Bất cập nhà tái định cư: Chưa ở đã xuống cấp

Nguyên Khánh 06/12/2020 09:00

Không chỉ tồn tại nhiều bất cập trong quản lý, vận hành, nhiều tòa nhà tái định cư ở Hà Nội đang trong cảnh vắng vẻ bởi người dân không đến nhận nhà, không về ở. Nhà cứ xuống cấp theo ngày tháng mặc cho nhu cầu nhà tái định cư của người dân vẫn tăng. Nghịch lý ấy đã và đang gây lãng phí lớn.

Không ít khu tái định cư vắng vẻ.

Thời gian này, những ai đi qua phố Tân Mai kéo dài (quận Hoàng Mai) đều không khỏi thắc mắc vì sao 3 khối nhà chung cư cao hơn 10 tầng đã hoàn thiện nằm sát mặt đường lớn, đối diện hồ Đền Lừ thoáng rộng nhưng mấy năm nay không có người đến ở. Rõ ràng, những tòa chung cư này nằm ở vị trí khá thuận lợi vậy điều gì khiến người dân không chọn nơi này để an cư?

Theo quan sát của chúng tôi khu tái định cư (TĐC) gồm 3 đơn nguyên với mấy trăm căn hộ nhưng điều đáng nói không có bất kỳ công trình hạ tầng xã hội nào kèm theo. Trong khi đó nếu để ý kĩ có thể thấy một số vị trí đã có dấu hiệu nứt vỡ, xuống cấp.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Ban Quản lý dự án quận Hoàng Mai Giang Chí Trung cho biết, đây là quỹ nhà TĐC phục vụ giải phóng mặt bằng mở rộng đường Tam Trinh. Hiện các hạng mục tại dự án đã hoàn thiện, đang được làm thủ tục nghiệm thu phương án phòng cháy, chữa cháy. Dự kiến trong quý I/2021, quận Hoàng Mai sẽ bàn giao quỹ nhà này cho Sở Xây dựng lên phương án bố trí cho các hộ dân về ở. Tuy nhiên, người dân có chịu về ở một nơi thiếu các công trình hạ tầng hay không thì không ai có thể khẳng định.

Cách đó không xa, tại ngõ 13 phố Lĩnh Nam, 2 tòa nhà cao 9 tầng với gần 100 căn hộ khu tái định cư Sống Hoàng đã xây dựng xong gần 10 năm, nhưng đang trong cảnh hoang phế, lác đác vài căn hộ có người ở, chân tòa nhà rác thải bủa vây, gây nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường.

Theo người dân, đây là nhà tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án xây dựng trụ sở UBND phường Mai Động và mở rộng tuyến ngõ 13 Lĩnh Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dẫn đến khu tái định cư này không có nhiều người chuyển về sinh sống.

Tương tự, khu TĐC Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sau 15 năm đi vào sử dụng, nhiều hạng mục của nhà tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng. Nền gạch, bê-tông nứt toác từng mảng, những vết nứt lớn xuất hiện chung quanh tòa nhà. Thậm chí, tầng 1 vốn là khu vực kinh doanh của tòa nhà phải quây tôn bao quanh vì mất an toàn. Toàn bộ mặt tiền khu vực đường đôi Đền Lừ quây tôn như nhà hoang, bên ngách trở thành nơi đổ rác thải, mùi xú uế bốc lên khó chịu. Tại tòa A1, hàng chục “chuồng cọp” được cơi nới, xây dựng không biết từ bao giờ khiến tòa nhà không khác gì những khu tập thể xây dựng từ 50 - 60 năm trước.

Anh Nguyễn Văn Đức, sống tại tòa nhà A3, khu TĐC Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hệ thống hạ tầng tòa nhà gia đình anh đang sinh sống xuống cấp trầm trọng, hệ thống đường ống dẫn bồn cầu thường xuyên bị tắc làm ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của cư dân tòa nhà. “Có thời điểm đường ống thoát bồn cầu bị tắc hàng chục ngày, mặc dù cư dân đã trình báo nhưng vẫn không được đơn vị quản lý cử người đến khắc phục, xử lý”, anh nói.

Khu TĐC Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Khu TĐC Đồng Tàu được đưa vào sử dụng cách đây hơn 10 năm. Khoảng 5 năm trở lại đây, khu đô thị này xuống cấp nghiêm trọng. Chị Nhung (tòa nhà N6) cho biết, sống ở gần những con đường mới mở nhưng cuộc sống ở đây lại không khác khu “ổ chuột”. Sàn để xe lún nứt, chung quanh tòa nhà cũng nứt lún khắp nơi. Đường ống nước thải thường xuyên bị nghẽn khiến nước dềnh lên nhiều ngày không được khắc phục. Thực tế tại khu TĐC Đồng Tàu, nhiều khu sinh hoạt chung đang bị lấn chiếm, rác thải tràn ngập khu vực vườn hoa quanh các tòa nhà.

Không chỉ khu TĐC Đền Lừ, Đồng Tàu mà phần lớn các khu TĐC khác như Bắc Linh Đàm, Nam Trung Yên, Sài Đồng… cơ sở hạ tầng cũng đang xuống cấp. Tại khu TĐC Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), 18 tòa TĐC ở đây sau 15 năm đưa vào vận hành nhưng chưa được sửa chữa, bảo trì, đến nay đều xuống cấp nghiêm trọng.

Ảnh: Quang Vinh.

Hạ tầng không đồng bộ khiến dân không mặn mà

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn có 174 khu nhà TĐC đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ. Hầu hết các tòa nhà được xây dựng bằng ngân sách nhà nước, phục vụ nhu cầu TĐC cho các hộ dân nội đô bị thu hồi đất do nhu cầu phát triển hạ tầng của địa phương.

Thống kê cho thấy, có 103 tòa nhà không có nhà sinh hoạt cộng đồng; 54 tòa nhà bỏ không diện tích sàn tầng 1 (khu vực kinh doanh dịch vụ) hoặc bị chiếm dụng sử dụng trái phép không được thu nộp vào ngân sách. Khu vực để xe cho cư dân hoặc sinh hoạt cho nhân viên quản lý không có hoặc lắp ghép bừa bãi.

Trong khi đó, hầu như các tòa nhà chưa thành lập được ban quản trị để thay mặt cư dân giải quyết các công việc chung của tòa nhà; nhiều tòa nhà không đủ hệ thống chiếu sáng, không có camera giám sát, hệ thống báo, chữa cháy không bảo đảm, khu vực tập kết rác thải, vệ sinh rất bẩn, một số tòa nhà bị chiếm dụng cầu thang thoát hiểm...

Nhiều khu nhà được xây dựng ở quá xa siêu thị, chợ, trường học, bệnh viện... khiến cư dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Vậy là, cho dù mức thu phí dịch vụ đối với cư dân ở nhà TĐC được tính theo quy định của thành phố là rất thấp so với mặt bằng chung, nhưng nhiều khu nhà không hấp dẫn được người dân về ở, làm cho những tòa nhà TĐC càng thêm hoang vắng, tiêu điều.

Bình luận về thực trạng các khu tái định cư vắng người ở, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, chủ trương về tái định cư là hoàn toàn đúng, song việc thực hiện lại có nhiều vấn đề. Bên cạnh chất lượng nhà kém, một nguyên nhân cơ bản khiến người dân không mặn mà với nhà tái định cư là do không đáp ứng được nguyện vọng của họ. Những người bị thu hồi đất ở, cần phải giải quyết tái định cư thường có thu nhập thấp, đang phải bám mặt đất để kiếm sống. Họ cần không gian phát triển kinh tế hộ gia đình. Việc đưa họ vào chung cư cao tầng sẽ không giúp giải quyết được vấn đề kinh tế. Người dân buộc phải bán lại nhà tái định cư giá rẻ, thậm chí bỏ không để tìm một chỗ nào khác gắn với mặt đất để mưu sinh.

Đâu là lời giải?

Về giải pháp để người dân ở khu TĐC theo ông Đặng Hùng Võ, cần tìm ra phương thức phù hợp với người dân, nhất là tạo sinh kế.

“Giải quyết tái định cư là phải đưa ra những phương thức tái định cư phù hợp với sinh kế, thu nhập, công việc của những người đang được giải quyết tái định cư. Nhưng cơ quan chức năng chỉ biết, người dân có chỗ ở, mỗi người bao nhiêu mét vuông là coi như xong việc”, ông Đặng Hùng Võ nói.

Cần phải làm tốt công tác quy hoạch, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội nói. Ông Nghiêm phân tích, nguyên nhân người dân quay lưng với các tòa nhà tái định cư do vị trí xây dựng không thích hợp. Địa điểm tái định cư phải là những vị trí để cho người thuộc diện di dời có thể thuận lợi làm việc, có nguồn thu nhập và đảm bảo được cuộc sống. Ví dụ, người trong diện giải phóng mặt bằng ở quận Tây Hồ nhưng được bố trí tái định cư ở quận Hà Đông, hay giải phóng mặt bằng ở Mỹ Đình nhưng khu tái định cư lại ở Gia Lâm… đi vài chục cây số mới tới nơi làm việc, kinh doanh buôn bán thì hoàn toàn không phù hợp, nên người dân không nhận tái định cư hoặc có nhận cũng không ở.

“Để giải bài toán nhà ở tái định cư, điều đầu tiên phải làm tốt công tác quy hoạch. Phải xác định đúng vị trí xây dựng khu tái định cư, đảm bảo giao thông, hạ tầng xã hội cho người tái định cư. Sau đó phải xác định đúng đối tượng tái định cư sao cho phù hợp với nhu cầu, thu nhập của mỗi người” - ông Nghiêm nói.

Để nhà tái định cư thật sự là nơi “an cư lạc nghiệp” cho những người dân vốn đã chịu nhiều thiệt thòi khi bị thu hồi đất, nhà phục vụ việc tái thiết Thủ đô, TP cần có một kịch bản” hoàn chỉnh về loại hình nhà ở này từ phương thức tái định cư, nhu cầu thực tế đến chất lượng công trình, đặc biệt là trong công tác quy hoạch.

Nhiều người cho rằng, xây các quỹ nhà tái định cư vừa phức tạp lại hoàn toàn không còn phù hợp. Hãy để cho những người dân thuộc diện di dời được tự do lựa chọn những nơi tái định cư phù hợp với nhu cầu sống. Các dự án nhà ở thương mại cũng cần phải bố trí một phần quỹ nhà để phục vụ các nhu cầu của chính sách giải phóng mặt bằng. Riêng các tòa tái định cư đã được xây lên rồi nhưng vẫn “cửa đóng then cài” nên chuyển đối tượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập nhà tái định cư: Chưa ở đã xuống cấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO