Biếm họa báo chí thời 4.0

Hoàng Thu Phố 21/06/2021 11:00

Song hành cùng báo chí, bên cạnh đội ngũ các phóng viên còn có các họa sĩ. Cũng như mảng tranh minh họa, các họa sĩ vẽ biếm họa thường là cộng tác viên, nhưng đã góp thêm cho bức tranh toàn cảnh của báo chí Việt Nam đa dạng, sinh động và có tiếng nói sắc sảo ngay cả khi bước vào thời cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (gọi tắt là 4.0).

Tranh của NOP.

1. Báo chí ngày nay đã có nhiều thay đổi, trong đó xuất hiện nhiều tác phẩm có hình thức thể hiện hiện đại với các thể loại mới, như: Megastory, E-magazine, Longform, Infographic... Quan niệm và xu thế báo chí cũng đã có sự dịch chuyển, đặc biệt là khi mạng xã hội lên ngôi và ai cũng có thể thực hiện “báo chí công dân”.

Tuy nhiên, dù báo chí có thay đổi chóng mặt, có bước vào thời 4.0 với cuộc đua tranh gắt gao hơn, thì hình thức tranh biếm họa cũng vẫn khó có thể biến mất, mà trái lại, có khi càng có nhiều “đất” tồn tại. Đồng nghĩa với điều này, đòi hỏi họa sĩ vẽ tranh biếm phải làm việc “tốc hành” hơn, thay vì mỗi tuần vẽ một bức thì có thể phải vận hết “công lực” để mỗi ngày vài ba bức, tùy theo “sức khỏe” và sự “cảm ứng” nhanh nhạy với các vụ việc diễn ra trong ngày.

Giới nghiên cứu cho rằng, biếm họa là một hình thức thông tin đặc thù, biểu đạt thông điệp bằng ngôn ngữ họa hình. Ngôn ngữ họa hình thể hiện trong tác phẩm biếm họa được kết tinh thành biểu tượng, giúp cho người xem dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

Ngược dòng thời gian, có thể nhận ra tranh biếm họa trên báo chí ở Việt Nam xuất hiện từ rất sớm, cách nay ngót một thế kỷ. Trong cuốn “Lịch sử tranh biếm họa Việt Nam” khẳng định, người đầu tiên có tranh biếm họa được đăng báo là Nguyễn Ái Quốc với nhiều bức biếm họa được Bác đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ) vào những năm 1922-1926. Kể từ đó đến nay, dù lúc thăng lúc trầm, song tranh biếm họa luôn khẳng định được vị trí quan trọng trong việc tuyên truyền, đấu tranh chống lại những điều tiêu cực. Dấu ấn tranh biếm họa có thể thấy qua nhiều tác phẩm của những “cây đa cây đề” trong làng mỹ thuật như Phan Kế An (bút danh Phan Kích), Nguyễn Gia Trí (bút danh Rigt), Tô Ngọc Vân (Tô Tử), Mai Văn Hiến, Nguyễn Nghiêm, Đặng Nhân, Lý Trực Dũng, Dzuy Minh, Phạm Tấn Phú, Nguyễn Bích, Choé (Nguyễn Hải Chí)… Thế hệ tiếp nối có: Trần Quyết Thắng, Trịnh Lập, Văn Nhân, Sa Tế (Nguyễn Văn Thưởng), LEO (Lê Phương), Còm (Nguyễn Hữu Khoa), DZím, Đốp, Ớt, Đan...

Tranh của NOP.

2. Một trong những hoạt động thu hút và khích lệ được đội ngũ những họa sĩ vẽ tranh biếm họa đó là “Giải biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre” do báo Thể thao và Văn hóa hóa tổ chức. Ngay ở cuộc thi lần thứ nhất (năm 2008-2009) đã thu hút tới 900 tác phẩm của gần 100 tác giả tham dự. Từ cuộc thi này đã xuất hiện những cái tên rất mới mẻ đứng vào đội ngũ những họa sĩ vẽ tranh biếm như Lê Anh Phong (bút danh LAP), Trung Liêm, Hoàng Đặng, Văn Thánh, Vĩnh Hữu…

Đến lần thứ 5, “Giải biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre” thu hút được 400 tác phẩm của 50 tác giả tham gia… Nhiều cây bút vẽ biếm đã tạo được dấu ấn cá nhân trong việc gửi tác phẩm tham gia các cuộc thi này, như Lê Diệu Bang (bút danh Méo), Đỗ Anh Dũng (bút danh DAD), Nguyễn Mạnh Tiến, Trần Hải Nam (bút danh N9), Nguyễn Minh Đông (bút danh điop), Nguyễn Hữu Lộc (bút danh H.Lộc), Lê Đức Hùng (bút danh DINGO)…

Tuy không phải là giải thưởng thường niên, và được tổ chức tương đối ngẫu hứng, nhưng đây được cho là một sân chơi thú vị, tạo cú hích cho sự phát triển ngày một lớn mạnh của giới họa sĩ chuyên vẽ biếm họa.

