại rất lớn. “Điều này có nghĩa rằng, chúng ta đang “bóc lột” người nông dân để nuôi người nước ngoài. Hạt điều, hồ tiêu và nhiều sản phẩm khác cũng vậy”- ông Nam nhấn mạnh.
Người nông dân trồng cà phê chỉ bán được 2 USD/kg trong khi
xuất khẩu sang nước ngoài giá đội lên đến 200 USD/kg.
Đâu là điểm yếu cần khắc phục?
Chỉ ra điểm yếu nhất của xuất khẩu hàng hóa Việt Nam hiện nay, ông Nam cho rằng, điểm yếu nằm ở chính năng lực của mỗi DN Việt. Hệ thống phát triển thương mại nhỏ lẻ, thiếu năng lực kinh tế, năng lực kinh doanh. Hàng loạt các yếu tố khác như năng lực tài chính, năng lực pháp lý... đều yếu nên mới có tình trạng người nông dân thường xuyên bị lật hợp đồng. Bản thân mỗi DN phải trở thành “bà đỡ” cho nông dân, nhưng nếu năng lực quá yếu, thì ai sẽ giúp nông dân giao dịch, ai sẽ giúp nông dân tiếp cận vốn ngân hàng, ký kết hợp đồng với đối tác… Đó chính là mấu chốt của những bất cập trong sản xuất hàng hóa nông sản mà chúng ta đã và đang chứng kiến.
“Do đó, quan trọng nhất là phải đầu tư cải tiến DN, chính sách đưa ra phải tạo thuận lợi cho DN vận động. Chỉ khi vận động được, DN mới tự lớn lên, anh nào giỏi thì sống anh nào yếu tự bị đào thải. Chứ không phải cứ hỗ trợ mãi. Ngành thép, ôtô chúng ta hỗ trợ bao nhiêu, bây giờ hỏi có ngành nào lớn được không?”- ông Nam đặt câu hỏi. Theo ông Nam, nói như vậy có nghĩa rằng, chính sách của chúng ta vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả, ưu đãi, hỗ trợ vẫn chưa đúng chỗ.
Thừa nhận rằng, xuất khẩu hiện nay mới chỉ đạt “điểm cao” về số lượng mà chưa nhấn vào chất lượng, như vậy sẽ khó bền vững, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết: Bức tranh xuất khẩu thời gian tới ra sao chính là vấn đề Chính phủ cùng các bộ ngành đang rất trăn trở. “Chúng ta quan tâm đến kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng phải tính đến yếu tố bền vững, điều này giống như hình ảnh người tham gia giao thông muốn đi nhanh nhưng phải đảm bảo an toàn”- ông Hải nhận định.
Bởi vậy, đứng ở phía nhà làm quản lý, ông Hải cho rằng, những chính sách về xuất nhập khẩu tới đây sẽ phải tạo thuận lợi hơn cho các DN xuất nhập khẩu, cải thiện tốt hơn nữa môi trường kinh doanh để môi trường đó thực sự bình đẳng tạo mọi cơ hội ngang bằng cho các khu vực DN chứ không ưu đãi bất kỳ một khu vực DN nào như trước đây các DN đã từng phản ánh.
Ở một khía cạnh khác, ông Võ Trí Thành- nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam muốn xuất khẩu bền vững, cần phải tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng cao ở khâu công nghệ đây là khâu khó hơn nhiều so với khâu dịch vụ, sản xuất… vì đòi hỏi tốn kém về tiền bạc, trí tuệ. Song, khó mấy cũng phải tham gia vì chỉ có công nghệ mới quyết định được sự lớn mạnh, bền vững của một nền sản xuất công nghiệp. Do vậy, ông Thành cho rằng, không phải DN nào cũng tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị.
Mỗi DN chỉ cần làm 1 đến 2 khâu nhưng phải nắm chắc mình có thể làm được gì và sẽ thay đổi được gì, tức là tăng giá trị gia tăng theo chức năng. Nhìn theo phương diện này, ông Thành cho biết: “DN cứ làm những gì mình đang làm nhưng nâng cao năng suất lên. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, DN chỉ cần thay đổi cách quản lí thì năng suất đã tăng 10-15%”.