Họa sĩ Vi Kiến Thành cho rằng, tranh biếm họa không chỉ là những tác phẩm đặt ra yêu cầu về thẩm mỹ, mà còn đòi hỏi tính xã hội với ý tưởng độc đáo và ngôn ngữ đồ họa cô đọng, súc tích. Giá trị của biếm họa không thuần túy nằm ở kỹ năng tạo hình mà còn ở thông điệp được người xem tiếp nhận thông qua đường nét.

Theo ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, biếm họa thực sự là một vũ khí sắc bén trong tay các nhà báo - họa sĩ và các cơ quan báo chí. Lực lượng các nhà báo - vẽ vẫn còn rất sung sức để đưa những vấn đề trọng yếu của xã hội lên trước công luận bằng những bức tranh đôi khi chỉ được in bằng bao diêm, nhưng lại có khả năng tác động trực diện, trực quan vào nhận thức của mọi tầng lớp công chúng, không phân biệt trình độ, tuổi tác hay ngôn ngữ.

Tranh của Sói.

3. Họa sĩ Thành Chương cho rằng, trong lịch sử gần 100 năm biếm họa Việt Nam, giới báo chí đều hiểu được sức mạnh rất lớn của biếm họa. Biếm họa phát triển thì sự quan tâm của bạn đọc với tờ báo rất nhiều. Chính biếm họa là một trong những “vũ khí” uy tín đối với bạn đọc.

“Biếm họa có nhiều cái hay, thú vị, có những cái dễ mà cũng có những cái khó. Dễ khi mà ta còn trong chiến tranh, còn có ta với địch thì mảng biếm họa đả kích thoải mái, rất nhiều tranh biếm họa đã đả kích tới nơi tới chốn. Nhưng khi không có kẻ địch trên chiến trường, “đả” ta là vấn đề khó. Cái khó cũng làm cho các anh em họa sĩ biếm chững lại. Chỉ khi ta đủ mạnh để chấp nhận sự châm biếm của chính ta, sự mở cửa ấy mới đem lại sự thoải mái và biếm họa mới đóng góp cho đất nước ý nghĩa tích cực của mình”, họa sĩ Thành Chương nêu quan điểm.

Là một họa sĩ hàng đầu về tranh biếm họa ở Việt Nam, họa sĩ Lý Trực Dũng cũng cho rằng, biếm họa là một vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, biếm họa là bộ môn nghệ thuật tạo hình luôn đóng vai trò tiên phong.

Cũng theo ông Dũng, thiên chức của biếm họa là phản biện xã hội, góp thêm tiếng nói làm cho xã hội tốt hơn. Thời đổi mới, chúng ta để lại rất nhiều tranh biếm họa có giá trị lịch sử, giờ biếm họa ít được coi trọng, vẽ không có đất dùng, rất ít họa sĩ không sống được bằng nghề, một tranh biếm họa được trả 150 ngàn đến 200 ngàn, rất thấp.

Vì thế, ở thời điểm này, chúng ta chỉ có những tác phẩm chung chung, thiếu những tiếng nói có thể tạo thành phong cách. “Những tác phẩm vượt qua biên giới Việt Nam rất ít, tranh biếm họa của ta mới chỉ đề cập đến những gì thuộc đất nước mình, con người mình thôi”, họa sĩ Lý Trực Dũng nói, đồng thời này tỏ: Muốn ra thế giới phải có ngôn ngữ của thế giới.

Tay nghề các họa sĩ vẽ biếm họa của Việt Nam không kém, kỹ thuật họ cũng ngang ngửa thế giới, nhưng biếm họa đặc trưng của nó là trí tuệ, trí tuệ, và trí tuệ. Những bức tranh như thế chúng ta còn thiếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biếm họa báo chí thời 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO